Dự Hội thảo có các đồng chí: Trần Xuân Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; đại diện thường trực HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội thảo.
Với 130 đại biểu tham dự, 23 bài tham luận, trong đó 9 tham luận được trình bày tại Hội thảo đã làm rõ nội hàm về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Các tham luận đã đề xuất một số giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả quy định về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Hội thảo khẳng định sự cần thiết phải nêu gương trong giai đoạn hiện nay, xác định được những nội dung cốt lõi của nêu gương trong mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị; đánh giá thực trạng trách nhiệm nêu gương, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, nhất là những khuyết điểm gây bức xúc trong xã hội do cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu gây ra; đề xuất những giải pháp cụ thể để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, đi vào nền nếp. Hội thảo cũng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, Hội thảo khoa học “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng thực hiện các quy định về tránh nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; làm rõ những nội dung cốt lõi về trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả để việc nêu gương ở tỉnh Quảng Bình trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, liên tục của mỗi cán bộ, đảng viên; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Nguyễn Viết Xuân
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình