Sáng 4-8-2011, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và thảo luận tại Hội trường về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến phức tạp và sâu sắc. Việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 là rất cần thiết.
Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải thể chế hóa kịp thời đường lối, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; về bảo vệ Tổ quốc; về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Hiến pháp mới cần ghi nhận những thành quả cách mạng và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 25 năm đổi mới đất nước của nhân dân ta. Phải phát huy được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân…
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 theo một số định hướng lớn về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân; về tổ chức bộ máy nhà nước…
Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch với thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có nhiệm vụ tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan, tổ chức hữu quan và nhân dân để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Dự kiến, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần thứ nhất sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2012. Sau khi tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong 2 tháng, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào giữa năm 2013. Tiếp đó, dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các đại biểu để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 10 năm 2013.
Các ý kiến tại Hội trường chiều 4-8 tập trung thảo luận về mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, các quan điểm và một số định hướng lớn sửa đổi, bổ sung, thời gian và lộ trình thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cũng như thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hầu hết các ý kiến thảo luận nhất trí cao với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số ý kiến nhấn mạnh Hiến pháp sửa đổi, bổ sung cần làm rõ mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể chính trị, xã hội trong hệ thống chính trị của nước ta. Nhiều ý kiến đề nghị Hiến pháp chỉ cần quy định các vấn đề lớn, còn các vấn đề cụ thể sẽ được quy định trong các bộ luật. Ngoài ra, các đại biểu quốc hội cũng đề cử thêm thành viên trong Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Có ý kiến đề nghị thêm một số đại biểu tiêu biểu thuộc các thành phần trong Quốc hội khóa XIII.
Cuối buổi chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông trong thời gian gần đây và chủ trương xử lý của Việt Nam.
Xuân Sơn