Ngày 22-5, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012 và những tháng đầu năm 2013.
Đây là nội dung thảo luận quan trọng nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả thúc đẩy sản xuất, khơi thông thị trường trong nước, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012; giải quyết những vấn đề tồn tại về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông, việc kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng…
Báo cáo bổ sung của Chính phủ trình bày trong phiên khai mạc cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2013, Chính phủ tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn… Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đạt được kết quả bước đầu khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 4,89%, đạt mục tiêu đề ra. Một số sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng khá; hàng tồn kho giảm dần. Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, nhất là sản xuất lúa gạo, khai thác hải sản…
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra Báo cáo của Chính phủ là Ủy ban Kinh tế cho rằng: "Nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn”.
Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Chính phủ xác định 6 giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Thực trạng kinh tế - xã hội và những giải pháp trên sẽ được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, góp ý để Chính phủ tiếp thu, thực hiện, nhằm đạt kế hoạch đề ra.
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá, bản báo cáo của Chính phủ tương đối toàn diện, nhưng chưa thể hiện được mức độ diễn ra và xu hướng đáng lo ngại của nền kinh tế. Các đại biểu đều đồng tình, báo cáo cần phải đánh giá một cách sâu sắc, “gốc rễ” hơn.
ĐB Trần Du Lịch (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Cần nhìn thẳng sự thật rằng, nền kinh tế đang trong giai đoạn trì trệ nghiêm trọng. ĐB phân tích, trong nhiều năm từ sau đổi mới, chúng ta cũng đã có giai đoạn nền kinh tế trì trệ khi chịu tác động khủng hoảng tài chính khu vực trong 3 năm (từ 1997-1999). Nhưng giai đoạn hiện nay, suy giảm tăng trưởng đã kéo dài 6 năm (từ 2008-2013), tức gấp đôi thời gian giai đoạn trước. “Tại sao gọi là trì trệ? Vì trước đây đều tăng trưởng mức 7 - 8%. Chỉ tăng trưởng mức đó chúng ta mới rút ngắn được mục tiêu phát triển với các nước khác và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan. Nhưng hiện nay, tăng trưởng chỉ ở mức 5% thì đúng là trì trệ”.
Tại tổ ĐBQH TP. Hà Nội, các ĐBQH cũng cho rằng, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt để vực dậy nền kinh tế.
ĐB Nguyễn Thị An cho rằng, trước hết, phải xem lại các con số thống kê đánh giá chuẩn tình hình; bởi thực tế, tại nhiều tỉnh đều báo cáo GDP tăng cao, nhưng tính chung cả nước lại thấp, hay nhiều con số thống kê của các bộ, ngành không thống nhất nhau.
ĐB đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tìm ra quy luật phát triển thực tiễn của Việt Nam, tái cơ cấu thế nào cho đúng, đầu tư công thế nào cho hiệu quả để tạo ra bước đột phá. ĐB cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nên có sự đầu tư sâu hơn cho nông nghiệp, từ đây tạo ra cứu cánh cho nền kinh tế.
T.H