Tiếp tục ngày chương trình của Kỳ họp thứ 4, ngày 24-10, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013; về dự thảo Luật dự trữ quốc gia.
Đa số các đại biểu cho rằng, báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ đã nhận định đúng tình hình hiện nay, nhìn rõ những thách thức, khó khăn và quyết tâm tạo sự chuyển biến. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, báo cáo vẫn còn chung chung, chưa phân tích sâu những vấn đề nổi lên của nền kinh tế.
Cần tập trung phân tích, có giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Chính phủ ước tính GDP đạt 5,2% trong năm 2012 nhưng sẽ rất khó, vì quý 4 phải đạt 5,6 - 5,7% trở lên thì mới đạt tới con số này. Hiện kinh tế thế giới vẫn ở trong tình trạng suy thoái kép, vì vậy tác động rất lớn đến nền kinh tế nước ta. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề: Theo thông lệ, kinh tế Việt Nam quý sau thường tăng trưởng hơn quý trước nhưng chúng ta đang ở giai đoạn cực khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi... Tăng trưởng quý sau hơn quý trước đã là thông lệ, không phải là dấu hiệu chuyển biến của nền kinh tế. Lạm phát giảm, liệu có phải do kiềm chế thành công hay là lực cầu bị suy kiệt. Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần giải quyết nợ xấu, đó là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Chính phủ cần tập trung, xem nợ xấu là điểm cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để giải quyết. Phải thanh lọc toàn bộ các ngân hàng yếu kém, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), năm 2012, trong 5 tiêu chí không hoàn thành, có một tiêu chí rất quan trọng đó là đầu tư xã hội. Vì sao đầu tư xã hội không đạt? Nợ xấu, tồn kho gia tăng... Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vì đó là lực lượng quan trọng cho nền kinh tế. Đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông dân, vì đó là chỗ tựa vững chắc cho nền kinh tế. Đầu tư cho nông nghiệp sẽ thúc đẩy được xuất khẩu. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP. Hà Nội) chỉ rõ: Báo cáo chưa đề cập đến những nguyên nhân từ sự chỉ đạo điều hành chung của Chính phủ với các bộ, ngành chưa chặt chẽ, việc quản lý thông tin chưa được đảm bảo, khâu kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chưa được quan tâm đúng mức, cơ chế chịu trách nhiệm còn chồng chéo, khó quy trách nhiệm... Phương hướng phát triển cho năm tới cũng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, nên cần có giải pháp hữu hiệu. Đại biểu Nguyễn Minh Quang (TP. Hà Nội) đề nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất của Chính phủ nên sớm được cụ thể hoá bằng những nghị quyết, thông tư hướng dẫn, nhất là các quyết định về giãn, giảm thuế, chậm nộp thuế đất... Đặc biệt, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến giải quyết khoản nợ xấu của các ngân hàng để giúp lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và giúp các doanh nghiệp có liều thuốc hồi sinh, tự tin tiếp tục sản xuất, phát triển.
Cân nhắc kỹ chủ trương chưa tăng lương trong năm tới. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (TP. Hà Nội) nhận xét về sự chậm đổi mới trong điều hành của Chính phủ. Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, nhiều vấn đề của ngày hôm nay đã được các đại biểu Quốc hội cảnh báo qua nhiều nhiệm kỳ nhưng ý kiến của các đại biểu “như đi vào không khí”, kỷ luật thực thi không nghiêm khắc. Ngân sách năm 2013 rất khó khăn mà Chính phủ vẫn cứ đề xuất chi tiêu như mọi năm, vẫn dàn trải, trùng lặp, tiêu chí không rõ ràng, theo những địa chỉ có sẵn mà không có sự rà soát xem những gì thực sự cần thiết... Nếu như vậy thì sẽ không thể có nguồn lực để tăng lương và giải quyết những khó khăn hiện nay. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền đồng tình với quan điểm cắt giảm những chi phí không cần thiết để có thể tăng lương. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) đề nghị Chính phủ cần công khai nợ xấu, có đánh giá thực chất và phương án giải quyết cho từng trường hợp, thậm chí phải xử lý hình sự với những người có trách nhiệm. Đại biểu cũng nhất trí đề nghị, không nên tạm dừng tăng lương, cần rà soát lại các khoản chi ngân sách để cắt giảm những khoản không phù hợp, lấy nguồn cho tăng lương. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP. Hà Nội) góp ý về 5 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội dự kiến không đạt kế hoạch trong năm nay… và đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ chủ trương chưa tăng lương trong năm tới, bởi đây là việc ảnh hưởng đến đời sống của đại bộ phận người dân.
|
Đại biểu tại Tổ Hà Nội phát biểu ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội; dự toán ngân sách nhà nước |
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cũng cho rằng, việc phân bổ ngân sách Trung ương chưa phù hợp, quan điểm và cách triển khai không đồng nhất. Theo báo cáo, quan điểm là tập trung cho con người, nhưng kết cấu và lộ trình cải cách tiền lương lại không có nguồn. Theo đại biểu, cần tăng lương nhưng mức độ thì phải cân nhắc cho phù hợp, để đảm bảo đời sống cho người dân.
Không sử dụng dự trữ quốc gia để bình ổn giá. Trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Phùng Quốc Hiển trình bày, dự Luật Dự trữ quốc gia đã được chỉnh lý theo hướng thu hẹp mục tiêu của dự trữ quốc gia, chỉ giữ mục tiêu: “Đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Phùng Quốc Hiển cho biết: Có ý kiến đề nghị bổ sung nguồn lực dự trữ quốc gia từ tài nguyên thiên nhiên, tiền, ngoại tệ, vàng và kim loại quý, đặc biệt là vàng - được coi là một phương tiện dự trữ linh hoạt. Tuy nhiên, qua cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không dự trữ bằng tiền. Vì việc dự trữ tài nguyên khoáng sản hiện nay đã được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản; dự trữ vàng, ngoại tệ đã được điều chỉnh bởi Pháp lệnh ngoại hối, do đó, quy định trong Luật này sẽ dẫn đến trùng lắp. Về mua, bán hàng dự trữ quốc gia, để phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm tính minh bạch, công khai và lợi ích nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan… dự luật được chỉnh sửa theo hướng chỉ áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các trường hợp liên quan đến bí mật quốc gia...
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) thống nhất thu hẹp mục tiêu dự trữ quốc gia, nhưng cần quy định rõ: “các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước” là gì? Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) có cùng quan điểm này: “Nhiệm vụ đột xuất, cấp bách là những nhiệm vụ nào? Ai có thẩm quyền xác định? Phải nêu ngay vào luật, nếu không sẽ có sự vận dụng tuỳ tiện”. Đại biểu Lê Văn Hoàng (TP. Đà Nẵng) đề nghị quy định cụ thể hơn một số chính sách ưu đãi về mặt bằng xây dựng kho dự trữ, thuế xuất nhập khẩu các thiết bị bảo quản hàng hóa lưu trữ…
Thuỷ Anh