Như tin đã đưa, sáng 20-8-2012, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương đảng tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về đổi mới công tác cán bộ. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt Ban Bí thư chủ trì phát biểu quán triệt, khai mạc Hội nghị.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu lược ghi phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Ban Tổ chức Trung ương, các cấp, ngành, địa phương, từ sau Đại hội XI đến nay đã triển khai rất khẩn trương, khoa học, bài bản một khối lượng công việc lớn và đạt được nhiều kết quả trong việc kiện toàn tổ chức, cán bộ; triển khai thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, kiện toàn tổ chức nhân sự sau bầu cử. Ngành Tổ chức của Đảng đã tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo, ban hành, triển khai Nghị quyết Trung ương 4.
Tổng Bí thư nhấn mạnh và khẳng định quan điểm dứt khoát phải làm quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vì quy hoạch cán bộ là thể hiện vai trò, chức năng lãnh đạo chủ động của Đảng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ cho việc thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Không phải bây giờ chúng ta mới làm quy hoạch cán bộ mà giữa những năm 60 của thế kỷ XX, Đảng ta đã triển khai công tác quy hoạch cán bộ, nhưng chưa nền nếp do hoàn cảnh chiến tranh.
Đến năm 2004, Bộ Chính trị có Nghị quyết về quy hoạch cán bộ thì công việc này được làm khá bài bản, nghiêm túc, công phu, phục vụ cho các nhiệm kỳ đại hội của Đảng. Tuy nhiên, theo đánh giá nêu trong Báo cáo, công tác quy hoạch cán bộ còn nhiều mặt hạn chế, tồn tại, cần phải bổ sung, điều chỉnh để ngày càng làm tốt hơn công tác quan trọng này. Quy hoạch là định hướng, phát hiện nguồn, là đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiều nhiệm kỳ sau, cần phân biệt với việc làm nhân sự cho từng nhiệm kỳ. Luân chuyển cán bộ là biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ một cách bài bản, toàn diện đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý, đặc biệt là cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược. Luân chuyển cán bộ là việc cần thiết, không thể không làm, từ năm 2002, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về luân chuyển cán bộ, thực tế cho thấy luân chuyển cán bộ có tác dụng tốt, qua luân chuyển, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý đã có bước trưởng thành, được rèn luyện tốt hơn, phải tiếp tục rút kinh nghiệm để làm tốt hơn…
Hội nghị lần này thảo luận, góp ý kiến vào nhiều vấn đề quan trọng, nhiều vấn đề mới về công tác cán bộ, như tiêu chí đánh giá cán bộ, vấn đề lấy phiếu tín nhiệm; quy định chức trách của người đứng đầu... Bàn về vấn đề này, cần nắm vững nguyên tắc, quan điểm chung và tư tưởng chỉ đạo của Đảng về công tác cán bộ, phải thấy rõ tính toàn diện, biện chứng, khó khăn, phức tạp, nhưng rất quan trọng của công tác cán bộ.
Theo Tổng Bí thư, triển khai công tác cán bộ cần nắm vững 6 vấn đề:
Thứ nhất, cán bộ là người lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng, tổ chức điều hành công việc, là hạt nhân của một tổ chức, là nòng cốt của một phong trào; và trong bất kỳ thời kỳ cách mạng nào, ở bất cứ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ cũng đóng vai trò quyết định. Như Bác Hồ đã dạy, cán bộ là cái gốc của công việc, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.
Thứ hai, công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mặt trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta, là nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng. Công tác cán bộ gồm nhiều khâu liên hoàn, đan xen nhau, bao gồm việc đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ...
Đồng thời với việc chuẩn bị đường lối chính trị, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thì phải chuẩn bị chiến lược cán bộ, phải xây dựng quy hoạch cán bộ. Đường lối nào thì cán bộ ấy, đường lối cán bộ phải phục vụ cho đường lối chính trị, phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đường lối chính trị. Mặt khác cán bộ lại quyết định cả đường lối chính trị, nhất là cấp chiến lược.
Ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương lại có yêu cầu về cán bộ riêng. Cán bộ là yếu tố quyết định, đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng, phải rất sáng suốt trong lựa chọn, bố trí cán bộ, nếu lựa chọn, bố trí cán bộ sai thì “sai một ly, đi một dặm”.
Thứ ba, cán bộ phải có quan hệ hữu cơ với tổ chức, bộ máy và cơ chế vận hành của tổ chức, bộ máy, đặt trong guồng máy. Cho nên, cùng với chuẩn bị và sắp xếp cán bộ phải quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách, lề lối, phương thức làm việc, kể cả việc chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất, cơ chế, đãi ngộ để cán bộ làm việc, tạo động lực cho cán bộ hoạt động.
Thứ tư, cần quán triệt quan điểm giai cấp trong công tác cán bộ, đồng thời trên cơ sở đó phải có chính sách đại đoàn kết, tập hợp rộng rãi cán bộ, trọng dụng mọi nhân tài của đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế. Phải hiểu thật đúng đắn quan điểm giai cấp, bất cứ giai cấp nào, chế độ xã hội nào cũng có đường lối cán bộ riêng của mình, lựa chọn sử dụng cán bộ theo quan điểm riêng của mình, phục vụ cho lợi ích giai cấp của mình. Đảng ta là đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Việt Nam, phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của toàn dân tộc, không phục vụ lợi ích của riêng một nhóm nào. Cần quán triệt quan điểm giai cấp, hiểu một cách đúng đắn, không máy móc, giáo điều, sử dụng đồng thời tất cả các loại cán bộ, trọng dụng nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Phải học tập Bác Hồ trong việc sử dụng cán bộ, sử dụng cả nhân sỹ, trí thức; quan điểm giai cấp vô cùng sâu sắc nhưng rất dân tộc.
Thứ năm, công tác cán bộ được tiến hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ, vì công tác cán bộ là công tác con người, đánh giá, sử dụng, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật..., là vấn đề liên quan đến tâm lý, đạo đức, danh dự, tình cảm của con người, rất phức tạp. Cho nên càng phải bảo đảm tính tập thể, dân chủ, lắng nghe rộng rãi, đồng thời phát huy trách nhiệm cá nhân, đề cao vai trò người đứng đầu. Đề cao vai trò của cá nhân người đứng đầu nhưng phải đặt trong quan hệ tập trung dân chủ, đây là nguyên tắc phải vận dụng phù hợp, nếu không bảo đảm dân chủ sẽ dẫn đến độc đoán.
Thứ sáu, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị; trong quá trình thực hiện phải có sự phân cấp, phân công, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Đảng với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội...; lại phải có giám sát, kiểm tra công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Quản lý cán bộ bao gồm cả bảo vệ cán bộ, bảo vệ phẩm chất chính trị, bảo vệ quan điểm, đạo đức, lối sống, bảo vệ chính trị nội bộ, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Tổng Bí thư chỉ rõ trong khi bàn các vấn đề cụ thể, cần hết sức chú ý về phương pháp tư tưởng, nhận thức, quan điểm, những vấn đề có tính nguyên tắc về cán bộ và công tác cán bộ, trước hết là những vấn đề cơ bản liên quan đến đường lối chính trị và đường lối cán bộ, quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ, quan điểm giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, giữa đức và tài, giữa kế thừa và phát triển, giữa sự quản lý thống nhất của Đảng với việc phát huy vai trò của các cơ quan trong hệ thống chính trị, giữa thẩm quyền cá nhân và trách nhiệm tập thể, giữa phân cấp, phân quyền và kiểm tra giám sát, đồng thời phải xuất phát từ thực tiễn, tránh xa rời nguyên tắc, hà khắc tiêu chuẩn cán bộ và khuynh hướng hẹp hòi, không chịu đổi mới...
Về đánh giá cán bộ, Tổng Bí thư nhấn mạnh: chúng ta đã từng làm, thời kỳ nào cũng làm, nhưng đây là khâu khó, cần có tiêu chí, tiêu chuẩn, cần có thông tin. Nhưng quan trọng là cái tâm, cái tầm của người đánh giá, phải thực sự là những người trong sáng, công tâm, khách quan, phải có tầm nhìn mới có thể phát hiện, đánh giá đúng cán bộ, phải có con mắt tinh đời, sử dụng hiệu quả thông tin. Đánh giá đúng cán bộ phải là kết quả của sự nhìn nhận từ cả phía người đánh giá và người được đánh giá. Nhìn cán bộ phải từ nhiều góc độ, ở nhiều thời điểm, qua nhiều công việc thực tiễn, tính chất, hiệu quả công việc, xem xét giải quyết công việc như thế nào, nhất là vào những thời điểm khó khăn, thách thức. Đánh giá cán bộ phải toàn diện. Lửa thử vàng, gian nan thử sức; người cán bộ tốt phải là người dám nói thẳng, dám đề xuất, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tổng Bí thư lưu ý các đại biểu nghiên cứu kỹ, tập trung trao đổi thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào những quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ, những quy định có nhiều nội dung mới nhưng rất thiết thực; mong muốn đội ngũ những người làm công tác cán bộ của Đảng sẽ tiếp phát huy tinh thần trách nhiệm, cái tâm trong sáng và tầm cao trí tuệ, để công tác tổ chức xây dựng đảng tiếp tục đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Hồng Phúc (lược ghi)