Sơ kết việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại
Đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại kết luận Hội nghị.

Sáng 4-12-2004, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội. Các đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Báo cáo sơ kết tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách bài bản, có trách nhiệm và đã thu được kết quả tích cực thể hiện trên các mặt triển khai: Công tác xây dựng Đề án, kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức quán triệt triển khai đã được thực hiện ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội; công tác xây dựng thể chế cơ bản đáp ứng yêu cầu; việc đào tạo, bổ nhiệm Thừa phát lại, thành lập Văn phòng Thừa phát lại đã được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; công tác phối hợp, chỉ đạo triển khai thực hiện, kiểm tra, khảo sát cũng đã được Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và địa phương thí điểm quan tâm thực hiện. Chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội bước đầu được khẳng định là đúng đắn, đi vào cuộc sống, được người dân và xã hội đón nhận tích cực. Đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đã giúp người dân thực hiện quyền công dân trong việc lựa chọn và yêu cầu một số dịch vụ pháp lý như yêu cầu thi hành án, lập vi bằng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đồng thời, không làm xáo trộn hoạt động của các cơ quan tư pháp mà hỗ trợ tích cực, phối hợp nhịp nhàng.

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội, chế định Thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 tỉnh, thành phố với 51 văn phòng Thừa phát lại. Hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại trong 2 năm qua mang lại doanh thu trên 63,325 tỷ đồng; trong đó, riêng các văn phòng Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh đã thu  trên 56 tỷ đồng...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, nguyên nhân là do nhận thức của người dân đối với chế định Thừa phát lại chưa đầy đủ; việc triển khai một số công việc còn chậm so với kế hoạch; công tác tuyên truyền ở Trung ương và địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Các Văn phòng Thừa phát lại tại 12 địa phương mở rộng thí điểm chậm ổn định tổ chức, sắp xếp nhân sự để thực hiện tốt công việc. Trong hoạt động của các Văn phòng đã phát hiện một số sai sót cần khắc phục; đội ngũ Thừa phát lại tại các địa phương mở rộng thí điểm còn mỏng, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng còn hạn chế…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề còn khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện thí điểm Thừa phát lại. Trên cơ sở đó, đã kiến nghị nhiều giải pháp để Ban Chỉ đạo thực hiện công tác này hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu trong thời gian tới, ngành Tư pháp và các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về chế định Thừa phát lại nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc triển khai thực hiện thí điểm cũng như hiểu biết và tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho Thừa phát lại, Thư ký và năng lực quản lý, điều hành Văn phòng của các Thừa phát lại, đặc biệt là về những quy định, hướng dẫn mới, những nội dung phức tạp, dễ sai sót, vi phạm trong hành nghề…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất