Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong phòng, chống tham nhũng
Đồng chí Trương Tấn Sang làm việc với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ngày 8-6, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã làm việc với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí lưu ý tới việc lựa chọn trúng lĩnh vực, vấn đề trọng điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng từ nay đến cuối năm 2010 để đảm bảo hiệu quả và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn xã hội. Tập trung hơn nữa công tác tuyên truyền, kịp thời tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh những người có công, những điển hình tiên tiến, những cá nhân dũng cảm tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng để tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích sự tích cực tham gia; sớm sửa đổi, khắc phục những hạn chế trong quy định về thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ để đảm bảo tính thực thi, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng. Cần đảm bảo tính chắc chắn trong phát hiện, xử lý để thực sự có tác dụng răn đe, phòng ngừa; tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, giám sát của nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy đảng các cấp, đảm bảo ổn định tình hình, góp phần vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp.

Báo cáo kết quả công tác phòng chống tham nhũng 5 tháng đầu năm 2010 của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục có sự chuyển biến tích cực trên các mặt phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Công tác phòng chống tham nhũng được triển khai đồng bộ và toàn diện; coi trọng các giải pháp phòng ngừa, nhất là công tác cải cách hành chính; đổi mới phương pháp điều hành và phân công chỉ đạo; kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng được gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nhiều hình thức đa dạng; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng, từng bước tạo sự đồng thuận trong đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tiếp tục thực hiện như công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng chế độ định mức, tiêu chuẩn; minh bạch tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Tính đến 29-5-2010, có 29 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 55 tỉnh, thành phố đã báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập năm 2009. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện thành công giai đoạn 2 của Đề án cải cách hành chính - một vấn đề có vai trò hết sức quan trọng trong phòng, ngừa tham nhũng.

Tuy nhiên, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những khó khăn, vướng mắc cần được xem xét, điều chỉnh như hướng dẫn xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng. Công tác phát hiện hành vi tham nhũng qua giám sát của các cơ quan chức năng; kiểm tra của cơ quan quản lý cấp trên; tự phát hiện qua kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn là khâu yếu. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm so với tiến độ đã đề ra, có vụ kéo dài nhiều năm....

Từ nay đến cuối năm 2010, công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sẽ tiếp tục được tăng cường; xử lý dứt điểm những vụ việc, vụ án tồn đọng, kéo dài. Công tác phòng chống tham nhũng tập trung vào bảy lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao là quản lý, sử dụng đất đai; thuế, hải quan; xây dựng cơ bản; tài nguyên và môi trường; công tác tổ chức, cán bộ; xử lý tố cáo và xử lý các vụ án về tham nhũng.

(Nguồn: TTXVN)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất