Tạo sự thống nhất cao để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân



Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh trên) nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 7 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới được dự báo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều thách thức; bất đồng về kinh tế, chính trị giữa một số quốc gia lớn tác động tới kinh tế nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, những khó khăn, hạn chế, nhất là tình hình thiên tai, dịch bệnh đang ảnh hưởng bất lợi tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Mặc dù vậy, nhờ tiếp tục phát huy được đà tăng trưởng của năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội cũng đạt được những kết quả nhất định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

Nhấn mạnh năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, cùng cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, biến lời nói thành hành động, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2019.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, củng cố quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Đồng thời xem xét, quyết định việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý đất đai tại các đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét, thông qua các Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng khác...

“Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện quan điểm rõ ràng về từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Không để xảy ra sai phạm, gian lận thi THPT năm 2019


Trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế -  xã hội năm 2018 và tình hình những tháng đầu năm 2019, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (ảnh trên) nêu rõ: Cùng với phát triển kinh tế, Chính phủ chú trọng chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội và tập trung giải quyết các vấn đề xã hội. Rà soát, điều chỉnh biên chế, hợp đồng giáo viên, bổ sung cho các địa bàn còn thiếu, nhất là ở Tây Nguyên; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục đại học...

Báo cáo cũng cho biết, hiện nay đổi mới giáo dục đào tạo vẫn còn bất cập; chưa xử lý hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Còn những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng… gây bức xúc xã hội.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và triển khai thi hành Luật Giáo dục (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua. Tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học năm 2019; kiên quyết không để xảy ra sai phạm, gian lận thi cử. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao. Tăng cường an ninh, an toàn trường học; xây dựng văn hóa học đường, trang bị kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Thực hiện hiệu quả các chính sách, huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển giáo dục cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Về y tế, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý Chính phủ sẽ tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bảo đảm chất lượng và đủ số lượng thuốc, vaccine; có biện pháp hiệu quả kiểm soát giá thuốc, thực hiện đúng quy định về đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Nâng cao năng lực y tế cơ sở, phát triển hệ thống y tế dự phòng. 

Chấn chỉnh việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Nâng cao nhận thức xã hội, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá.

Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, mê tín, dị đoan. Làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng, vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp. Có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em.

Đề nghị Chính phủ báo cáo sự minh bạch trong cách tính giá điện, tăng giá xăng


Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (ảnh trên) cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020, giá thực phẩm có khả năng tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm khi ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện và tác động của việc tăng giá xăng, giá điện đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá cao về công tác chỉ đạo và kết quả phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ổn định sản xuất chăn nuôi. Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn nhiều khó khăn; tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi. “Ngành thủy sản cũng gặp nhiều bất lợi trong việc Ủy ban Châu Âu (EC) chưa xem xét rút “thẻ vàng” và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các quốc gia có cùng mặt hàng với Việt Nam”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất