Chiều 5-8, tại Hà Nội, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2024. Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo.
|
Toản cảnh buổi họp báo.
|
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, thông tấn Trung ương và địa phương.
Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết: Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm; tình hình phân bổ giải ngân vốn đầu tư công; tình hình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.
Ngay đầu Phiên họp, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc, lời thăm hỏi đến các gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai, lũ lụt, sạt lở vừa qua. Tiếp đó, trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chúc mừng đồng chí Tô Lâm vừa được Trung ương Đảng thống nhất cao bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong tháng 7 kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và có thặng dư; 63/63 tỉnh, thành chỉ số phát triển công nghiệp tăng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 tăng 11,2% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng tăng 8,5%. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; khách quốc tế đến trong 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt người.
Thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát hiệu quả. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng, tính chung 7 tháng tăng 17,1%, ước xuất siêu 14,08 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 34,68% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 18 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức như: sức ép chỉ đạo điều hành còn cao, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá. Tình hình sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao…
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo điều hành “Tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tập trung vào các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu có thặng dư cao hơn.
Cùng với đó, kiểm soát tốt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác; giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay; có giải pháp đẩy nhanh thực hiện gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng…
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, với nguyên tắc vốn tiết kiệm tập trung đầu tư cho một dự án cụ thể; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia như dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, hệ thống đường bộ cao tốc…; khẩn trương phân bổ 26,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại, trong đó lưu ý theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời có giải pháp ứng phó và hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai. Tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội XIV của Đảng, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chuẩn bị chu đáo phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội XIV của Đảng.
Mai Anh