Cách đây 40 năm, ngày 27-6-1973 Quân chủng Hải quân tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả và thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ rà phá thủy lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc, một trong những chiến công tiêu biểu trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ngày đó đã trở thành Ngày kỷ niệm Chiến công trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường.
1. Âm mưu, hành động phá hoại của đế quốc Mỹ
Trước thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân viến chinh các nước chư hầu vào miền Nam Việt Nam, đồng thời âm mưu mở rộng cuộc chiến tranh leo thang phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc.
Nhận thấy vị trí quan trọng đặc biệt của sông, biển nên trong hai cuộc phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, cùng với đánh phá dữ dội các mục tiêu trên bộ, chúng đã tiến hành phong tỏa sông, biển bằng thủy lôi và bom từ trường nhằm triệt phá các nguồn lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc.
Từ ngày 26-2 đến ngày 20-5-1967 đế quốc Mỹ tiến hành thả ngư lôi và bom từ trường đợt 1. Lúc đầu chúng thả 106 quả thủy lôi xuống 4 cửa sông lớn là sông Mã, sông Lam, sông Gianh và sông Nhật Lệ. Sau đó, chúng liên tục thả hàng ngàn quả thủy lôi MK-50 (cảm ứng âm thanh) và MK-52 (cảm ứng từ trường) hình thành những tuyến chướng ngại trên khắp các cửa sông, biển của miền Bắc.
Do bị các lực lượng phòng không ta bắn trả quyết liệt nên máy bay địch không thể bay thấp để thả thủy lôi đúng luồng. Do vậy trong đợt 2 (từ tháng 6-1967 đến tháng 10-1968), địch đã sử dụng bom từ trường DST-36 để thay thế các loại thủy lôi. Đây là loại vũ khí rất nguy hiểm, có tác dụng công phá cả trên cạn và dưới nước.
Trong cả hai đợt, đế quốc Mỹ đã thả tổng cộng 74.718 quả thủy lôi, bom, mìn các loại, trong đó có gần 7 nghìn quả thủy lôi, bom từ trường phong tỏa 24 cửa sông, biển lớn nhỏ từ Cửa Tùng (Vĩnh Linh) đến cửa Văn Úc (Hải Phòng).
2. Thắng lợi của quân và dân ta trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường
Trước âm mưu của địch, ngày 1-6-1966, Thường vụ Quân ủy Trung ương xác định: “Vấn đề chống phong tỏa các cảng là một nhiệm vụ cấp thiết” và chỉ đạo Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân tích cực nghiên cứu kế hoạch, chuẩn bị đối phó.
Từ đầu năm 1966, Đảng ủy Quân chủng Hải quân ra Nghị quyết lãnh đạo Quân chủng chủ động xây dựng kế hoạch chống địch phong tỏa đường thủy. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, từ ngày 23 đến ngày 24-6-1966, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo Bộ Tham mưu Quân chủng triển khai ngay hội nghị hiệp đồng giữa Hải quân với các lực lượng có liên quan để quán triệt Chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Hải quân đã thành lập cơ quan nghiên cứu kỹ thuật chống phong tỏa thủy lôi, tổ chức lực lượng rà phá thủy lôi, thành lập các đại đội công binh chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu và rà phá thủy lôi, tổ chức huấn luyện và cử người về các địa phương ven biển giúp việc tổ chức quan sát và huấn luyện kỹ thuật rà phá thủy lôi.
Do chuẩn bị từ xa, tổ chức chặt chẽ và hiệp đồng tác chiến nên ngay khi địch thả thủy lôi xuống các cửa sông ở bắc Khu IV, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ thị cho Đại đội Công binh 8 cử ngay 9 người vào phối hợp với lực lượng tại chỗ để khảo sát, nghiên cứu tìm cách tháo gỡ bom, mìn.Mặc dù không có dụng cụ chuyên dùng, nhưng với tinh thần quyết tâm và lòng quả cảm, tổ công binh Hải quân do đồng chí Trương Thế Hùng phụ trách đã tháo thành công, an toàn quả thủy lôi để nghiên cứu cơ chế phát nổ và nguyên lý hoạt động của thủy lôi địch. Nhờ vậy, Hải quân ta đã tìm ra bí mật vũ khí của địch, nhanh chóng phổ biến kinh nghiệm cho các lực lượng rà phá bom, mìn. Tiếp đó, từ giữa tháng 10-1967 Đại đội Công binh 8 Hải quân đã phối hợp các lực lượng địa phương dò tìm và tháo gỡ an toàn quả bom từ trường DST-36 mang đầu nổ MK-42… Từ những nghiên cứu này, cán bộ kỹ thuật Hải quân phối hợp các xưởng 46 và 56 của Quân chủng nghiên cứu chế tạo thành công các thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường. Nhờ đó, trong hai năm 1967-1968, với vai trò nòng cốt chủ lực, Quân chủng Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc đã phối hợp với các lực lượng của các quân khu, quân binh chủng và địa phương ven biển sử dụng các phương tiện rà phá hiện đại kết hợp thô sơ đã rà phá được 8.851 quả thủy lôi và bom từ trường. Chỉ hai ngày sau khi đế quốc Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom đánh phá miền Bắc các lực lượng rà phá bom mìn của Hải quân ta đã hoàn thành thông luồng để dẫn tàu 300 tấn vào các cảng Bến Thủy, sông Gianh và Đồng Hới an toàn. Tổng kết cả hai cuộc chống địch phong tỏa, Quân chủng Hải quân cùng với các lực lượng quân và dân ta phá hủy được 13.346 quả thủy lôi và bom từ trường, đập tan âm mưu thâm độc và xảo quyệt của đế quốc Mỹ.
3. Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm
Một là, đây là chiến thắng của sự kết hợp giữa kỹ thuật thô sơ và hiện đại với phát huy trí tuệ, ý chí, sức sáng tạo của con người, sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong và ngoài Quân đội, trong đó Hải quân Nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt chủ lực, tiên phong.
Hai là, là thắng lợi của ý chí quyết tâm, lòng quả cảm không ngại hy sinh gian khổ để tìm ra bí mật vũ khí của địch.
Ba là, đây cũng là thành tích nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo chế tạo thành công các thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường.
Bốn là, là kết quả của việc phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân; xây dựng các lực lượng chiến đấu có bản lĩnh chính trị vững vàng, chủ động, mưu trí, ý chí quyết thắng của cán bộ, chiến sỹ Hải quân.
Minh Tuấn