Trước đó, sáng 5-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo; thăm làm việc với Nghị viện Châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 5-9 đến 11-9-2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt đất nước sang châu Âu từ sau Đại hội Đảng XIII tới nay và sau 2 năm gián đoạn do những tác động tiêu cực chưa từng có của đại dịch COVID-19. Chuyến thăm lần này góp phần cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa của quốc gia; tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ vai trò ngoại giao nghị viện vì lợi ích quốc gia, dân tộc; củng cố và phát huy vị thế, uy tín của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm, chủ động, tích cực tại các cơ chế hợp tác đa phương và song phương; khẳng định một Việt Nam không ngừng đổi mới, an toàn, giàu tiềm năng hợp tác và phát triển. Chuyến thăm của Đoàn Việt Nam cũng tiếp nối ngay sau thành công của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện các nước ASEAN (AIPA lần thứ 42) vào cuối tháng 8 vừa qua, khẳng định một cộng đồng ASEAN đoàn kết, năng động, thích ứng với những thách thức của đại dịch COVID-19 để phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các Đại sứ Việt Nam tại Áo, Séc, Hungary, Slovakia, Ba Lan.
Tại cuộc gặp, các Đại sứ đã báo cáo tình hình cộng đồng người Việt Nam tại các nước sở tại. Đáng chú ý là do tình hình dịch COVID-19 ở châu Âu diễn biến phức tạp trong năm 2020, nên bà con gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh và đời sống. Các Đại sứ cũng chia sẻ cộng đồng người Việt Nam tại các nước sở tại có ý thức phòng, chống dịch bệnh rất cao, sớm đồng ý tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nên tỷ lệ tử vong và mắc bệnh thấp hơn so với sở tại. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19 nhưng bà con vẫn hướng về quê hương, đất nước, tích cực ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19, ủng hộ người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai. Cộng đồng tại Séc đã ủng hộ quỹ vắc-xin 1,5 tỷ đồng, cộng đồng tại Đức ủng hộ 50.000 ơ-rô.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Đại sứ tiếp tục quan tâm đến mọi mặt đời sống, sinh hoạt của cộng đồng, đề nghị chính quyền sở tại đảm bảo y tế và an toàn sức khỏe, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng người Việt Nam, đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng quán triệt tinh thần Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó thể hiện quan tâm và trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Các Đại sứ cũng báo cáo đã chuyển thư của Chủ tịch Quốc hội đến Lãnh đạo Nghị viện các nước đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có chia sẻ vắc-xin cho Việt Nam và cho biết sẽ tiếp tục tích cực thúc đẩy qua kênh Nghị viện đến Chính phủ các nước về việc này.
Các Đại sứ cho biết thời gian qua đã triển khai quyết liệt ngoại giao vắc-xin và thu được một số kết quả đáng khích lệ: Chính phủ Hungary đã tặng Việt Nam 100.000 liều vắc-xin. Chính phủ Slovakia tặng Việt Nam 150.000 liều và đang đàm phán để có thể nhượng cho Việt Nam 2-3 triệu liều vắc-xin. Công ty CZ ở Slovakia cam kết tặng Thành phố Hồ Chí Minh máy thở và các vật tư y tế trị giá 200.000 ơ-rô. Chính phủ Đức viện trợ 2,5 triệu liều và 75 máy thở, 15 màn hình, 20 nghìn máy đo nồng độ ô-xy; các bang, địa phương và các doanh nghiệp Đức ủng hộ 800.000 bộ xét nghiệm nhanh, hàng trăm ngàn khẩu trang y tế và nhiều thiết bị y tế khác. Chính phủ Séc đã viện trợ 250.000 liều và cam kết chuyển nhượng 500.000 liều vắc-xin phòng COVID-19.
Ba Lan là một trong những nước ủng hộ vắc-xin đầu tiên cho Việt Nam, đã tặng 500.000 liều vắc-xin và chuẩn bị ngày 7-9 sắp tới sẽ trao các thiết bị y tế, máy thở và máy ổn định nhịp tim trị giá 4 triệu đô-la Mỹ và hiện hai bên đang đàm phán để có thể sớm ký thoả thuận chuyển nhượng 3 triệu liều vắc-xin.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các nước châu Âu đã tích cực triển khai ngoại giao vắc-xin, đạt kết quả bước đầu rất tốt, đồng thời đề nghị các Đại sứ tiếp tục tích cực bằng mọi cách, mọi kênh, kể cả tranh thủ nguồn dôi dư, trao đổi hoặc mua vắc-xin phòng COVID-19… Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các Đại sứ cần quyết liệt hơn trong việc vận động, tháo gỡ mọi vấn đề vướng mắc về thủ tục để có vắc-xin và trang thiết bị y tế nhanh nhất và sớm nhất.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định Quốc hội sẽ cùng Chính phủ tích cực xem xét và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong thủ tục để đẩy nhanh, đẩy mạnh việc mua, tiếp nhận vắc-xin phòng COVID-19 đáp ứng nhu cầu hết sức bức thiết trong nước trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay.
Cũng trong tối 5-9 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có cuộc gặp bà con cộng đồng người Việt Nam tại các nước Áo, Séc, Ba Lan, Đức, Hungary và Slovakia. Chủ tịch Quốc hội coi đây là một cuộc ''tiếp xúc cử tri đặc biệt'' để các đại biểu Quốc hội lắng nghe và tiếp thu những kiến nghị chính đáng của bà con cử tri, tuy xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương cộng đồng người Việt Nam trên thế giới nói chung, cũng như ở châu Âu và 6 nước có mặt tại buổi gặp mặt này đã luôn phát huy được văn hoá truyền thống đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau về mọi mặt, hòa nhập với cộng đồng, tôn trọng luật pháp của nước sở tại, giúp đỡ nhau trong học tập, làm ăn, cũng như nhiều vấn đề của cuộc sống. Đối với kiến nghị của bà con kiều bào về đề xuất có quốc tịch Việt Nam để vừa thuận lợi làm ăn tại nước sở tại, vừa hướng về quê hương, Tổ quốc, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và cho biết: Bộ Chính trị mới họp để tổng kết hình thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và ban hành Kết luận số 12, trong đó có đề cập đến những kiến nghị của bà con Việt kiều.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, trong 5 năm gần đây, tổng kiều hối đạt hơn 70 tỷ đô-la Mỹ, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Hiện có khoảng 360 dự án của kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ đô-la Mỹ và đã phát huy hiệu quả rất tốt.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí cao với kiến nghị chính đáng về vai trò quan trọng trong dạy tiếng Việt cho trẻ em sinh ra và lớn lên tại nước ngoài, nêu rõ, trong Kết luận số 12, Bộ Chính trị giao cho Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nghiên cứu một cách căn cơ và có bài bản về sách giáo khoa, về giáo viên, về vấn đề cơ sở vật chất.
Trả lời ý kiến của bà con kiều bào mong muốn được tham gia bầu cử Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng có nhiều ý kiến đề xuất tính toán sửa đổi, bổ sung để các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nếu có Quốc tịch Việt Nam được tham gia bỏ phiếu bầu cử. Quốc hội ghi nhận và sẽ xem xét điều chỉnh cho phù hợp kiến nghị này của bà con.
Cũng tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tặng quà cho bà con cộng đồng người Việt Nam tại các nước châu Âu, đồng thời một lần nữa cảm ơn bà con đã không quản ngại xa xôi, có nước như Ba Lan phải mất 8 tiếng đồng hồ di chuyển, đã đến thủ đô Vienna để dự cuộc “tiếp xúc cử tri đặc biệt” và rất có ý nghĩa này.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 do Liên minh Nghị viện thế giới, Liên hiệp quốc và Quốc hội Cộng hòa Áo phối hợp tổ chức từ ngày 6-9 đến ngày 8-9-2021 theo hình thức trực tiếp. Chủ đề tổng quát của Hội nghị là: “Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm đem lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và Trái đất này.” Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có một số bài phát biểu về chủ đề tổng quát của Hội nghị và tại một số phiên thảo luận, tập trung vào những nội dung như: “Để đạt được phát triển bền vững đòi hỏi tập trung hơn vào những lĩnh vực nào, hạnh phúc, ấm no cho người dân, bảo vệ môi trường hay ưu tiên phát triển kinh tế”, “Ứng phó với đại dịch COVID-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân”, “Phục hồi sau đại dịch: Chuyển đổi nền kinh tế để chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững”, “Giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19”... |
PV