Toàn cảnh Họp báo.
Tại buổi Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết hôm nay (ngày 4-4), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tiến hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2022.
Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 3 và quý I-2022; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19; cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); dự án Luật Phát triển công nghiệp; dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) và một số nội dung quan trọng khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điều hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2022. (Ảnh: VGP).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, Phiên họp diễn ra trong bối cảnh chúng ta đã đi qua 3 tháng đầu năm với nhiều chuyển biến tích cực, khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực KT-XH. Chương trình tổng thể phòng, chống COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được triển khai hiệu quả, lan tỏa, tạo sức bật khôi phục và vươn lên trong mọi lĩnh vực.
Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3, cho thấy rõ hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch. Số ca mắc mới, tử vong giảm lần lượt 37% và 28% so với tuần trước.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khả năng xuất hiện thêm biến chủng mới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng, chủ động, chuẩn bị các phương án ứng phó, bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, hạn chế thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong; phục hồi, phát triển KT-XH. Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược vắc-xin trong thời gian tới, đặc biệt tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Người Phát ngôn Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh, tình hình KT-XH quý I khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực; nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất từ 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Đặc biệt, GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%). Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục, 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,79%. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ.
Các lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm phát triển; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; thị trường lao động phục hồi nhanh, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý I-2022 giảm so với quý trước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả.
Dẫu vậy, các thành viên Chính phủ cho rằng, còn không ít khó khăn, thách thức. Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát tăng; giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu; biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt trái mùa và tình hình tội phạm diễn biến phức tạp (nhất là trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tội phạm công nghệ cao)...
Đồng chí Trần Văn Sơn cho biết, sau khi phân tích bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể về KT-XH thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.
Bằng mọi biện pháp giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, quyết liệt thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, khắc phục triệt để tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài.
Thủ tướng cũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chủ động có biện pháp tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường thực hiện cải cách hành chính, Chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân.
Đặc biệt, cần khẩn trương trong việc nhập khẩu và triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi và nghiên cứu, tham khảo các nước phát triển, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về việc tiêm cho trẻ 3-5 tuổi thời gian tới. Tổ chức hình thức dạy học phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; sớm triển khai đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp an toàn; tiếp tục chú trọng củng cố kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học. Chuẩn bị tốt cho SEA Games 31.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết, Thủ tướng nhấn mạnh cần theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới để có chủ trương, đối sách phù hợp; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế gắn với phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của đối tác, bạn bè quốc tế. Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi Họp báo.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, tiêu cực, sai sự thật, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân. Tập trung tuyên truyền chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.
Tại buổi Họp báo, dưới sự điều hành của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, đại diện các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về các vấn đề như: thông tin tình hình cho học sinh trở lại trường học tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là nhóm trẻ mầm non; tình hình sản xuất vắc-xin trong nước; kế hoạch triển khai tiêm và mua vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi; tiến độ giải ngân của gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; việc kiểm soát tình hình giá cả đất đai; biện pháp thúc đẩy lưu lượng du khách quốc tế sau khi Việt Nam đã mở cửa du lịch; thông tin về vụ án liên quan đến Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), bà Nguyễn Phương Hằng, Công ty Việt Á...
Đỗ Anh