Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Thông tin và Truyền thông, Công thương, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ, Công an … và phóng viên các cơ quan báo chí.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 hôm nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết các luật; dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; thí điểm mở rộng quyền tự chủ của một số trường đại học; công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn, trả lời chất tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và một số vấn đề quan trọng khác.
Các thành viên Chính phủ đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể để giải quyết những vấn đề liên quan nhằm củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề bức xúc ở các ngành, lĩnh vực.
Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục có chuyển biến tích cực, trừ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. CPI tháng 5-2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người (cùng kỳ năm trước là 6,7 triệu lượt), tăng 8,8%. Vốn FDI thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng hơn 27%. Xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%. Gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký; có gần 20.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng trên 48%.
Đánh giá những mặt còn tồn tại, hạn chế, Chính phủ nhận định: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch tả lợn châu Phi; xuất khẩu đang có xu hướng tăng chậm lại; giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện. Nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự đáng lo ngại, như tai nạn giao thông, tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người…, gây bất an cho người dân…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu năm 2019, phấn đấu đạt 6,8% tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát dưới 4% với tinh thần là "thắng không kiêu, bại không nản, không lùi bước trước khó khăn, thách thức của toàn cầu”.
Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, bám sát, đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, đề xuất các giải pháp, đối sách mới hiệu quả, khả thi, phù hợp tình hình.
Các bộ, ngành, cơ quan phải tìm động lực tăng trưởng mới, đặc biệt, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Không tăng giá dịch vụ công dồn dập vào một thời điểm, tăng cường truyền thông, giám sát hành vi thao túng giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Thủ tướng đề nghị tiếp tục phân tích vấn đề mà Quốc hội thảo luận hôm nay là đánh giá tác động đa cấp của việc tăng giá điện, xăng dầu, đánh giá biểu giá, phương thức tính giá để đề xuất giải pháp phù hợp hơn, nhất là đối với người dân, cần tăng cường truyền thông, hạn chế bức xúc.
Thủ tướng nhấn mạnh cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, dập dịch tả lợn châu Phi. Theo dõi sát sao tình hình sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Tiếp tục quyết liệt cắt giảm các thủ tục không cần thiết, công khai rõ ràng để người dân và doanh nghiệp biết.
Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Tài chính, Công thương, Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về xử lý gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018; chủ trương đổi mới trong tổ chức thi THPT; việc cấp phép xây dựng các dự án chung cư một cách ồ ạt ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; xử lý vi phạm của Công ty Nhật Cường; việc giải quyết dự án nhà ở của cán bộ, chiến sĩ Báo Công an nhân dân; xử lý vi phạm của Công ty TNHH Khải Đức (Khải Silk); việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm …
PV.