Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020
Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh

Dự Đại hội có các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; các đồng chí nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đồng chí Ngô Thị Huệ, Phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; các đồng chí lão thành cách mạng;  mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí nguyên là lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo biêu biểu.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang… gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Dự Đại hội có 445 đại biểu của 67 đảng bộ quận, huyện và đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy đại diện cho hơn 200.000 đảng viên của Đảng bộ Thành phố.

Báo cáo chính trị trình Đại hội do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (ảnh dưới) nêu bật những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã làm được trong nhiệm kỳ qua:

Theo đó, từ năm 2010 - 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã bám sát thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn này, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước.

Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đạt tăng trưởng khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại kinh tế đạt kết quả bước đầu, các nguồn lực xã hội được phát huy; góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng khá cao, bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân cả nước; từ năm 2013, GDP năm sau tăng cao hơn năm trước; quy mô kinh tế được mở rộng; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh được cải thiện, đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 33,1%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, nhất là chuyển dịch cơ cấu nội ngành, tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, 4 ngành công nghiệp trọng yếu, phát triển nông nghiệp đô thị. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đóng góp thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh vào ngân sách cả nước năm sau cao hơn năm trước, năm 2014 chiếm 30%, tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010. Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. GDP bình quân đầu người tăng 12%/năm, đến cuối năm 2015 ước đạt 5.538 USD/người.

Vai trò, vị trí của Thành phố Hồ Chí Minh về kinh tế đối với cả nước ngày càng được khẳng định, tỷ trọng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh trong nền kinh tế đất nước ngày càng cao, từ 20,7% năm 2011 tăng lên 21,6% năm 2014. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; thực hiện nhiều chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp quy hoạch phát triển, chú trọng công nghệ cao và các ngành công nghiệp trọng yếu. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng, hiệu quả đầu tư ngày càng nâng lên. Ở giai đoạn 2006 - 2010, một đồng vốn ngân sách thu hút 8,5 đồng vốn xã hội, và ở giai đoạn 2011 - 2015 đã thu hút trên 12,5 đồng.

Quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị có chuyển biến tích cực, đạt kết quả thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh và hình thành đô thị văn minh, hiện đại. Hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông, cấp nước, thoát nước trọng điểm, tăng khả năng kết nối, phát triển Thành phố về phía Đông, Tây và Nam; từng bước giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước tại một số khu vực, giảm ô nhiễm môi trường; hệ thống giao thông đường thủy được tăng cường đầu tư, góp phần nâng cao năng lực vận tải đường thủy, gắn với phát triển cảng biển cùng dịch vụ logistic (dịch vụ tiếp vận) về phía Đông và Nam của thành phố Hồ Chí Minh.

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã có chuyển biến tích cực; ngân sách đầu tư vào giáo dục - đào tạo tăng hàng năm. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được thực hiện khá tốt, gắn với nhu cầu xã hội ở các lĩnh vực.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Tập trung đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế; hệ thống khám, chữa bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng cấp; chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện. Chú trọng thực hiện tốt chính sách y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, người có công, đối tượng chính sách xã hội, người nghèo.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo giai đoạn 2009 - 2015 trước hai năm; thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng hợp chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015 đạt hiệu quả, đến nay hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm còn 0,89%; hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm còn 2,39%. Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung sức thực hiện các chương trình an sinh, phúc lợi xã hội, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, giúp người nghèo tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng.Thành phố cũng đã huy động nguồn lực, cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống cư dân nông thôn.

Đồng thời, TP Hồ Chí Minh giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; cải cách tư pháp có chuyển biến tích cực; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển Thành phố. Việc thực hiện sáu chương trình đột phá đạt kết quả bước đầu quan trọng.

Công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh được tăng cường, đạt kết quả quan trọng; hệ thống chính trị TP. Hồ Chí Minh không ngừng được củng cố, hoạt động của chính quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn. Công tác cán bộ đảm bảo nguyên tắc, dân chủ, khách quan, nội bộ đoàn kết; nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ và thực hiện các bước tiếp theo sau quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch cán bộ nguồn Thành ủy khóa X, cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Thành ủy khóa X và những năm tiếp theo, tăng số lượng, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tuổi. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được củng cố, chất lượng cán bộ, đảng viên được nâng lên.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được cải thiện, phấn đấu đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị đặc biệt. Tổ chức, bộ máy các cơ quan quản lý Nhà nước từng bước được kiện toàn, sắp xếp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác vận động nhân dân của hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng bộ với nhân dân…

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ảnh dưới) nhấn mạnh:


Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh là một Đảng bộ lớn, có vị trí rất quan trọng của cả nước. Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 là sự kiện chính trị quan trọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố, thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước, thành công của Đại hội chắc chắn sẽ đóng góp quan trọng vào thành công chung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động lãnh đạo và triển khai thực hiện chặt chẽ Đại hội Đảng bộ các cấp, đồng thời tiếp tục chuẩn bị dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự Đại hội Đảng bộ thành phố, Bộ Chính trị đã đồng tình báo cáo và đã có những ý kiến chỉ đạo cụ thể để Thành ủy hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện và phương án nhân sự trình Đại hội hôm nay.    

Báo cáo chính trị của Thành ủy đã thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, trí tuệ, dân chủ, phản ánh khách quan trung thực kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đại hội thành phố. Dự báo tình hình và đề cao nội dung, nhiệm vụ, các chủ trương, giải pháp đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển thành phố.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đại hội Đảng bộ Thành phố, cũng là 5 năm thực Nghị quyết Đại hội XI của toàn Đảng, đã diễn ra trong bối cảnh tình hình đất nước, khu vực, thế giới diễn biến nhanh chóng phức tạp, khó lường, TP. Hồ chí minh là địa bàn chịu tác động trực tiếp đầu tiên. Đảng bộ và nhân dân thành phố đã quán triệt và chấp hành nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trên tất cả các lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân Thành phố, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng...

Trong nhiệm kỳ tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đảng bộ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh cần nhận thức và luôn có ý thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, vị trí quan trọng của Thành phố - một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị rất quan trọng của cả nước. Từ đó Thành phố phải phát huy mạnh mẽ kết quả đạt được trong 5 năm qua và cả những kinh nghiệm thực tiễn qua 30 năm đổi mới, không ngừng phấn đấu vươn lên, không ngừng sáng tạo, năng động, hạn chế tối đa những mặt khiếm khuyết, khắc phục những vấn đề còn tồn tại để tiếp tục phát triển với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Thành phố phải huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để tạo sự đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chủ động liên kết, hợp tác phát triển có hiệu quả tốt hơn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và với các tỉnh, thành phố, phấn đấu để Thành phố tiếp tục là đầu tàu về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập đồng bộ các loại thị trường trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, TP. Hồ Chí Minh phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch; tập trung chỉ đạo và có những giải pháp đủ mạnh để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông. Tiếp tục đổi mới và nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Phát huy thành tựu giảm nghèo, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư. Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân; xây dựng TP. Hồ Chí Minh thật sự là Thành phố nghĩa tình. Tiếp tục xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên trì, kiên quyết thực hiện tốt hơn, hiệu quả cao hơn Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng, tập trung vào 4 nhóm giải pháp, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giữ gìn bản chất cách mạng và sự trong sạch của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, làm cho chính quyền thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để lắng nghe và giải quyết kịp thời lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, sao cho thấu tình, đạt lý. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy lòng yêu nước, động viên mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thành phố...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất