Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, sáng 19-8, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc với Ðảng ủy Công an Trung ương và cán bộ chủ chốt của Bộ Công an về tình hình công tác bảo đảm an ninh quốc gia từ sau Ðại hội XI của Ðảng đến nay và nhiệm vụ thời gian tới.
Ðại tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ðảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an và đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Ðảng, Chánh Văn phòng Trung ương và các đồng chí trong Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo chủ chốt Bộ Công an dự buổi làm việc.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công an báo cáo, phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương thành tích mà lực lượng an ninh nhân dân đã đạt được trong thời gian qua. Ðồng chí nêu rõ, trong bối cảnh đầy biến động, phức tạp, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp của lực lượng Công an Nhân dân nói chung và lực lượng an ninh nhân dân nói riêng. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh quốc gia trên một số lĩnh vực còn hạn chế, việc giáo dục và tổ chức biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo vệ nội bộ ở một số tổ chức đảng, cơ quan nhà nước còn sơ hở, mất cảnh giác; thế trận an ninh nhân dân chưa được xây dựng hoàn chỉnh và triển khai chặt chẽ ở các địa phương, vùng, miền...
Phân tích sâu sắc tình hình hiện nay, Tổng Bí thư nêu rõ, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức. Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác phát triển đang là xu thế chủ đạo, nhưng vẫn tiềm ẩn những bất trắc khó lường, liên quan tới tất cả các quốc gia, dân tộc. Các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng hoạt động chống phá Việt Nam, triệt để khai thác những khó khăn, các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự để thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn, can thiệp lật đổ, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong khi đó, những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, đang tác động, làm xói mòn lòng tin của cán bộ, nhân dân, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Xã hội đang tiềm ẩn nhiều yếu tố đe dọa mất an ninh - trật tự, nguy cơ chiến tranh mạng đang trở nên hiện hữu và việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước trở thành vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi cấp bách phải có chiến lược quốc gia để giải quyết.
Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh, từ tình hình đó, nhiệm vụ đặt ra cho toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta là phải bằng mọi cách bảo vệ cho được an ninh quốc gia và trật tự - an toàn xã hội. Lực lượng an ninh nhân dân cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc tình hình, luôn luôn chủ động trong mọi tình huống, quán triệt, vận dụng đúng đắn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Ðảng về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quyết tâm làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, đẩy lùi nguy cơ, loại trừ các yếu tố gây mất ổn định chính trị xã hội. Toàn bộ hoạt động của lực lượng an ninh nhân dân phải tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững an ninh quốc gia, trật tự - an toàn xã hội trong mọi tình huống. Không được để bị động bất ngờ, xảy ra bạo loạn, khủng bố, gây rối; phải bảo đảm an ninh, an toàn nội bộ, giải quyết kịp thời, hiệu quả những phức tạp nảy sinh, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng yếu và các sự kiện quan trọng của đất nước.
Ðồng ý với những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà Ðảng ủy Công an T.Ư đã báo cáo, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Ðảng ủy Công an T.Ư cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị vào công tác bảo đảm an ninh quốc gia; kiên định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị xã hội. Muốn thế, phải tổ chức tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo sớm khả năng, tình huống phức tạp có thể xảy ra để có phương án phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra bất ngờ.
Tổng Bí thư đề nghị lực lượng an ninh nhân dân cần chủ động tham mưu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là những vấn đề cơ bản, chiến lược, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan, nhất là ngành tuyên giáo, các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động; làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng - an ninh, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là những vấn đề về chiến tranh thông tin mạng, vũ khí công nghệ cao, tội phạm công nghệ cao...
Theo Tổng Bí thư, lực lượng an ninh nhân dân cần quán triệt sâu sắc quan điểm vận động quần chúng của Ðảng theo phương châm "lấy dân làm gốc". Cán bộ, chiến sĩ an ninh phải biết tuyên truyền, vận động quần chúng, hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, phải là cán bộ dân vận giỏi, dân vận tốt; gắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các phong trào cách mạng của quần chúng, nhất là các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế,văn hóa, xã hội. Ðây là yếu tố quan trọng nhất để lực lượng an ninh nhân dân hoàn thành nhiệm vụ.
Lực lượng an ninh nhân dân cần làm tốt chức năng tham mưu với Ðảng, Nhà nước về phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia; về chỉ đạo, quản lý, điều hành trên lĩnh vực an ninh quốc gia. Ðẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Ðảng, tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh. Thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh tôn giáo, dân tộc, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ chính trị nội bộ.
Ðể hoàn thành nhiệm vụ nêu trên, Tổng Bí thư yêu cầu lực lượng an ninh nhân dân phải thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, có kiến thức khoa học, kỹ thuật; gắn công tác xây dựng lực lượng với củng cố, xây dựng Ðảng, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ, làm tốt hơn nữa công tác tổ chức cán bộ. Lực lượng an ninh nhân dân phải thường xuyên chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thực hiện nghiêm túc các quy trình công tác; xây dựng lực lượng an ninh nhân dân tuyệt đối trung thành với Ðảng, Nhà nước, gắn bó mật thiết với nhân dân. Ðồng chí nhấn mạnh, các tổ chức đảng, cấp ủy, các cán bộ, đảng viên trong lực lượng an ninh nhân dân phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng một cách kiên trì, kiên quyết, hiệu quả gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Kiên quyết khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm mà đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình vừa qua đã chỉ ra. Song, không được lợi dụng việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng để thổi phồng khuyết điểm, yếu kém, chia rẽ nội bộ...
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và Ngày truyền thống của Công an Nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư đã thân ái gửi tới toàn thể tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của lực lượng Công an Nhân dân lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.
Nguồn: TTXVN