Văn kiện Đại hội XII của Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, những nội dung của Văn kiện Đại hội XII của Đảng phản ánh bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng, là định hướng cho nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong thời gian tới. Qua hội thảo này, đội ngũ cán bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ nhận thức đầy đủ sâu sắc hơn các nội dung trong Văn kiện Đại hội XII, đồng thời nâng cao trách nhiệm, nỗ lực tìm tòi, vận dụng sáng tạo những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XII vào cuộc sống, góp phần đẩy mạnh công tác tư tưởng, lý luận, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.


Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trình bày, làm rõ một số vấn đề cơ bản sau:


Nhận thức chung về “kinh tế thị trường định hướng XHCN”; các cách thức giải quyết quan hệ nhà nước - thị trường; lộ trình, giải pháp cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; những giải pháp để phát triển có hiệu quả kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể; vai trò quan trọng và giải pháp đột phá để phát triển kinh tế tư nhân…


Các giải pháp gắn kết giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các tiêu chí đánh giá tính tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam; về các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; giải pháp xây dựng con người và phát huy nhân tố con người; quản lý tốt sự phát triển xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, ứng phó với biến đổi khí hậu.


Nội dung, giải pháp “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới”; vấn đề đối ngoại, hợp tác, đấu tranh để đảm bảo chủ quyền, lợi ích của quốc gia dân tộc trong bối cảnh thế giới, khu vực đang thay đổi nhanh, khó dự đoán.


Nhận thức về cách thức, biện pháp để phát huy sức mạnh toàn dân tộc; những giá trị mang tính phổ quát về dân chủ và đặc trưng của dân chủ XHCN; quan hệ giữa dân chủ với đổi mới và phát triển và đặc biệt là cơ chế phát huy dân chủ XHCN trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.


Tiếp tục làm sáng tỏ lĩnh vực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN với sự phân công, phối hợp và có kiểm soát giữa các nhánh quyền lực về lập pháp, hành pháp, tư pháp; quan hệ giữa trung ương và địa phương; cơ chế, phương thức để kiểm soát quyền lực nhà nước; các giải pháp nhằm hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013.


Sự phát triển nhận thức lý luận về Đảng cầm quyền; về vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, nhất là các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng; các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.


Nhận thức mới và biện pháp để xử lý tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới đất nước cũng như thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm đã được nêu trong Văn kiện Đại hội XII.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất