Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước

   
                         Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc.

Dự buổi làm việc có đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Hoàng Hồng Lạc, Nguyễn Quang Thành, Cao Tấn Khổng, Đoàn Xuân Tiên; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí vụ trưởng, đại diện lãnh đạo và chuyên viên các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương: Vụ IV, Vụ Tổ chức - Điều lệ, Vụ Chính sách cán bộ, Văn phòng Ban và Tạp chí Xây dựng Đảng.

Theo đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, qua 22 năm xây dựng và trưởng thành, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước phát triển vững mạnh, trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; là một lực lượng quan trọng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiểm toán Nhà nước được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất gồm: bộ máy điều hành, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước.

Hiện nay, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Quy mô, tần suất kiểm toán chưa đáp ứng so với đối tượng và phạm vi kiểm toán; loại hình kiểm toán chưa tương đồng với thông lệ quốc tế và khu vực; chất lượng và tiến độ kiểm toán chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tính hiệu lực, hiệu quả về các kết quả và kết luận kiểm toán chưa cao, chưa kịp thời; tính chuyên nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên còn khoảng cách só với yêu cầu của chuẩn mực quốc tế… Để khắc phục những hạn chế, khó khăn này, Kiểm toán Nhà nước cần phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và biên chế đồng bộ, tinh gọn và phù hợp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao vai trò và những kết quả đạt được của Kiểm toán Nhà nước. Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị trong quá trình xây dựng Đề án, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cần bảo đảm tính tổng thể và liên thông; các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cần xuất phát từ thực tế và khả năng đáp ứng; có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Kết cấu của Đề án gồm có 5 phần lớn: tính cấp thiết của Đề án; căn cứ xây dựng Đề án; nhiệm vụ và giải pháp; tác động của Đề án; tổ chức thực hiện. Trong đó, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước; xây dựng vị trí việc làm; phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng. Các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương cần tăng cường phối hợp, giúp đỡ để Kiểm toàn Nhà nước sớm hoàn thiện Đề án và kịp thời báo cáo Bộ Chính trị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất