Về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
Đồng chí Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập tạp chí Cộng Sản phát biểu tại hội thảo.

Ngày 15-1-2013, tại TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”.

Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này. Qua gần 4 tháng chuẩn bị, đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 70 bài tham luận của các tác giả là nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các đồng chí chỉ đạo thực tiễn đã tập trung phân tích, làm rõ về nội hàm, nhận dạng đúng biểu hiện, thực trạng, tác hại của nạn tham nhũng ở nước ta hiện nay nói riêng và ở các quốc gia trên thế giới nói chung; nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan phát sinh tham nhũng; mặt được, mặt chưa được của công tác phòng, chống quốc nạn này. Đồng thời các tham luận và ý kiến phát biểu cũng thể hiện rõ quyết tâm chính trị, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn nạn tham nhũng; đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp có tính khả thi để phòng ngừa, đấu tranh chống nạn tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Đã có 16 ý kiến phát biểu tham luận và trực tiếp tranh luận tại hội trường, là những ý kiến tâm huyết xây dựng, góp tiếng nói cùng toàn Đảng, toàn dân tìm ra những phương pháp hữu hiệu, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Có 6 nhóm vấn đề được tập trung trao đổi:

Một là, nội hàm của phạm trù tham nhũng và nhận dạng đúng biểu hiện, thực trạng tham nhũng hiện nay. Nhiều ý kiến đều khẳng định, tham nhũng đối với Việt Nam hiện nay đang là một căn bệnh nan y, khó chữa và rất nguy hiểm. Nếu  không kiên quyết chữa trị, có thể là nguyên nhân của sự tồn vong của chế độ.

Hai là, những nguyên nhân làm nảy sinh tham nhũng, gồm 2 nguyên nhân chính là khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, sự chưa hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm và răn đe những nguy cơ vi phạm. Còn có nguyên nhân khác được phân tích đó là sự quan liêu trong đội ngũ cán bộ, chưa phát huy được sức mạnh toàn dân trong phòng, chống tham nhũng, chưa triệt để thực hiện công khai, minh bạch, chưa phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, của các phương tiện thông tin đại chúng vào việc giám sát mọi hoạt động.

Ba là, những tác hại do tham nhũng gây ra, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, đạo đức, lối sống v.v.

Bốn là, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Các ý kiến đều thống nhất khẳng định đây là cuộc chiến cấp bách, lâu dài, liên tục, thường xuyên và không thể trì hoãn. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, phải thực hiện trên nguyên tắc phòng là chính, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Năm là, một số kết quả và hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua. Hội thảo đã thẳng thắn nhận định kết quả công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chưa thực sự như mong muôn. Giữa quyết tâm và hành động còn khoảng cách lớn.

Sáu là, những giải pháp cần triển khai thực hiện để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả. Hội thảo đi sâu nhấn mạnh những giải pháp như nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Diệt giặc tham nhũng như là một biện pháp kiên quyết nhằm diệt giặc nội xâm nên phải có vũ khí mạnh mẽ. Từ đó phải xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, những vụ án mà nhân dân đã phát hiện ra. Đồng thời phải phát huy sức mạnh của nhân dân, dựa vào nhân dân chống tham nhũng…

 

Lê Thủy

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất