Nhật Bản cam kết tiếp tục đào tạo cán bộ cấp chiến lược cho Việt Nam


Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong những năm vừa qua, GRIPS có quan hệ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng rất tốt với Việt Nam. Nhiều cán bộ cấp chiến lược của Việt Nam đã học tập sau đại học tại GRIPS như: Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình và nhiều người là lãnh đạo, quản lý ở các ban, bộ, ngành Trung ương, viện nghiên cứu, trường đại học. Phần lớn các thành viên Đoàn đàm phám WTO đầu tiên của Việt Nam cũng đều đã học tập tại GRIPS. Viện GRIPS cũng đã học bổng toàn phần dành cho chương trình đào tạo thạc sĩ hoặc tiến sĩ về nghiên cứu chính sách dành cho cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam. Hiện đang có 12 sinh viên Việt Nam đang học tại GRIPS. 

Về hợp tác bồi dưỡng cán bộ, công chức theo Đề án 165, từ năm 2014 đến 2019, trung bình mỗi năm Việt Nam có 2 đoàn sang học tập tại GRIPS. Tổng số cán bộ, công chức đã học theo Đề án 165 là khoảng 100 người. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên trong 2 năm nay, việc cử cán bộ, công chức sang học tập tại GRIPS tạm thời bị gián đoạn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng mong muốn, hai bên cùng nhau đánh giá lại Chương trình 165 để tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam thông qua chương trình của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hướng dẫn đào tạo 45 giảng viên đến GRIPS học tập nghiên cứu, nâng cao kỹ năng và phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, còn có 50 thành viên thuộc các cơ quan của Bộ Nội vụ cũng như Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam đã sang Nhật Bản nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ GRIPS.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn, ngoài chương trình 165, GRIPS chia sẻ, hỗ trợ đào tạo đội ngũ giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia có thêm phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của nền hành chính Việt Nam.

Bộ trưởng cũng mong muốn hợp tác với GRIPS để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chương trình cải cách hành chính công, xây dựng chính sách công phục vụ cho yêu cầu phát triển Việt Nam trong giai đoạn mới.

“Thủ tướng của chúng tôi rất mong muốn xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại dân chủ và thật sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng chính là tinh thần được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của chúng tôi”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Tại đây, Viện trưởng GRIPS, ông Tanaka Akihiko bày tỏ vui mừng khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ khen ngợi Chương trình 165 đào tạo trực tiếp các cán bộ từ cấp cơ sở địa phương đến cấp lãnh đạo Trung ương của Việt Nam trong thời gian qua.

Viện phó GRIPS, ông Takada Hirofumi cho biết, sau buổi làm việc hôm nay, GRIPS tiếp tục hợp tác mạnh mẽ hơn để làm sao tiếp tục triển khai Chương trình 165 sớm nhất và rộng rãi hơn. Còn chương trình đào tạo thạc sĩ của Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam, dù chương trình này đã kết thúc nhưng GRIPS vẫn quyết định mở một chương trình theo hình thức mới để giúp Việt Nam đào tạo thêm nhiều cán bộ hơn nữa.

Sau khi trao đổi, hai bên thống nhất củng cố lại Chương trình 165 cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, sau khi dịch được kiểm soát ổn định hơn. Cùng với đó sẽ tiếp tục mở chương trình mới đào tạo giảng viên cho Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn GRIPS hỗ trợ đào tạo theo từng đợt, trước mắt hai bên cùng bàn, thống nhất xây dựng chương trình hợp tác chung từ nay đến 2025. Hai bên thống nhất sẽ có một buổi ký kết những thỏa thuận đã đạt được hôm nay để triển khai các chương trình đào tạo trong thời gian tới.

Cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà có buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Hiroshima. Tại đây, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Hiệu trưởng Trường Đại học Hiroshima, GS. Mitsuo Ochi đã thống nhất 3 vấn đề lớn gồm: hợp tác đào tạo thạc sĩ cho các lãnh đạo trẻ tương lai của Việt Nam, trong đó ưu tiên cho địa phương; trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, hỗ trợ về nền quản trị nhân sự dựa trên chứng cứ hay nói cách khác là sử dụng công nghệ số để quản trị nền hành chính công; liên kết đào tạo thạc sĩ cho Học viện Hành chính quốc gia ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất