Chiều 15-5, tại Hà Nội, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo diễn biến trên Biển Đông những ngày qua, kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Từ ngày 1-5-2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 được hộ tống bởi nhiều tàu vũ trang, tàu và máy bay quân sự đi vào vùng biển của Việt Nam, hạ đặt trái phép giàn khoan này nằm sâu 80 hải lý bên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."
Theo người phát ngôn Lê Hải Bình, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục mở rộng và điều thêm tàu đến khu vực hạ đặt giàn khoan.
Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định: "Liên tiếp trong những ngày qua, Việt Nam đã kiên trì đối thoại tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức khác nhau để phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của phía Trung Quốc.
Đáp lại sự giao thiệp và thiện chí của Việt Nam, phía Trung Quốc đã tiếp tục duy trì và mở rộng hành vi sai trái của mình, điều thêm nhiều tàu và máy bay đến khu vực nói trên.
Tính đến ngày hôm nay, Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện của nhiều tàu quân sự hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu cá bọc sắt, cùng sự hỗ trợ của máy bay quân sự tại khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981."
Người phát ngôn Lê Hải Bình cũng cho biết, trong khi các tàu của Việt Nam hết sức kiềm chế thì Trung Quốc tiếp tục đưa tàu và nhiều máy bay hộ tống ra uy hiếp, dùng vòi rồng có công suất lớn để tấn công tàu của Việt Nam đang thực thi bảo vệ chủ quyền, làm hư hỏng trang thiết bị và làm bị thương thêm một số kiểm ngư viên của Việt Nam.
Việt Nam cực lực lên án hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp với từng tình hình cụ thể.
Liên quan đến câu hỏi Việt Nam có đưa sự việc ra các cơ chế của Liên hợp quốc hay không, ông Lê Hải Bình cho biết đây là quyền của mỗi thành viên Liên hợp quốc và hiện Việt Nam đã lưu hành công hàm phản đối các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên hợp quốc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc hai ngày qua, có nhiều hành động quá khích trong các cuộc míttinh, biểu tình phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, người phát ngôn Lê Hải Bình cho rằng: “Việc thể hiện lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước là việc làm chính đáng và tự nhiên. Tuy nhiên, việc thể hiện tình cảm này phải theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.”
Nhân dịp này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng gửi lời cảm ơn đến các nước, các cá nhân và các tổ chức quốc tế đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong những ngày qua, đồng thời khẳng định sự ủng hộ này là hết sức quý báu và là nguồn động viên lớn đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc của Chính phủ và nhân dân Việt Nam với Chính phủ, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ trước vụ sập hầm lò nghiêm trọng tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn nói: "Chúng tôi rất xúc động khi nghe tin về vụ nổ mỏ than ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14-5-2014 làm hàng trăm người thiệt mạng và còn nhiều người bị mắc kẹt. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và thân nhân những người bị thiệt mạng. Chúng tôi hết sức mong rằng các nỗ lực cứu hộ của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm tìm thấy những nạn nhân đang còn bị mắc kẹt".