Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sỹ và hướng tới Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10-8 hằng năm), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức trao tặng 2 ấn phẩm về nỗi đau da cam do Bộ xuất bản, gồm: Cuốn sách “Nửa thế kỷ một nỗi đau” và phim “Chất độc da cam nỗi đau còn đó” cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Phát biểu tại lễ trao tặng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: “Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ tiến hành phi vụ rải chất da cam đầu tiên xuống Việt Nam và 37 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc vào năm 1975, nhưng nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân và cả những cựu chiến binh Mỹ vẫn không thể nào quên được nỗi đau về thảm họa chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Hàng trăm nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã và đang sống trong đau khổ, đói nghèo và bệnh tật… Đặc biệt, chất độc da cam/dioxin có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã di truyền sang thế hệ thứ ba. Xót xa nhất là con họ, cháu họ, những thế hệ không tham gia chiến tranh, cũng trở thành nạn nhân với nhiều dị tật ngay từ khi mới sinh ra, khiến cho tương lai và cuộc sống của các cháu vô cùng đau khổ. Vì thế, nạn nhân chất độc da cam/dioxin chính là những người nghèo nhất trong số những người nghèo và đau khổ nhất trong số những người đau khổ”.
Cảm thông sâu sắc và chia sẻ với những thiệt thòi, đau thương to lớn của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định xuất bản hai ấn phẩm về nỗi đau da cam. Hai ấn phẩm trên đều được xuất bản bằng hai thứ tiếng (Việt và Anh) với mong muốn góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau cũng như góp thêm tiếng nói cùng với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và bạn bè thế giới trên bước đường đi tìm chân lý để đòi lại công bằng và lẽ phải. Các ấn phẩm cũng phản ánh sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và các ban ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương đã chung tay giúp đỡ các nạn nhân bằng nhiều hình thức thiết thực, phản ánh các gương điển hình bị nhiễm chất độc da cam đã vượt lên số phận để hòa nhập với cộng đồng…
Trở lại lịch sử, ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ khởi đầu chiến dịch rải chất khai quang tại Miền Nam Việt Nam. Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong suốt 10 năm từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc, trong đó 61% là chất da cam, chứa gần 400kg dioxin xuống gần 26.000 thôn, bản với diện tích hơn 3,6 triệu ha, trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chất độc da cam/dioxin đã tác động nghiêm trọng, lâu dài đến sức khỏe con người và hệ sinh thái môi trường Việt Nam. Ước tính có 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin, trong đó có khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam và đau xót hơn trong số đó có rất nhiều trẻ em thế hệ thứ hai và thứ ba.
Ngọc Diệp