Chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang trọng, thiết thực, ý nghĩa
Qua theo dõi, tổng hợp, 50 đảng bộ trực thuộc Trung ương tổ chức đại hội đều bám sát sự lãnh đạo, các quy định, hướng dẫn của Trung ương; công tác chỉ đạo, điều hành đại hội nghiêm túc, trang trọng, đúng quy định và tiết kiệm; những vấn đề phát sinh được xử lý kịp thời, hiệu quả. Đa số các đại hội đã thực hiện việc cắt sóng điện thoại tại hội trường để đảm bảo không khí làm việc tập trung, nghiêm túc.
Báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của BCH về cơ bản được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu tối đa các góp ý của Bộ Chính trị. Điểm mới trong công tác chuẩn bị và hoàn thiện văn kiện nhiệm kỳ này là đã chú trọng nhiều hơn đến công tác xây dựng Đảng; nhận diện được thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức và định vị lại đảng bộ trong tương quan quốc gia và quốc tế để xây dựng nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cũng như lựa chọn khâu đột phá để tập trung thực hiện, xây dựng mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, không dàn trải như trước đây. Một số đảng bộ có đổi mới trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới. Nhiều đảng bộ đã đầu tư xây dựng phim tư liệu trình chiếu tại đại hội, minh họa sinh động cho các báo cáo chính trị cũng như tham luận của đại biểu tại đại hội.
Việc gợi ý thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi được chú trọng nên chất lượng tham luận tại các tổ và hội trường được nâng lên (Yên Bái có 61 ý kiến; Kon Tum có 91 ý kiến; Đảng bộ Quân đội có 130 chủ đề tham luận đăng ký phát biểu, 22 ý kiến phát biểu tại Đại hội; Quảng Ninh có 180 ý kiến; Bình Định có 119 ý kiến; Thái Nguyên có 80 ý kiến; Đăk Lăk có 90 ý kiến…). Không khí thảo luận ở nhiều đại hội dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, có tính xây dựng, chiến đấu và trách nhiệm, tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên đóng góp vào dự thảo văn kiện đại hội và văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng như các đảng bộ: Quân đội, Yên Bái, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đăk Lăk, Kon Tum, Bình Định...
Công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội được tiến hành với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhưng không phô trương, hình thức. Các đảng bộ đã chú trọng nắm chắc tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và dư luận nhân dân để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả; chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời cung cấp thông tin chính thống, phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm chống phá đại hội. Bảo đảm an ninh, trật tự, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ đại hội với phương châm an toàn, tiết kiệm, tránh lãng phí, bảo đảm chặt chẽ phòng, chống dịch COVID-19.
Nhiều đại hội đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, hướng về miền Trung ruột thịt thân yêu, bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc, tình cảm cao đẹp của mình đến với đồng bào miền Trung đang phải hứng chịu thiên tai do bão, lũ gây ra.
Chú trọng công tác chuẩn bị nhân sự và kết quả bầu cử
Công tác nhân sự nhìn chung đã được các cấp uỷ trực thuộc Trung ương chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, có chất lượng, chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình 5 bước, cơ bản bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch nên được đại biểu biểu thống nhất cao. Việc bầu cử tại đại hội bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục theo quy định. Kết quả bầu cử cơ bản theo đúng phương án nhân sự; các đồng chí trúng cử đều có tỉ lệ phiếu bầu cao, nhiều đồng chí trúng cử các chức danh chủ chốt đạt tuyệt đối 100%.
Tổng số cấp uỷ viên khoá mới đã được bầu là 2.468 đồng chí, trong đó, có 798 đồng chí tham gia lần đầu, đạt 32,33%. Độ tuổi bình quân của cấp ủy là 48,89. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy ở nhiều nơi đạt, vượt mục tiêu đề ra. Có 400 cấp ủy viên là nữ (16,20%), trong đó, có 27 đảng bộ (Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bình Dương) đạt tỷ lệ trên 15%, tỉnh Tuyên Quang đạt tỷ lệ cao nhất 29,17%. Có 167 đồng chí cấp ủy viên dưới 40 tuổi (6,76%), trong đó, có 9 đảng bộ gồm: Bắc Ninh, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bến Tre đạt từ 10% trở lên, TP. Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ cao nhất 23%. Có 273 đồng chí cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 11,06%, trong đó, Hoà Bình đạt tỷ lệ cao nhất 69%. Trình độ cấp ủy viên được nâng lên so với nhiệm kỳ trước, cụ thể: 1.372 thạc sỹ (55,59%), 211 tiến sỹ (8,54%), 14 phó giáo sư (0,56%), 3 giáo sư (0,12%).
Tổng số ủy viên BTV bầu được là 704 đồng chí; trong đó: tham gia lần đầu 220 (31,25%); cán bộ nữ 94 (13,35%), riêng tỉnh Bình Phước đạt 40%; cán bộ dưới 40 tuổi 7 (1%); cán bộ người dân tộc thiểu số 78 (11,07%). Tổng số bí thư cấp ủy bầu được là 48 đồng chí; trong đó: tái cử 31 (64,58%); tham gia lần đầu 17 (35,42%); cán bộ nữ 6 (12,5%); cán bộ người dân tộc thiểu số 3 (Gia Lai, Tuyên Quang, Sóc Trăng) (6,25%). Có 22 đồng chí bí thư không là người địa phương (45,83%). Có 2 đảng bộ (TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên) thực hiện việc phân công, chỉ định của Bộ Chính trị về nhân sự tham gia BCH, BTV và giới thiệu để bầu bí thư tại phiên họp thứ nhất của BCH đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025; kết quả, 2 đồng chí bí thư mới đều trúng cử với tỷ lệ phiếu 100%.
Một số ít trường hợp ứng cử, đề cử ngoài danh sách do cấp ủy nhiệm kỳ trước chuẩn bị nhưng đều không trúng cử. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, các ứng viên trong danh sách bầu BCH đều tự ứng cử tại Đại hội. Trong 50 đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành, có 7 đại hội chủ động bầu thiếu 11 ủy viên BCH; 17 đại hội chủ động bầu thiếu 24 ủy viên BTV để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn công tác nhân sự. Một số đại hội (Hà Nội, Sóc Trăng...) tiến hành bầu thêm để bầu đủ số lượng ủy viên BCH, ủy viên BTV theo quy định. 50 đại hội đã bầu ra 969 đại biểu chính thức và 93 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội XIII của Đảng. Việc bầu cử đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng được thực hiện đúng quy định, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu ngành, lĩnh vực, độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo; cơ bản là những người tiêu biểu của đảng bộ.
Một số hạn chế, khuyết điểm
Báo cáo chính trị ở một số đại hội còn dàn trải, mang tính liệt kê, nặng trình bày về số liệu; một số nơi đánh giá chưa toàn diện, thiếu tính khái quát; chưa xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ tới, thiếu những giải pháp mang tính đột phá nhằm phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Báo cáo kiểm điểm của một số cấp ủy còn có nội dung trùng lặp với báo cáo chính trị; một số nơi chưa bám sát chức năng, nhiệm vụ để đi sâu kiểm điểm việc thực hiện các nguyên tắc hoạt động, phương thức lãnh đạo, quy chế làm việc của cấp ủy; chưa chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể cấp ủy. Một số tham luận còn nặng về báo cáo thành tích, trình bày mất nhiều thời gian, thiếu tính hấp dẫn, chưa tạo sự quan tâm, chú ý cũng như phản biện, tranh biện tại đại hội. Việc thảo luận đóng góp vào các dự thảo văn kiện tại đại hội tập trung nhiều vào dự thảo báo cáo chính trị, chưa có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ và các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia một số BCH đảng bộ chưa đạt yêu cầu của Chỉ thị 35. Còn có 19 trường hợp tại 14 đảng bộ giới thiệu tái cử BCH, 2 trường hợp giới thiệu tái cử BTV nhưng không trúng cử. Còn có phiếu bầu không hợp lệ. Có đồng chí trúng cử BTV nhưng không đúng cơ cấu, sau đại hội phải sắp xếp lại. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia BTV còn thấp.
Nhìn chung, việc tổ chức thành công 50 đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 là sự kiện trọng đại của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đã tạo ra khí thế mới, vận hội mới và góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Làm nên thành công đó là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao, chặt chẽ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ khâu tổ chức duyệt văn kiện, phương án nhân sự đại hội đến việc theo dõi, chỉ đạo đại hội. Có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các cơ quan tham mưu; nhất là những nơi được dự báo có phức tạp về nhân sự. Đồng thời, từ đầu nhiệm kỳ, công tác cán bộ đã được tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng, từ việc thể chế hóa các văn bản về công tác cán bộ, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống chạy chức, chạy quyền. Từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, dần đi vào thực chất hơn. Quy trình công tác cán bộ được thực hiện theo 5 bước, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Các cơ quan tham mưu của Đảng, các cấp có thẩm quyền đã phối hợp chặt chẽ trong công tác thẩm định nhân sự bảo đảm thận trọng, khách quan, đúng người, đúng việc. Những yếu tố đó đã góp phần làm nên thành công của 50 đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, tính đến thời điểm này.
Ngọc Thảo
Ban Tổ chức Trung ương