6 giải pháp trong công tác xây dựng đảng năm 2010 của Đảng bộ Hà Nội

Ngày 11 và 12-1, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XIV đã tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo (lần 1) Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XV Đảng bộ Thành phố; thảo luận và thông qua các dự thảo: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng đảng năm 2009, phương hướng, nhiệm vụ năm 2010 của Thành ủy và Báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy năm 2009. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.


Đánh giá đúng thành tựu, phân tích sâu hạn chế

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã gợi mở một số nội dung để các đại biểu đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị lần I. Trong đó, cần bảo đảm tính kế thừa và phát triển những nội dung đã được tổng kết, đánh giá của nhiệm kỳ. Chủ đề của đại hội cần ngắn gọn, nêu bật được những thành tố chính, những định hướng lớn, phù hợp với định hướng chung của cả nước; đồng thời gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong 5 năm tới; phải thể hiện được tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoạt động và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phải phấn đấu trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ. Đồng chí cũng yêu cầu các đại biểu cần xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong dự thảo để tạo tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của Thành phố thời gian tới.

Đối với công tác xây dựng Đảng năm qua, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá đúng những thành tựu, kết quả và tiến bộ đạt được, phân tích sâu những hạn chế, khuyết điểm, chỉ rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm. Đặc biệt là cần đi sâu, làm rõ những mặt mạnh, những mặt còn yếu kém trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; về giữ gìn đoàn kết nội bộ và những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để xác định các giải pháp trước mắt và lâu dài.

 

Với 6 giải pháp, năm 2010, Thành ủy và cấp ủy các cấp chú trọng chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp; sắp xếp tổ chức, cán bộ, cụ thể hóa các nội dung nghị quyết của đại hội để xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch công tác sát với thực tế sau khi đại hội đảng bộ các cấp được tổ chức thành công; hoàn thành các công trình, dự án, chương trình hoạt động để tổ chức thành công các sự kiện trọng đại trong năm; tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đi đôi với đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tiếp tục thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phong cách công tác, lề lối làm việc, phương pháp chỉ đạo, điều hành trên tinh thần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình, nêu cao trách nhiệm cá nhân, trước hết là vai trò người đứng đầu.

 

Ba khâu đột phá - 18 chỉ tiêu chủ yếu

Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XV Đảng bộ Thành phố - một nội dung đặc biệt quan trọng bởi không chỉ đánh giá lại 5 năm đã qua, văn kiện này còn chỉ ra những chủ trương, biện pháp, quyết sách phát triển Hà Nội trong nhiều năm tới. 3 khâu đột phá trong 5 năm tiếp theo của Thành phố sẽ là cải cách hành chính, công tác cán bộ và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn. Với 18 chỉ tiêu chủ yếu, trong 5 năm tới Hà Nội sẽ duy trì tăng trưởng kinh tế khoa học, hợp lý, nâng cao chất lượng các nhóm ngành chủ yếu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với định hướng CNH, HĐH, phát triển kinh tế tri thức. Phấn đấu tăng trưởng GDP trung bình 9,5-10%/năm; GDP bình quân/người là 70-72 triệu đồng vào cuối năm 2015; 60% lao động đã qua đào tạo; bảo đảm bình quân mỗi năm xây dựng thêm 1,5 triệu mét vuông nhà ở, có 45-50% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia; phấn đấu đến 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; vận tải hành khách công cộng đáp ứng 20-22% nhu cầu đi lại của người dân...

 

(Nguồn Báo Hà Nội mới)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất