Sau khi nghe báo cáo tổng kết công tác năm 2010, dự kiến phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 và một số năm tiếp theo, ý kiến tham luận của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, đồng chí Hồ Đức Việt kết luận Hội nghị với những nội dung chủ yếu sau:
1. Thời gian qua, Đề án 165 tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư và sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương. Cùng với sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động ở Văn phòng 165, Đề án đã hoàn thành cơ bản kế hoạch công tác năm 2010 trên các loại hình, các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng; từng bước thiết lập và mở rộng quan hệ với các tổ chức, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được chú ý nâng lên; nội dung các chuyên ngành ngày càng được mở rộng phù hợp với yêu cầu của các địa phương, đơn vị và thế mạnh của từng quốc gia; hình thức đào tạo, bồi dưỡng đa dạng hơn (như liên kết, phân cấp).
Tuy nhiên, Đề án vẫn còn có những hạn chế, tồn tại như: cần thực sự coi trọng chất lượng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng theo chiều sâu; thủ tục hành chính, công tác thanh quyết toán tài chính còn chậm,… Các đoàn phân cấp vẫn còn tình trạng đi chưa thật đúng đối tượng, đi dồn vào cuối năm dẫn đến khó khăn cho công tác chuẩn bị…
2. Về phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch năm 2011 và vài ba năm tiếp theo, Đề án cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
2.1. Tiếp tục quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc triển khai Đề án (Thông báo 165-TB/TW ngày 27-6-2008); đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả từ khâu tuyển sinh, chọn cử cán bộ tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của Đề án đến việc lựa chọn các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng để gửi cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; mở rộng hợp lý nội dung phương thức, địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng. Quan tâm chuẩn đầu vào và đầu ra theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện đã quy định.
2.2. Thiết lập và mở rộng quan hệ với các cơ sở đào tạo nước ngoài, củng cố các mối quan hệ đã có, phối hợp với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để thẩm định cơ sở đào tạo và nắm tình hình học viên. Thời gian tới cần tập trung vào các địa bàn trọng điểm đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sin-ga-po, Ấn Độ, Lào, Căm-pu-chia, Anh, Pháp, Đức, Nga, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Hung-ga-ry, Séc, I-ta-ly, Úc, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Hoa Kỳ...
2.3. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ chuyên sâu đối với cán bộ trẻ, cán bộ cấp thứ trưởng và tương đương, phấn đấu để những người được đào tạo, bồi dưỡng có thể chủ trì hội nghị, hội thảo hoặc trực tiếp đàm phán, ký kết bằng tiếng nước ngoài.
2.4. Thực hiện thường xuyên việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện đối với cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
2.5. Nội dung các chương trình bồi dưỡng phải được chuẩn bị chu đáo, chuyên sâu về ngành, lĩnh vực, tránh dàn trải. Phối hợp với các cơ sở đào tạo nước ngoài xây dựng chương trình cụ thể, chi tiết, phù hợp đối tượng, chuyên ngành nghiên cứu. Chú ý những nội dung ta còn thiếu, còn yếu cần phải nghiên cứu bổ sung. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh bồi dưỡng các chuyên đề như bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, quản lý kinh tế thị trường, xây dựng hệ thống chính trị, luật quốc tế, biển đảo, hành chính công, tài chính công, CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, quản lý giao thông, đô thị…
2.6. Tập trung đào tạo thạc sỹ quản lý chuyên ngành, quản lý chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường liên kết đào tạo thạc sỹ gắn liền với việc nâng cao chất lượng đào tạo; triển khai thí điểm hình thức thực tập sinh gắn với việc chuẩn bị ngoại ngữ thật tốt cho đội ngũ này.
2.7. Tiếp tục việc phân cấp tổ chức các đoàn bồi dưỡng ngắn hạn cho các bộ, ban, ngành, đoàn thể, Ban quản lý các đề tài, dự án quan trọng của Đảng, Nhà nước ở Trung ương; thí điểm việc phân cấp tổ chức đoàn cho một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Tăng cường sự phối hợp để xây dựng chương trình, nội dung học tập phù hợp; chi phí đào tạo hợp lý; cán bộ tham gia đoàn phải đúng đối tượng, tiêu chuẩn.
2.8. Phối hợp với các cơ quan hữu quan xem xét giảm thời gian công tác xuống 3 năm đối với cán bộ tham gia dự tuyển đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ tốt nghiệp đại học loại giỏi, có thành tích thực tế trong công tác, cán bộ công tác ở những địa bàn khó khăn (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, biên giới, hải đảo).
Cán bộ dự tuyển thạc sỹ tốt nghiệp đại học loại trung bình khá nhưng có thành tích xuất sắc trong công tác được địa phương, đơn vị xác nhận sẽ được xem xét cử đi học thạc sỹ ở nước ngoài.
2.9. Mỗi một cán bộ có thể tham gia nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng, nhưng không đi hai lần trong một năm nhất là đối với loại hình bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn.
2.10. Cán bộ học thạc sỹ ở nước ngoài, tốt nghiệp loại giỏi, có đủ điều kiện thì được xem xét chuyển tiếp học tiến sỹ nếu cán bộ có nguyện vọng, được cơ quan quản lý đồng ý và cơ sở đào tạo chấp nhận.
2.11. Sớm quy định số lượng phiên dịch cho từng đoàn, chế độ phụ cấp cho phiên dịch và trưởng đoàn tham gia các đoàn bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn của Đề án.
2.12. Đối với các đoàn mà Đề án thí điểm phân cấp cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Đề án hỗ trợ tiền học phí; trường hợp đặc biệt có thể hỗ trợ vé máy bay khứ hồi từ Việt Nam đến cơ sở đào tạo nước ngoài.
3. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ lãnh đạo văn phòng và các phòng của Văn phòng Đề án, nghiên cứu hình thức quản lý để bộ máy Văn phòng phát huy hiệu quả, nâng cao tính chuyên nghiệp; đồng thời tăng cường công tác quản lý tài chính để không để xảy ra sai sót; tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho Văn phòng.