1. Hà Nội là nơi ghi đậm những dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người và của dân tộc. Ngày 26-8-1945, Người từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội và tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào rằng: “Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Cả Quảng trường vang lên tiếng hô đáp lại: Việt Nam độc lập muôn năm! Ủng hộ Mặt trận Việt Minh! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!
Làng Vạn Phúc, quận Hà Đông nằm bên dòng sông Nhuệ, cách trung tâm TP. Hà Nội hơn 10km là nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến bên ngọn đèn dầu trong căn gác nhỏ, giữa đêm đông giá lạnh đã mãi mãi đi vào lịch sử.
Tại hang Trầm, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến qua Đài Tiếng nói Việt Nam: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Câu nói ấy đã ngân vang đến mọi miền đất nước và đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam như một lời hiệu triệu của non sông đất nước. Trong những ngày không quân Mỹ đánh phá ác liệt TP. Hà Nội, tại đây Bác Hồ đã soạn thảo và đọc “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước của Hồ Chủ tịch” ngày 17-7-1966, khẳng định quyết tâm chống Mỹ cứu nước của dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Rồi cũng ở Hà Nội, Bác Hồ đã viết những dòng Di chúc trước lúc đi xa, để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí, cho dân tộc Việt Nam.
Với vị trí địa lý và vai trò đặc biệt của mình, Thủ đô Hà Nội có vinh dự, tự hào là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, cũng là nơi có nhiều địa danh in dấu chân Bác và đã từng được Người dành sự quan tâm, đến thăm và căn dặn. Hầu hết các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, trí thức đến các chiến sĩ bộ đội, anh chị em dân quân, tự vệ, các nhân sĩ, trí thức, đồng bào tôn giáo, dân tộc, các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng, các chị lao công... đều được Bác gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ ân cần. Qua các bài nói, bài viết, bức điện hay những chuyến thăm của Người đều để lại những dấu ấn không thể nào quên.
2. Gắn bó với những địa danh Bắc Bộ Phủ, Ba Đình, Vạn Phúc, chùa Trầm, Thanh Oai, Phủ Chủ tịch... của Hà Nội; những bài nói, bài viết, những lần đi thăm cơ sở của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1945 đến 1969 không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ mà còn là minh chứng sinh động cho sự quan tâm đặc biệt của Người với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội trên mỗi bước đường chiến đấu và chiến thắng .
Ngay sau khi đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác liền gửi thư nhắn nhủ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, những người đã dũng cảm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” rằng, “lòng Già Hồ luôn luôn ở bên cạnh các em”.
Trong những năm tháng gian lao kháng chiến chống Pháp, Bác đã gửi thư cho đội du kích Thủ đô và đồng bào vùng Hà Nội, khen ngợi những chiến công của quân dân Hà Nội. Bác “viết thư này với cả tấm lòng thương xót, yêu mến và tin tưởng”; đồng thời nhấn mạnh: “Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc”… Dù phải gian lao kháng chiến, dù bộn bề công việc quốc gia đại sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho đồng bào và chiến sĩ Thủ đô sự quan tâm ân cần, chu đáo. Bác dõi theo mỗi khó khăn, thắng lợi và từng bước phát triển để kịp thời chia sẻ, động viên, cổ vũ quân dân Thủ đô kiên cường và kiên trì kháng chiến, cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Khi Thủ đô được giải phóng, Bác kêu gọi nhân dân làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh, giữ gìn truyền thống “thứ nhất kinh kỳ”, “ngàn năm văn hiến” ngày một hồi sinh và phát triển.
Không những quan tâm đến sự phát triển của Hà Nội, Bác còn rất chú trọng bảo vệ Hà Nội. Từ những ngày đầu chiến đấu, Bác đã suy nghĩ đến việc bảo vệ không phận Hà Nội, Bác nói: “Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc”. Rồi Bác nhận định: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến mọi tình huống càng sớm càng tốt… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu sau khi thua trận trên bầu trời Hà Nội”. Trong một lần đến thăm bộ đội tại trận địa phòng không Hà Nội, Bác đã căn dặn: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng nhiều tiền, Dù chúng có B57, B52 hay “bê ” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy lính Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Lời của Bác không chỉ thể hiện quyết tâm kháng chiến thắng lợi, mà còn là chỉ thị cho bộ đội và quân dân Hà Nội phải tìm mọi cách để đánh được máy bay B52. Sau 10 năm chuẩn bị, quân và dân Hà Nội đã đập tan cuộc tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội tháng 12-1972, bắn rơi 16 chiếc trong tổng số 193 chiếc B52 của Mỹ hiện có. Tổn thất đó buộc Tổng thống Mỹ phải chấp nhận thua cuộc và ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam theo đúng nhận định của Hồ Chí Minh .
3. Với Đảng bộ TP. Hà Nội, Bác Hồ luôn có những quan tâm, hướng dẫn từ chủ trương, bước đi cụ thể. Dự Hội nghị Đảng bộ ngày 25-4-1959, Bác lưu ý “phải xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” và yêu cầu: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng”… Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”. Người cho rằng, then chốt của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh chính là xây dựng chi bộ, bởi “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”.
Ngày 14-5-1966, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng Bác vẫn đến dự lớp huấn luyện đảng viên mới, Người khẳng định nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên là phải ra sức học tập lý luận Mác - Lênin, phải học tập đường lối của Đảng, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam; thái độ và phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là phải gắn liền lý luận với thực tiễn; phải “gương mẫu trong sản xuất và chiến đấu, phải gương mẫu trong đạo đức cách mạng. Hằng ngày phải tự kiểm điểm để cố gắng làm đúng 10 nhiệm vụ đảng viên”... Người không những đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, các cấp chính quyền về vấn đề tăng gia sản xuất, đắp đê phòng chống lũ lụt, chống hạn để phát triển kinh tế mà còn lưu ý những vấn đề liên quan đến giáo dục, xây dựng cuộc sống mới, quản lý hộ khẩu... để xây dựng và phát triển Thủ đô. Người gửi thư và mong HĐND thành phố “sẽ ra sức vận động đồng bào Thủ đô đoàn kết chặt chẽ, hăng hái tham gia thực hiện mọi chủ trương công tác của Đảng và Chính phủ…
4. Trở lại Thủ đô sau 9 năm trường kỳ kháng chiến ở Việt Bắc, trải qua 15 năm sống và làm việc tại Hà Nội, cứ mỗi dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, Người luôn dành trọn những ngày nghỉ của mình để đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Đặc biệt là những đêm giao thừa, Người thường ghé thăm những người lao động nghèo mà không có sự chuẩn bị từ trước. Ai cũng cảm nhận được tấm lòng nhân ái, sự quan tâm chu đáo và tình thương bao la vô bờ bến của Người dành cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng. Những lần gặp Người đó là kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong ký ức của người dân cũng như các cán bộ và chiến sĩ Thủ đô.
Bác đã đi xa hơn 50 năm, song tấm lòng, tình cảm, lời dặn dò tâm huyết và những chỉ dẫn kịp thời của Người đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô trong những năm tháng cả nước tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó cũng chính là ánh sáng soi đường, cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân Thủ đô trên những chặng đường cách mạng, để một Hà Nội với bề dày truyền thống lịch sử luôn được bảo tồn và phát triển, không chỉ hào sảng trong lửa đạn của chiến tranh mà còn thơ mộng, hòa bình trong “trái tim của cả nước”; xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước Việt Nam đổi mới và hội nhập; luôn là niềm tin yêu, hy vọng của nhân dân cả nước trước những thách thức của hôm nay và mai sau.
Trần Công Huyền