Tuyên ngôn độc lập - Tượng đài của ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam

Độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc. Điều này đã được ghi trang trọng trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ và trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền cách mạng Pháp năm 1791, đã được Hồ Chí Minh trịnh trọng nhắc lại trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945: “Tất cả mọi ngư­ời đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm đ­ược; trong những quyền ấy, có quyền đ­ược sống, quyền tự do và quyền mư­u cầu hạnh phúc… Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung s­ướng và quyền tự do”(1).  Độc lập dân tộc, theo Hồ Chí Minh, là đất nước thoát khỏi tình cảnh nô lệ, được tự do, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân được sống trong hòa bình và thực sự được hưởng thụ các giá trị nhân văn - dân chủ, công bằng và bình đẳng,…

Độc lập dân tộc là khát vọng lớn nhất của các dân tộc thuộc địa, là vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đó là tất cả những điều tôi muốn; đấy là những điều tôi hiểu”(2).  Thực tiễn kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy, sự tồn vong và phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc đều gắn liền với việc giữ vững nền độc lập và chủ quyền của mỗi quốc gia - dân tộc ấy. Độc lập dân tộc luôn luôn là nguyện vọng chính đáng của mỗi người sống trong cộng đồng dân tộc; vừa là mục tiêu, động lực của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của kẻ thù xâm lược. Độc lập dân tộc là cơ sở, điều kiện không thể thiếu để thực hiện quan hệ bang giao với các dân tộc khác. Giữ vững độc lập tự chủ luôn là nguyên tắc hàng đầu bảo đảm cho các dân tộc thực hiện chính sách đối ngoại bền vững.

“Tự do” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là tự do theo lý tưởng xây dựng một xã hội mới - xã hội XHCN. Độc lập là tiền đề của tự do, bởi “nếu nước được độc lập, người dân mới được tự do, nếu mất nước, ai cũng làm nô lệ”; tự do là mục tiêu và cũng là kết quả của độc lập. Đó là những giá trị cao quý, thiêng liêng nhất, không một thế lực nào có thể xâm phạm. Độc lập của dân tộc gắn liền với quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của nhân dân.

Khát vọng đã trở thành hiện thực, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Song các thế lực thù địch thực dân và đế quốc chưa từ bỏ dã tâm trở lại xâm lược, đô hộ nước ta một lần nữa. Để bảo vệ độc lập dân tộc – một quyền thiêng thiêng và bất khả xâm phạm, cả dân tộc Việt Nam không phân biệt già trẻ, gái trai,... đã hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) lừng lẫy địa cầu, đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ.

Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" (3), “Không có gì quý hơn độc lập, tự do"(4), Kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công đến những ngày cuối đời, Người đã lãnh đạo Đảng và nhân dân ta liên tục tiến hành hai cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ và ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc và CNXH.

Những năm gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đứng trước thời cơ, vận hội, thuận lợi và không ít nguy cơ, thách thức, nhưng chính nhờ ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ mà dân tộc ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước; “Thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao,…” (5).

Trong tình hình hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng cạnh tranh giữa các nước lớn, khu vực vẫn gay gắt và có nhiều nét mới từ sự đan xen giữa đối tượng và đối tác; đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cường quyền; chủ nghĩa dân túy; chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy… đã và đang chi phối đến quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của các quốc gia. Trong khi đó, nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng nhằm thực hiện lợi ích quốc gia - dân tộc. Việt Nam càng phải đề cao ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, có khát vọng  vươn lên không lệ thuộc, phụ thuộc vào bất cứ lực lượng hay quốc gia nào trên con đường phát triển vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng một lần nữa xác định: "Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, đồng thời kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc…"(6).

Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, tổng kết 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), hơn bao giờ hết chúng ta càng phải phát huy ý chí tự chủ, tự cường, niềm tin mãnh liệt vào con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn để xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, hùng cường, thịnh vượng. Đó là động lực, sức mạnh tinh thần to lớn để toàn dân tộc kiên định với con đường XHCN, ra sức nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nhân dân được hưởng cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. 

------------------------------

(1), (3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.4, tr.1,2; tr.534.

(2). Trần Dân Tiên, những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh, NXB CTQG, H. 1994, tr.4.

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2011, t.15, tr.131.

(5, 6). ĐCSVN: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tháng 4-2020, tr.49.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất