1. Thực hiện giải phóng phụ nữ là nhằm xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, xóa bỏ bất bình đẳng nam nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Theo Hồ Chí Minh “không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi công cuộc cách mạng”(2). Vì vậy, Người luôn coi giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, là cơ sở quan trọng để bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ được thực hiện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với đại biểu phụ nữ các dân tộc thiểu số Tây Bắc năm 1959. Ảnh tư liệu
Trong hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh chứng kiến nhiều cảnh phụ nữ ở các nước, nhất là các thuộc địa, bị đối xử bất công, bị bóc lột, chà đạp một cách tàn nhẫn. Khi đến đất nước của tượng Nữ thần tự do, Người đã nhận thấy sự cách biệt về quyền con người ở Mỹ: Ánh sáng trên đầu tượng Nữ thần Tự do tỏa trên bầu trời xanh, còn dưới chân tượng Nữ thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen mới có sự bình đẳng với người da trắng, bao giờ phụ nữ được bình đẳng với nam giới. Hồ Chí Minh nung nấu hoài bão làm sao để phụ nữ nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng thoát khỏi áp bức, bất công của chế độ thuộc địa. Chỉ có giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người triệt để mới mang lại quyền tự do thật sự cho con người, tạo tiền đề thực hiện bình đẳng nam nữ và mang lại sự tiến bộ cho phụ nữ. Vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Tiến sỹ M.At-mét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương khẳng định: “Trong khi chiến đấu cả đời mình chống lại ách thống trị thực dân, Người vẫn là một nhà nhân văn chân chính trong tư tưởng và hành động”(3).
Hồ Chí Minh cho rằng, phụ nữ có quyền tham gia mọi hoạt động chính trị một cách bình đẳng như nam giới, có quyền bầu cử, ứng cử, có quyền tự do ngôn luận, đi lại, cư trú và quyền bình đẳng trước pháp luật. Điều 6 Hiến pháp năm 1946 do Người là Trưởng Ban soạn thảo ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”. Cụ thể hơn về quyền lợi, Điều 9 ghi: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Phát biểu tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập… phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”(4). Bình đẳng với nam giới về mọi phương diện, Hiến pháp năm 1946 mở ra cho phụ nữ một thời đại mới - thời đại người phụ nữ được làm chủ cuộc sống của mình, được tham gia các hoạt động xây dựng và kiến thiết đất nước - những quyền và nghĩa vụ mà người phụ nữ chưa từng được thừa hưởng trong các chế độ xã hội trước. Những quyền bình đẳng đó tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1959. Song song với việc ghi nhận quyền bình đẳng của phụ nữ trên các mặt của đời sống xã hội, Hiến pháp năm 1959 đã quy định các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện quyền bình đẳng trên thực tế và nhấn mạnh đến quyền bình đẳng về việc hưởng thụ các thành quả của phát triển.
Những quy định về quyền bình đẳng nam nữ được ghi trong Hiến pháp, pháp luật đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị pháp lý của phụ nữ Việt Nam và thể hiện tính nhân văn, tầm nhìn vượt thời đại, tư duy chính trị sắc sảo của Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam được pháp luật thừa nhận và bảo đảm có những quyền bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực. Từ đây, người phụ nữ có cơ sở pháp lý để đấu tranh đòi bảo đảm những quyền bình đẳng này trong cuộc sống của mình.
Để xóa bỏ sự lệ thuộc của phụ nữ về kinh tế cần giải phóng sức lao động cho họ, đưa họ tham gia vào các ngành nghề khác nhau như công nghiệp, thương nghiệp, văn hóa, giáo dục, y tế… Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Đồng thời, Người yêu cầu các sở, ban, ngành phải lập nhà trẻ, nhà ăn để phụ nữ yên tâm công tác, yên tâm lao động sản xuất. Bởi lẽ, muốn cho người mẹ sản xuất tốt thì cần tổ chức tốt những nơi gửi trẻ và những lớp mẫu giáo; kinh tế của ta càng phát triển, nhà ăn công cộng càng thêm nhiều, phụ nữ sẽ rảnh rang để tham gia lao động. Như vậy phụ nữ mới được giải phóng, nam nữ mới thật là bình quyền. Thực tiễn cho thấy, thực hiện bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực kinh tế không chỉ tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội phát triển tài năng, trí tuệ mà còn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhận xét về khả năng làm kinh tế của phụ nữ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”(5), là đội quân chủ lực tạo ra của cải vật chất, làm giàu cho đất nước. Từ đó Người kết luận: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.
Việc phụ nữ tham gia hoạt động sản xuất xã hội được Ph.Ăng-ghen coi là điều kiện tiên quyết để giải phóng phụ nữ. Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới những nét đặc thù riêng của phụ nữ, đề ra những chính sách ưu đãi đối với phụ nữ để họ có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội như nam giới, giải phóng họ khỏi gánh nặng công việc gia đình. Đồng thời, Người còn tuyên truyền, giác ngộ để mọi người nhận thức rõ hơn vai trò của phụ nữ trong xã hội, vận động mọi người cùng nhau giúp đỡ để phụ nữ vươn lên khẳng định địa vị của mình, tạo cơ sở cho việc thực hiện bình đẳng nam nữ trong xã hội. Người lên án, phê phán các hiện tượng phân biệt đối xử với phụ nữ, nạn bạo lực gia đình, cho đó là một điều đáng xấu hổ: “Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man”, vì vậy mà “Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hòa thuận trong gia đình”(6). Bình đẳng nam nữ trong gia đình chính là cơ sở cho bình đẳng nam nữ ngoài xã hội. Bởi khi được quan tâm, chia sẻ công việc trong gia đình và được tạo điều kiện thuận lợi, người phụ nữ sẽ có điều kiện tham gia công tác xã hội để phát huy hết tài năng, trí tuệ của mình.
Để được giải phóng, phụ nữ cần phải học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, phải gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật, bản thân phụ nữ phải đấu tranh, tự cường, tự lập để giữ lấy quyền lợi của mình. Đó là chìa khóa của sự nghiệp tranh quyền cho phụ nữ. Bởi không có kiến thức, không nhận biết được pháp luật và quyền lợi của giới mình thì sẽ không tự giải phóng và phát huy được quyền của mình trong các hoạt động, cũng như trong cuộc sống. Chỉ có nỗ lực, cố gắng, phụ nữ mới tạo ra động lực để vươn lên khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội.
2. Thực hiện bình đẳng nam nữ, giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng khó. Vì vậy, trong “Di chúc”, Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”.
Thực hiện căn dặn của Người, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm quyền của phụ nữ được ra đời, trong đó Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006 đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Điều 4 của Luật Bình đẳng giới ghi rõ: “Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Đặc biệt, tại điều 26 Hiến pháp năm 2013 xác định: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”. Việc cụ thể hóa quyền bình đẳng nam nữ bằng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia lao động sản xuất, bảo hộ sức khỏe, giảm nhẹ gánh nặng gia đình. Đánh giá tầm quan trọng của bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam khẳng định bình đẳng giới là yếu tố tiền đề để xây dựng một nguồn nhân lực vững mạnh, cũng như đẩy mạnh chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Đồng thời, Chính phủ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái trong mọi lĩnh vực và ở mọi nơi. Giảm đáng kể mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng hoặc nơi riêng tư. Bảo đảm sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và cơ hội bình đẳng tham gia lãnh đạo của phụ nữ ở tất cả các cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội… Để thực hiện kế hoạch đó cần phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ, trong đó có sự đồng tình, tham gia, ủng hộ của nam giới. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Trong Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chính phủ xác định mục tiêu cụ thể trong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030. Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030. Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Trong đời sống gia đình, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ xuống còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới… Đây chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ và công tác phụ nữ. Đồng thời, cũng khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra để giải quyết các vấn đề về công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.
Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên của lịch sử Việt Nam đặt vị thế, vai trò của phụ nữ ngang với nam giới và Người cũng là một trong những lãnh tụ tiêu biểu của thế giới đề cao sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ. Nữ sử học người Mỹ J.Stenson đã nhận định, so với các lãnh tụ nổi tiếng thế giới, chỉ có Hồ Chí Minh là đã luôn luôn nói về quyền bình đẳng của phụ nữ, thấy được phụ nữ đã phải chịu những gánh nặng như nam giới và còn hơn thế. Cùng với sự phát triển của đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ ngày càng được quan tâm và coi trọng. Điều đó đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền bình đẳng giới, tạo ra một bước chuyển biến mới trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ ở Việt Nam. Đó chính là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới.
-----
(1), (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG 2011, tập 7, tr.340, tập13, tr. 74. (3) GS, TS. Mạch Quang Thắng, PGS, TS. Bùi Đình Phong, TS. Chu Đức Tính (Đồng chủ biên), UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, NXB CTQG, H.2013, tr.179. (4), (5), (6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG 2011, tập 4, tr.491; tập 14, tr. 231; tập 15, tr.260.
TS. Trần Thị Phúc An, Trường Đại học Mỏ - Địa chất