Học và làm theo phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo (năm 1960).

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Với ngòi bút sắc sảo, giàu tính chiến đấu, phong cách mẫu mực, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống và mang tính giáo dục cao, Người đã để lại dấu ấn đậm nét cho nền báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Người sử dụng báo chí thực sự là vũ khí sắc bén truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần chiến đấu, tính trung thực, cách thể hiện ngắn gọn, súc tích và mang đầy tính nhân văn cao cả. Đó là nét rất riêng, độc đáo, sáng tạo trong phong cách làm báo của Người, mãi mãi là tấm gương sáng để những người làm báo cách mạng hôm nay học tập và noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là một nhà báo dày dạn kinh nghiệm. Bác đã viết nhiều bài báo, nhiều lần trực tiếp trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước. Khi trả lời phỏng vấn, rất nhiều khái niệm rộng lớn Người thể hiện thành một câu rất ngắn gọn, dứt khoát, rõ ràng, dễ nhớ nhưng nói lên đầy đủ thực chất vấn đề. Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Hãng tin Reuter của Anh năm 1947, Người đã miêu tả chính sách đối ngoại của nước ta bằng một câu giản dị nhưng mang tính tổng quát rất cao: “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”[1]. Trả lời phỏng vấn của Báo Frères D’Armes năm 1948, về câu hỏi Chủ tịch ghét gì nhất, Bác trả lời “Điều ác”, còn điều gì yêu nhất thì Bác đáp lại “Điều thiện”; về điều gì mong muốn nhất, Bác khẳng định: “Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu”[2]; còn việc sợ gì nhất thì Bác nói rõ: “Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì!”. Khi tiếp xúc với báo chí, cũng như khi nói chuyện, Bác hay dùng những cầu ví dân gian đầy hình tượng và dễ nhớ. Người trả lời các nhà báo về những yêu sách ngang ngược của bọn Quốc dân đảng khi chúng ở Việt Nam “Muốn gánh được nặng phải chịu được khó nhọc”. Hoặc khi được hỏi về đại cương chính sách đối ngoại của Việt Nam, Bác trả lời ngắn gọn: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Hay khi nói tới nhân tố mang tính quyết định đối với thành công trên mặt trận ngoại giao, Bác nhấn mạnh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”[3]

Trong cuộc đời làm báo của mình, Bác đã viết hàng ngàn bài báo, đủ các thể loại, dịch ra nhiều thứ tiếng, với hàng trăm bút danh, đăng trên nhiều ấn phẩm ở trong nước và nước ngoài. Dù ở thể loại nào, các bài viết của Bác cũng đều toát lên tính trung thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan, bản chất sự việc, phân biệt rõ đúng sai, không “tô hồng”, “bôi đen”, phiến diện, một chiều. Đây chính là phẩm chất cao đẹp của đạo đức nghề nghiệp, cái gốc của một nhà báo cách mạng, người làm báo chân chính. Tính trung thực trong phong cách làm báo Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở việc Người không chỉ nói cái tốt, cái thành công, mà còn chỉ ra những thói hư, tật xấu, tính ích kỷ, bệnh quan liêu, mệnh lệnh và cả những việc chưa thành công để tìm biện pháp khắc phục. Bác cho rằng: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nói lên, không cần phải bịa đặt ra”[4]; “nói có sách, mách có chứng”, chỉ rõ “cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào”[5]. Những bài báo của Người đều toát lên nỗi đau cùng nỗi đau của những người dân mất nước, chịu cảnh lầm than, nô lệ dưới ách nô dịch của kẻ thù xâm lược; vui cùng niềm vui của nhân dân khi được hưởng cuộc sống hòa bình trong xã hội mới; day dứt trước những bất công, phê phán hủ tục, tệ nạn; vũ khí sắc bén vạch tội, tấn công kẻ thù, “thắp lửa” cho quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh, “phò chính, trừ tà”, nên có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với bạn đọc. Vì thế, các bài báo của Người mang tính chiến đấu, tính định hướng rất cao.

Coi báo chí là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến tác dụng của bài viết làm sao đến được với người đọc, làm cho người đọc hiểu nội dung bài viết một cách nhanh nhất. Bởi vậy, đối với quần chúng lao động, Bác luôn chọn cách viết đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn đầy đủ ý. Người chỉ rõ: “Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích”[6]. Vì, theo Bác, để bài viết đạt được tính ngắn gọn, hàm súc, cô đọng, có nội dung thiết thực, gắn với mục đích đặt ra; điều quan trọng là người viết phải rèn luyện công phu, trung thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan.

Bác không chỉ dạy các nhà báo về quan điểm viết báo là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, mà còn phải viết thế nào cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Dù các bài viết đó thuộc thể loại nào, phục vụ cho đối tượng người đọc nào, nói về những vấn đề cụ thể nào của cuộc songs chiến đấu, lao động hay những vấn đề lớn nào của đất nước, dân tộc, thời đại; theo Người, muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu phải học cách nói của quần chúng. Có học cách nói của quần chúng thì mới được người đọc là quần chúng chấp nhận. Người dạy “Chớ ham dùng chữ”, “Viết phải thiết thực”. Mặc dù là người uyên bác, am hiểu văn hóa phương Đông, phương Tây, biết nhiều ngoại ngữ nhưng Người thường sử dụng từ ngữ đơn giản, thông dụng mà lại phản ánh đúng bản chất sự vật, có sức thuyết phục cao. Vì vậy, nhiều câu, nhiều ý trong các bài viết của Người đã đi vào đời sống và trở thành khẩu hiệu, phương châm hành động như: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…” hay châm ngôn ngắn gọn, chặt chẽ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”… Người cực lực phê phán những cách dùng chữ cầu kỳ, không phù hợp đối tượng và ngữ cảnh văn hóa.

Sinh thời Người thường dạy, nhà báo khi tác nghiệp, dưới bất cứ hình thức và thể loại nào đều phải chú trọng tới đối tượng cần giáo dục, tuyên truyền; phải hiểu rõ sở thích, nhu cầu, trình độ, phong tục tập quán của từng loại đối tượng ấy để viết bài, nói chuyện, truyền đạt cho được ý định, mục tiêu, yêu cầu, nội dung quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, giúp người dân hiểu biết tình hình, rõ nhiệm vụ, thực hiện đúng quy định pháp luật. Bác căn dặn rằng nhà báo cũng từ nhân dân mà ra, là con em của nhân dân, đi nhiều, biết nhiều nhưng không vì thế mà nói, viết những điều “Cao siêu, to tát” làm cho người dân không hiểu hoặc hiểu sai. Đối với người dân lao động, chân lý luôn luôn là cụ thể, họ chỉ làm được những việc mà họ có hiểu biết và có thể làm được. Do vậy, cách tiếp cận, viết bài, đưa hình, truyền ảnh không đung, không trúng, không phù hợp, không hấp dẫn đối tượng cần tác động, tuyên truyền thì chẳng những lao động của nhà báo uổng công, vô ích, tốn giấy mực, lãng phí tiền của, thời gian, công sức mà ngược lại còn bị gây dư luận không thuận trong xã hội.

Những bài học giản dị và sâu sắc về phong cách báo chí Hồ Chí Minh mãi mãi còn nguyên giá trị, là phương pháp luận đối với sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là “hành trang” của mỗi nhà báo chân chính. Sự giản dị của Bác càng làm nổi bật đời sống nội tâm và tôn thêm vẻ đẹp con người Bác. Bởi ở Người là sự kết tinh hài hòa giữa nền văn hóa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, phương Đông và phương Tây; bởi tấm lòng cao đẹp và trái tim yêu thương mênh mông của Bác “Bác sống như trời đất của ta. Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa. Tự do cho mỗi đời nô lệ. Sữa để em thơ, lụa tặng già…”.

Học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh, thời gian qua, báo chí nước ta đã phát huy được thế mạnh, bảo đảm thông tin nhanh nhạy, chân thực, khách quan, chính xác, kịp thời, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội theo đúng định hướng và tôn chỉ, mục đích; khởi phát nhiều phong trào mang ý nghĩa nhân văn, khơi dậy truyền thống, niềm tự hào dân tộc. Đa số các cơ quan báo chí, các nhà báo đã thể hiện được lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống lại những cái xấu, tiêu cực trong đời sống xã hội; có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Ngày càng xuất hiện nhiều nhà báo yêu nghề, sâu sát với cơ sở, gắn bó với nhân dân, có những tác phẩm tốt, hiệu quả chính trị - xã hội cao, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Tiếp tục học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh, đưa nền báo chí nước nhà phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội và là diễn đàn của nhân dân, góp phần định hướng dư luận xã hội, cầu nối “ý Đảng với lòng dân”, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc,… các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo cần tích cực trau dồi, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực nghiệp vụ, phong cách làm báo... học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh.


Học tập phong cách Bác, báo chí phải bám sát cơ sở, thực tiễn, nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân; thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Coi trọng việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến...


Theo Bác, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng, với tinh thần đó, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Đồng thời, dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng với mọi đối tượng, hiện tượng làm tổn hại đến lợi ích của dân tộc, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong đời sống xã hội.


Học tập cách viết ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu của Bác, với những người làm báo phải học cách viết sao cho lối hành văn ngắn gọn, cô đọng, súc tích, sức thuyết phục cao. Mỗi nhà báo cần phải tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, tâm huyết với nghề, tận tâm với công việc.


Học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh là yêu cầu hết sức quan trọng đối với các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo. Thực hiện tốt điều đó, không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ nhà báo vững mạnh, đưa sự nghiệp báo chí nước nhà phát triển hòa nhập với báo chí quốc tế trong quá trình hội nhập, mà còn thể hiện lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo cách mạng vĩ đại và là người thầy, tấm gương để chúng ta hôm nay học tập, noi theo.



[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 163. [2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 522. [3] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 147.[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 206. [5] Hồ Chí Minh - Toàn tập Sđd, tập 8, tr. 208. [6] Hồ Chí Minh - Toàn tập Sđd, tập 8, tr. 207.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất