Khởi đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam

Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định những quyền cơ bản của con người bằng việc trích dẫn từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của  Pháp: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1]; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” [2]. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của mình, nhân dân Mỹ luôn tự hào về bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 do Tô-mát Giép-phơ-xơn khởi thảo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo, trịnh trọng đưa những nội dung tinh túy nhất trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào phần mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Điều thú vị là Hồ Chí Minh đã trực tiếp cho vị đại diện của quân đội Mỹ ở Hà Nội khi đó là thiếu tá L.A Pát-ti được xem trước bản Tuyên ngôn độc lập Người sẽ đọc tại cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khiến cho ngài sĩ quan Mỹ hết sức ngạc nhiên và khâm phục.

Việc viện dẫn những tinh hoa hai cuộc cách mạng tiêu biểu của Pháp và Mỹ để mở đầu cho Tuyên ngôn lập quốc của nước Việt Nam, thể hiện biện pháp ngoại giao rất tinh tế và đầy tính nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn đã thể hiện mong muốn xây dựng mối quan hệ ngoại giao thân thiện giữa nước ta với nước Pháp và Mỹ. Bởi nhân dân Việt Nam ở thời kỳ nào cũng luôn nêu cao truyền thống nhân nghĩa và lòng khoan dung cao cả. Trong hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, chúng đã “bóc lột dân ta đến tận xương tủy” và lại “bán” nước ta cho phát xít Nhật, gây cho dân ta phải chịu thảm cảnh “một cổ hai tròng”. Nhưng khi thực dân Pháp thất thế trước phát xít Nhật, nhân dân ta đã giang tay cứu giúp cho nhiều người Pháp và tài sản của họ khỏi bị phát xít Nhật hung hãn trấn áp một cách tàn bạo.

Ở thời điểm đó, các thế lực thực dân, đế quốc với bản chất phản động, hiếu chiến đã có những mưu toan đen tối hòng bóp nghẹt chính quyền cách mạng non trẻ của Việt Nam. Chúng núp dưới danh nghĩa phe Đồng minh chiến thắng phát xít để áp đặt các nước thuộc địa ở Á châu dưới chế độ “Uỷ trị quốc tế”, trực thuộc vào Mỹ hoặc Pháp. Lúc này, đế quốc Mỹ đang có âm mưu độc chiếm Đông Dương và lăm le nhảy vào chiếm đóng Việt Nam. Bằng sự nhạy cảm về chính trị và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ kẻ thù mới của dân tộc Việt Nam chính là đế quốc Mỹ. Nội dung của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 cùng những biện pháp ngoại giao tinh tế của Hồ Chí Minh không chỉ biểu thị mong muốn của nhân dân Việt Nam đặt quan hệ ngoại giao thân thiện với Chính phủ và nhân dân Mỹ ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời mà còn thể hiện ý nghĩa pháp lý sâu sắc. Song chính phủ đương thời Mỹ đã bỏ qua cơ hội lịch sử đó, đúng vào lúc nhân dân Việt Nam đang sát cánh với Mỹ và phe Đồng minh để loại trừ chủ nghĩa phát xít tàn bạo trên thế giới.

Trên cơ sở pháp lý và chính nghĩa, Tuyên ngôn độc lập thực sự là một văn kiện mẫu mực về nghệ thuật phân hóa, cô lập kẻ thù .Trước dã tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa của chính quyền hiếu chiến Pháp, bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã làm rõ bộ mặt “bảo hộ” giả nhân, giả nghĩa của chúng, được che đậy dưới danh nghĩa quân Đồng minh. Đồng thời, Tuyên ngôn cũng vạch rõ cho toàn thế giới thấy rằng, từ mùa thu năm 1940, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, dâng đất nước ta cho phát xít Nhật. Điều đó có nghĩa,Việt Nam trở thành thuộc địa của Nhật và Mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo toàn dân đứng lên đấu tranh để giành lại nền độc lập của nước Việt Nam từ tay phát xít Nhật. Vì vậy, mọi quyền lợi của thực dân Pháp ở Việt Nam thực tế cũng chấm dứt về mặt pháp lý. Nội dung bản Hiệp nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn nêu rõ: Nếu các nước Đồng minh đã công nhận quyền dân tộc tự quyết của các nước đã bị phát xít chiếm đóng, thì “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Những lập luận sắc bén dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế và thực tiễn đất nước ta khi đó đã đặt chủ nghĩa thực dân cũ và mới vào tư thế của những kẻ can thiệp và xâm lược, nếu chúng dã tâm thôn tính đất nước ta.

Bản Tuyên ngôn độc lập được kết thúc với lời tuyên bố hùng tráng và đanh thép trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Đã 69 năm kể từ khi bản Tuyên ngôn độc lập ra đời, Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã trải qua nhiều biến cố trước sự xâm lược của các thế lực ngoại bang. Ngày nay, mỗi sự đổi thay lớn lao của đất nước trên con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn, chúng ta càng  tự hào và trân trọng gìn giữ những giá trị nhân văn của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Đó mãi mãi là một áng hùng văn lập quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, là điểm khởi nguồn để đưa dân tộc ta vươn tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác Hồ đã căn dặn.


(1) Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ

(2) Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất