Tháng 10-1947, tại Việt Bắc với bút danh XYZ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành tác phẩm: Sửa đổi lối làm việc. Mục đích của tác phẩm là: Nâng cao trình độ lý luận, tư tưởng và tình cảm cách mạng, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ, năng lực lãnh đạo đáp ứng các yêu cầu mới của cách mạng. Những nội dung của tác phẩm là những căn dặn thiết thực của Người đối với mỗi đảng viên, cán bộ ngày nay.
Về công tác cán bộ
Hồ Chí Minh khẳng định: Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Theo Người: Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Ngay từ khi chính quyền cách mạng nhân dân được thành lập, Hồ Chí Minh đã mời những nhân sĩ, học giả, trí thức của xã hội cũ ra làm việc và tham gia vào công tác chính quyền. Tất cả những ai có chuyên môn, cần dùng vào lĩnh vực nào nếu có nhiệt tâm đều được trọng dụng. Đồng thời với đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ cần kiệm liêm chính, chí công vô tư làm công bộc cho dân, Hồ Chí Minh kêu gọi các ngành, các cấp và địa phương tìm và tiến cử nhân tài kiến quốc. Người nhắc nhở: Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, kinh tế, nào quân sự, văn hóa, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: Bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài.
Đối với phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh nêu ra 5 tiêu chí ngắn gọn, súc tích, tiêu biểu của người cán bộ đảng viên gồm: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Phẩm chất đạo đức trên đã thể hiện khái quát các mối quan hệ xã hội của người cán bộ, đảng viên với Tổ quốc, với nhân dân, với đoàn thể và cá nhân.
Việc chọn người và thay người cũng là một khâu quan trọng trong công tác lãnh đạo. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chúng ta phải có kế hoạch, chính sách đối với cán bộ già, cán bộ trẻ. Già làm được việc gì thì giao việc ấy, không thì đối đãi thỏa đáng, cán bộ trẻ có tài, đức thì phải mạnh dạn đề bạt.
Về phương pháp làm việc và kiểm soát của người cán bộ lãnh đạo
Theo Hồ Chí Minh, cần áp dụng những phương pháp sau:
Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào, người lãnh đạo không được quan liêu mà phải căn cứ vào thực tế, nắm chắc hoàn cảnh để xem xét quyết định của mình có hợp lý không. Tiếp theo đó cần phải áp dụng hiểu biết của mình một cách năng động. Sau khi nắm rõ tình hình cần tổ chức bàn bạc một cách kịp thời và dân chủ trong tập thể lãnh đạo. Khi tập thể lãnh đạo đã hoàn toàn thống nhất ý kiến, người lãnh đạo chủ yếu cần phải có lòng tin và quyết đoán đưa ra quyết định cuối cùng.
Phải tổ chức thi hành cho đúng. Công việc khó đạt kết quả tốt nếu chỉ có một người lãnh đạo quyết định. Muốn việc tiến triển tốt và hiệu quả, người lãnh đạo cần tổ chức được lực lượng, đóng vai trò hạt nhân đoàn kết tạo nên sức mạnh thành công.
Phải tổ chức kiểm soát. Người căn dặn: Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành hay không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát, vì vậy người lãnh đạo phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.
Về nâng cao hiểu biết cả về lý luận và thực tiễn
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Bác chỉ rõ: Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ, lý luận cốt áp vào công việc thực tế, lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Người cán bộ phải ra sức học tập lý luận, đồng thời luôn luôn biết tổng kết kinh nghiệm trong công tác. Phê bình và tổng kết kinh nghiệm là quy luật phát triển của cách mạng.
Về phương pháp tuyên truyền vận động quần chúng
Người căn dặn: Trước hết là nói, viết sao cho có hiệu quả để ai cũng dễ nghe, dễ hiểu. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng đảng của các cấp.
Theo Hồ Chí Minh, sửa đổi lối làm việc sẽ giúp phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn của đảng cầm quyền. Đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, đạt hiệu quả cao hơn.
70 năm đã trôi qua nhưng tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn nóng hổi tính thời sự. Chúng ta đang tích cực thực hiện 2 nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII với nhiều nội dung về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên. Những nội dung trong tác phẩm của Bác là căn cứ để Đảng ta có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, xây dựng Đảng vững mạnh, tiếp tục đưa nước ta ngày một phát triển giàu đẹp, dân chủ, văn minh.
Châu Minh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị