Sáng ngày 30-8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành Trung ương đánh giá công tác 8 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm 2024 của Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi.
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam phát biểu tại cuộc họp.
|
Tại cuộc họp, đồng chí Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã báo cáo về hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024.
Báo cáo cho thấy, thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và Nghị quyết Ban Chấp hành lần thứ ba Hội Người cao tuổi Việt Nam, trọng tâm là triển khai thực hiện Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trung ương Hội phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách quan tâm, tạo điều kiện để bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tốt hơn. Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động nguồn lực tạo sức mạnh để chăm lo cho người cao tuổi. Các chủ trương công tác, các hoạt động qui mô lớn được triển khai bài bản, có tính kế hoạch cao; chú trọng hướng về cơ sở. Công tác người cao tuổi và hoạt động của hội người cao tuổi tại các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực; trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chủ chốt hội đã được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở được quan tâm thực hiện, hỗ trợ tích cực để người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.
|
Đồng chí Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam báo cáo về hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024.
|
Cụ thể, Trung ương Hội tham mưu, phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban quốc gia về người cao tuổi với hơn 2.000 đại biểu tham dự. Phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học “Già hóa dân số Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách” với sự tham gia của hơn 200 đại biểu. Sau hội thảo, Trung ương Hội và Tạp chí Cộng sản đã có báo cáo chắt lọc kết quả Hội thảo và một số khuyến nghị, kiến nghị gửi Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng XIV, Ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm Đổi mới, Phó Thủ tướng - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Người cao tuổi.
Thực hiện Hướng dẫn số 532 về thực hiện việc thành lập hội người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện theo Kết luận số 58/KL-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các địa phương đã kịp thời, khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội tổ chức thực hiện đạt kết quả bước đầu. Ban đại diện hội người cao tuổi các tỉnh, thành đã chủ động tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố có chủ trương và quyết định thành lập hội người cao tuổi ở cấp tỉnh, cấp huyện; 50/50 tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư; 48/50 tỉnh, thành phố có văn bản đồng ý chủ trương thành lập hội người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện; 35 tỉnh, thành phố có hệ thống hội các cấp thống nhất từ Trung ương đến chi hội. Các tỉnh, thành đã quan tâm thực hiện nhằm tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng hội viên; có 19/63 tỉnh, thành phố thực hiện cấp, đổi 276.000 thẻ; 26/63 tỉnh, thành phố cấp 280.650 giấy mừng thọ cho người cao tuổi. Sáu tháng đầu năm, cả nước kết nạp 250.000 hội viên mới. Trung ương đã xét tặng 3.214 kỷ niệm chương; 649 bằng khen cho các tập thể, cá nhân có đóng góp cho hội và người cao tuổi.
Công tác bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi được quan tâm thực hiện. Các địa phương đã tích cực tổ chức hoạt động mừng Đảng, mừng xuân; thăm hỏi, tặng quà các cụ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức trao “Mái ấm tuổi già” cho người cao tuổi. Các địa phương đã chủ động, kịp thời tổ chức trao tặng quà Tết hỗ trợ người cao tuổi khó khăn từ các nguồn vận động bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Các cấp hội tại địa phương đã thăm hỏi tặng quà cho trên 1 triệu người cao tuổi với tổng số tiền trên 287,7 tỷ đồng. Hội người cao tuổi các địa phương đã phối hợp tổ chức chúc thọ, mừng thọ, tặng quà của Chủ tịch nước tới người cao tuổi. Tết Nguyên đán Giáp Thìn cả nước có 1.3 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ; 11.098 cụ tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng quà và trao thiếp mừng thọ. Các cấp hội đã duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình câu lạc bộ; tổ chức giải thể thao, bóng chuyền hơi thu hút ngày hội viên tham gia. Phối hợp với ngành y tế, vận động các đơn vị, nhà hảo tâm tổ chức các đợt khám chữa bệnh, thực hiện Chương trình mắt sáng, tặng máy huyết áp cho người cao tuổi; thực hiện quy trình theo dõi, thăm khám sức khỏe, lập hồ sơ chăm sóc ban đầu cho người cao tuổi; đề xuất hỗ trợ người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế…
Để phát huy vai trò của người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay, Trung ương Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; biểu dương phụ nữ cao tuổi tiêu biểu trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc từ cơ sở để động viên, khen thưởng kịp thời, phát huy vai trò, gương mẫu, tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị, bảo vệ an ninh tổ quốc tại địa phương của người cao tuổi. Các tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức hoạt động để người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người cao tuổi bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đóng góp trên 500.000 ngày công, hiến hơn 600.000 m2 đất làm đường giao thông; góp gần 100 tỷ đồng xây dựng trường học, trạm y tế…
PV