Kinh nghiệm Cộng hòa Liên bang Đức về thích ứng với vấn đề già hóa dân số

Già hóa dân số là vấn đề toàn cầu

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, trong khi các điều kiện cơ bản bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi còn nhiều hạn chế. Sau Hội thảo khoa học về “Già hóa dân số ở Việt Nam - thực trạng, giải pháp và thích ứng chính sách” (do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức ngày 10-4-2024), đã được các cơ quan tham mưu, các cơ quan quản lý, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế quan tâm vấn đề này. Một số nội dung được chắt lọc qua Hội thảo đã được trình các cấp có thẩm quyền, truyền tải vào nội dung phù hợp trong dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Chiến lược quốc gia về người cao tuổi…

Nhằm tiếp tục tìm kiếm thông tin bổ ích từ lý luận và thực tiễn để tham mưu, đề xuất giải pháp với Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách kịp thời, ứng phó có hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại với các nội dung học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế về thích ứng với già hóa dân số. Năm 2023, Trung ương Hội đã tổ chức Đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm tổ chức mô hình chăm sóc người cao tuổi, phát huy nguồn lực người cao tuổi. Tháng 9 năm 2024, Trung ương Hội cử đại diện lãnh đạo Hội tham dự và phát biểu tại Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về già hóa dân số; cử Đoàn công tác tới Cộng hòa Liên bang Đức, nghiên cứu, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác liên quan về chính sách an sinh xã hội trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.

TS. Phan Văn Hùng, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác, tặng Biểu trưng Hội Người cao tuổi Việt Nam cho đơn vị đào tào kĩ năng cho người cao tuổi tại Berlin, Đức.

TS. Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác, tặng Biểu trưng Hội Người cao tuổi Việt Nam cho đơn vị đào tào kĩ năng cho người cao tuổi tại Berlin, Đức.

Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia có dân số già vào hàng đầu ở châu Âu. Theo Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatic), năm 2023, dân số Đức ước tính khoảng 84,7 triệu người. Trong đó, số người dưới 20 tuổi là khoảng 15,9 triệu (chiếm 18,8%); số người từ 60 đến 80 tuổi là khoảng 19,1 triệu người (chiếm 22,6%); số người trên 80 tuổi là khoảng 6,1 triệu người (chiếm 7,2%). Cứ 8 người tại Đức lại có 1 người trên 60 tuổi. Tuổi thọ trung bình của người Đức cả nam giới và nữ giới tiếp tục tăng, hiện tại là khoảng 81 tuổi đối với nam và 84 tuổi đối với nữ. Tỷ lệ sinh giảm mạnh; tuổi thọ kéo dài; tỷ lệ người cao tuổi tại Đức ngày càng cao. Chính phủ Đức khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Quốc hội Đức đã thông qua cải cách về Luật Lao động, theo đó tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67 tuổi, bắt đầu từ năm 2020 đến 2030; dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 69 tuổi trong những năm tiếp theo.

Chính sách an sinh xã hội ở Đức được xây dựng linh hoạt và là động lực cho tăng trưởng kinh tế cũng như tiến bộ xã hội, tạo thành đặc trưng của mô hình nhà nước phúc lợi riêng biệt, dựa vào nguyên tắc phân phối lại thu nhập trong đó mọi người dân đều được hưởng trợ giúp tối thiểu nhằm nâng cao mức sống và giảm phân hóa giàu nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp an sinh xã hội thông qua hệ thống bảo hiểm và trợ cấp xã hội.

Chính phủ Đức tài trợ rất nhiều kinh phí cho các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm nhẹ áp lực cho công tác chăm sóc người cao tuổi, ví dụ như hệ thống thiết bị phát hiện tình trạng khẩn cấp tự động dành cho người già neo đơn. Thiết bị gồm chiếc hộp với ca-me-ra 3 chiều hoạt động linh động như mắt côn trùng và chỉ hoạt động khi có ai đó té ngã. Khi phát hiện sự cố, máy giám sát sẽ gửi tin nhắn cảnh báo người chăm sóc đối tượng.

Cộng hòa Liên bang Đức nổi tiếng với hệ thống an sinh xã hội cực kỳ tốt thuộc hàng đầu thế giới, đi kèm là mức đóng bảo hiểm rất cao với 40% thu nhập trước thuế của mỗi người lao động, trong đó người lao động đóng 1/2 và doanh nghiệp đóng 1/2. Thu nhập trước thuế của mỗi người sẽ bị khấu trừ khoảng 20% cho các khoản bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán cho tất cả các điều trị y tế cần thiết khẩn cấp nhất.

Tại các trung tâm người cao tuổi sẽ được chia thành các khu chăm sóc riêng. Tại đây người cao tuổi có thể lựa chọn các dịch vụ chăm sóc khác nhau. Có thể ở nội trú hoặc bán trú (sáng đến, chiều về nhà). Trong khu vực nội trú chia thành các khu khác nhau (từ chăm sóc thường đến hỗ trợ chăm sóc đặc biệt).

Chính phủ Đức quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề chất lượng trong các trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Vì vậy các trung tâm chăm sóc người cao tuổi muốn thành lập và đưa vào hoạt động phải đạt các tiêu chuẩn và quy định của Chính phủ.

Một số kinh nghiệm

Từ những thông tin ban đầu nêu trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm cần tham khảo, vận dụng vào công tác tham mưu, đề xuất chính sách thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam:

Tính chủ động chuẩn bị điều kiện tài chính ngay từ khi còn trẻ để có tài chính sống lúc về già. Nhà nước có chính sách vĩ mô về thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người dân, lấy khoản phí khi còn trẻ làm nguồn tài chính hợp pháp, bảo đảm an sinh xã hội cho công dân lúc về già được thụ hưởng quyền tư vấn, chăm sóc tại các cơ sở dưỡng lão, trong trường hợp người thân có thể đảm nhiệm việc chăm sóc cha mẹ, ông bà, thì sẽ được nhận khoản tiền bảo hiểm theo qui định. Do vậy, người cao tuổi khi vào các cơ sở dưỡng lão sẽ không bị áp lực nhiều, vì đã có khoảng 30% phí được bảo hiểm xã hội chi trả. Trường hợp người cao tuổi phải bù bằng lương hưu hoặc gặp khó khăn thì có thể xin nhà nước trợ cấp.

Tôn trọng quyền dân chủ, tự quyết định theo luật pháp để người cao tuổi được thụ hưởng sự chăm sóc của xã hội, không bị bỏ rơi, không bị đứng ngoài rìa xã hội. Theo đó, người cao tuổi được phép ủy quyền cho người thân có tư cách hợp pháp trước pháp luật, gia đình, cộng đồng xã hội để kết nối với cơ sở dưỡng lão, thực hiện các công việc bảo đảm ý nguyện được chăm sóc, được chuyển quyền thừa kế gia sản. Điều này sẽ giúp cho người cao tuổi thực hiện quyền con người lúc còn đủ minh mẫn, tránh được sự vô định lỡ không may bị bệnh tật, mất khả năng tự quyết bản thân. Khi được nhận vào cơ sở dưỡng lão, người cao tuổi được lựa chọn mức độ phù hợp (bán trú hoặc nội trú); tự quyết định trang trí, sắp xếp đồ vật theo sở thích cá nhân trong phòng riêng của mình.

Quan tâm chăm sóc cả vật chất và tinh thần cho người cao tuổi tại cơ sở dưỡng lão. Về đời sống vật chất, cơ sở dưỡng lão chú ý rất tỷ mỉ tới chế độ dinh dưỡng, sở thích cá nhân của từng người. Về đời sống tinh thần, cơ sở dưỡng lão chú ý tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí (hội họa, âm nhạc, đánh cờ), kể cả đọc báo, tổ chức một số cuộc thi mang tính giải trí. Điều này cho thấy, người cao tuổi tuy không còn gắn bó với cuộc sống bên ngoài xã hội như khi còn trẻ, song vẫn cần được chăm lo đời sống tinh thần, nhất là níu kéo hồi ức, tạo tâm lý hưng phấn, để sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Do đó, trong chăm sóc người cao tuổi cần nắm được tâm lý của các cụ.

Kết hợp hài hòa giữa công và tư trong đầu tư, xây dựng, vận hành hoạt động cơ sở dưỡng lão. Nhà nước có cơ chế chính sách ưu tiên quĩ đất, thuế, bảo hiểm an sinh xã hội, dành nguồn lực cho cơ sở chăm sóc người cao tuổi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi đúng pháp luật tại các cơ sở dưỡng lão. Tổ chức xã hội mang tính tư nhân đủ điều kiện theo qui định của Nhà nước thì được mở hệ thống cơ sở chăm sóc người cao tuổi, mỗi loại hình (bán trú, nội trú) đều phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở, vật chất, môi trường, nhân lực qua đào tạo, có sự kết nối với cơ sở y tế…

Cần quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, các chính sách hỗ trợ việc làm để phát huy vai trò, đóng góp của người cao tuổi sau khi nghỉ hưu hoặc hết tuổi lao động. Đây là bài học kinh nghiệm tốt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách y tế liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở Việt Nam.

Những kinh nghiệm liên quan tới vấn đề thích ứng với già hóa dân số ở Cộng hòa Liên bang Đức có thể tham khảo, vận dụng vào công tác Hội Người cao tuổi Việt Nam trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi nước ta trong thời kỳ mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất