Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Ca dương tính Covid-19 ngoài cộng đồng đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh vào ngày 31-1-2021. Tính đến 17h00 ngày 22-7-2021, toàn tỉnh đã xảy ra 4 đợt dịch, với 5.414 ca mắc Covid-19 (trong đó 33 ca nhập cảnh và 5.374 ca lây nhiễm trong cộng đồng); chỉ tính riêng từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay), tỉnh đã ghi nhận 5.368 ca mắc ở 9/9 địa phương trên địa bàn.
Hiện tỉnh có 11 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với 3.498 người (trong đó có 44 phụ nữ mang thai, 38 người trên 65 tuổi, 72 người có bệnh lý nền, 94 người có diễn biến nặng), các ca nhiễm mới đang được điều phối sang các khu điều trị, đã có 360 người đã được điều trị khỏi bệnh xuất viện và 13 người tử vong do Covid-19; kết quả truy vết các ổ dịch ghi nhận khoảng 12.833 trường hợp F1, 33.723 trường hợp F2, hiện còn 11.945 người đang cách ly tập trung, 25.321 người đang cách ly tại nhà.
Tỉnh đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho gần 1,8 triệu người. Từ ngày 14-6-2021 đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện những ca dương tính tại nhiều công ty đan xen với các khu nhà trọ đông công nhân lưu trú; những ca bệnh này được phát hiện tập trung chủ yếu ở 46 ổ dịch/chuỗi lây nhiễm có nguồn lây từ các ổ dịch tại TPHCM với biến chủng vi rút Delta, trong đó có 4 ổ dịch đã được kiểm soát; 42 ổ dịch hiện chưa được kiểm soát, 20 ổ dịch trong tỉnh, 10 ổ dịch lây lan thứ phát có nguồn lây từ các ổ dịch tại TPHCM và 12 ổ dịch chưa rõ nguồn lây qua test nhanh tại các cơ sở y tế.
Đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid -19 tỉnh Bình Dương trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí tại buổi họp báo.
Công tác triển khai các biện pháp và huy động nguồn lực
Tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, 2 đồng chí Phó Bí thư làm Phó Trưởng ban, thành lập 7 tiểu ban và 1 Trung tâm Xử lý thông tin và ra mệnh lệnh chỉ huy phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; Thường trực Ban Chỉ đạo giao ban 2 lần/ngày và thường xuyên phối hợp với Tổ công tác của Bộ Y tế trong việc đề ra các giải pháp phòng, chống dịch; Đồng thời chỉ đạo siết chặt, quản lý đối với các địa phương đang có các ổ dịch bùng phát, các khu vực phong tỏa có nguy cơ cao và tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh trong 14 ngày theo Chỉ đạo của Thủ tướng, kể từ 00 giờ ngày 19-7-2021 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tỉnh có kế hoạch đảm bảo việc cung ứng và ổn định giá cả các hàng hóa thiết yếu, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.
Về công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp: Chỉ cho phép các doanh nghiệp được hoạt động sản xuất - kinh doanh khi đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch theo phương châm: “3 tại chỗ” , “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đến ngày 22-7-2021, có 3.084 doanh nghiệp đăng ký thực hiện, với gần 369 nghìn lao động đăng ký làm việc.
Về huy động các nguồn lực tham gia phòng, chống dịch: UBMTTQVN tỉnh đã huy động hỗ trợ từ xã hội với tổng giá trị gần 255 tỷ đồng, trong đó: có gần 122 tỷ tiền mặt và hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch trị giá khoảng 133 tỷ đồng.
Về năng lực cách ly y tế tập trung: Tỉnh hiện có 88 cơ sở, khả năng đáp ứng khoảng 50.000 giường và có tiếp tục mở rộng lên 100.000 giường. Trước tình hình ca bệnh và số F1 đang tiếp tục tăng, nhất là tại các công ty, doanh nghiệp, do đó tỉnh đã thực hiện triển khai cách ly F1 ít nguy cơ tại nhà và cách ly ngay tại công ty/nhà máy nếu đủ điều kiện theo quy định.
Về năng lực xét nghiệm: Tỉnh hiện có 12 máy RT-PCR, với năng lực xét nghiệm 8.000 mẫu đơn/ngày (tương đương 80.000 mẫu gộp 10/ngày) và đang vận động thực hiện xã hội hóa xét nghiệm với doanh nghiệp có năng lực (Công ty Việt Á) để nâng lên trên 100.000-300.000 mẫu gộp/ngày; đã thành lập 600 đội lấy mẫu cơ động (tương đương 600 bàn lấy mẫu, mỗi bàn lấy được 300 mẫu/ngày, tối đa 176.000 mẫu/ngày) và đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ y tế, kể cả các cơ sở y tế tư nhân, các trường đào tạo y khoa, sinh viên từ các trường y khoa do Bộ Y tế chi viện (đã tiếp nhận 3 đoàn với 667 người, 10 đội xét nghiệm của Viện Y học dự phòng Quân đội, 4 chuyên gia của Bộ Y tế) để đảm bảo lấy mẫu nhanh có trọng tâm, trọng điểm để khoanh vùng dập dịch nhanh. Thành lập Tổ điều phối điều tra truy vết, khoanh vùng, quy trình lấy mẫu xét nghiệm nhanh phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo thực hiện xét nghiệm hết số mẫu và trả kết quả trong 24 giờ.
Về test nhanh kháng nguyên: với năng lực lấy mẫu tối đa 176.000 người/ngày, có thể test nhanh được cho khoảng 88.000 người/ngày (trên thực tế chỉ lấy được khoảng 30.000/người/ngày để sàng lọc cộng đồng tại tất cả các khu vực nguy cơ cao cho hơn 160.000 người).
Về năng lực điều trị: Số giường trên địa bàn tỉnh hiện đáp ứng điều trị được khoảng 4.000 người (hiện đang điều trị tập trung cho 2.780 bệnh nhân); trong đó: có 2.440 giường của 9 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 được thành lập trước đó và 1.500 giường tại Bệnh viện dã chiến được thành lập tại TP. Thủ Dầu Một và đang xây dựng kế hoạch nâng năng lực điều trị lên 10.000 giường.
Về công tác tiêm phòng: trên cơ sở tiếp nhận nguồn vắc xin do Bộ Y tế phân bổ, tỉnh đã tổ chức tiêm vắc-xin trong 4 đợt cho 67.206 người (trong đó: 63.091 người mũi 1, 4.115 người tiêm mũi 2; thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo tại Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo an toàn. Hiện đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 7 với 21.000 liều do Bộ Y tế phân bổ.
Bệnh viện dã chiến với quy mô 1.500 giường đã được đưa vào hoạt động tại Bình Dương.
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Dự báo tình hình: Trước tình hình dịch bệnh đã xuất hiện những ca dương tính tại nhiều công ty đan xen với các khu nhà trọ đông công nhân lưu trú và đang diễn biến rất phức tạp. Mặc dù đã thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh nhưng với tốc độ lây lan nhanh, nhiều ca bệnh được phát hiện tại cơ sở y tế qua test nhanh tăng lên trong thời gian gần đây, cho thấy nguồn bệnh đã có nhiều trong cộng đồng. Ngành Y tế đang tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên triển khai test nhanh tại các công ty/xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng. Dự kiến trong thời gian tới có thể sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới, có thể lên đến khoảng 15 - 20 nghìn người.
Để đảm bảo các năng lực đáp ứng cho công tác phòng, chống dịch; công tác điều trị bệnh; duy trì sản xuất - kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Lấy mẫu xét nghiệm trong đêm cho người dân ấp Bến Tranh, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng.
Thần tốc hơn nữa trong công tác xét nghiệm diện rộng, điều tra dịch tễ, truy vết, cách ly, lấy mẫu, những nơi nào đã xét nghiệm sàng lọc phải khóa chặt, kiểm soát người ra, người vào; thực hiện trả kết quả xét nghiệm nhanh cho người dân, công nhân lao động không quá 12 giờ. Thực hiện chốt chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những “vùng xanh” an toàn; tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm… để sớm phát hiện, “bóc” ngay F0 ra khỏi cộng đồng. Qua đó, các lực lượng từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ để tập trung khoanh vùng, dập dịch, làm sạch địa bàn, đưa “vùng đỏ” thành “vùng da cam,” xuống “vùng vàng” và nhanh về "vùng xanh" trên bản đồ Covid.
Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu sự phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Khảo sát, đầu tư mở rộng thêm các khu cách ly tập trung đảm bảo 50.000 và mở rộng lên 100.000 giường; bổ sung các khu điều trị bệnh nhân đáp ứng 5.000 giường và nâng lên 15 - 20 nghìn giường để đáp ứng tình hình diễn biến dịch có thể xấu hơn trong thời gian tới; chủ động điều trị F0, cách ly F1 trong phạm vi từng địa phương.
Khẩn trương hoàn thành việc mua sắm bổ sung các vật tư, thiết bị, test, sinh phẩm… đảm bảo đủ yêu cầu ứng phó khẩn cấp để ngăn chặn dịch bùng phát, đầu tư thêm máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thực hiện kết nối lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, đảm bảo cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, ổn định giá cả các mặt hàng thị trường.
Đảm bảo an sinh xã hội, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả đúng đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và chính sách của tỉnh.
Tập trung nâng cao năng lực triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi được Bộ Y tế phân bổ cho tỉnh đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Với dự báo số ca bệnh có thể lên đến 15 - 20 nghìn người, tỉnh Bình Dương cần sự chi viện, hỗ trợ của Trung ương để nâng cao năng lực điều trị, xét nghiệm.
H.Hào