Ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng” và “số phận” gắn với Nghệ sĩ Nhân dân Thái Bảo

Nghệ sĩ Nhân dân Thái Bảo thực hiện MV "Thăm bến Nhà Rồng" tại bến cảng Nhà Rồng vào đầu năm 2020.


“Chỉ sợ như Tây hát chèo”!

Năm 2021, Đảng, Nhà nước có nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng lịch sử. Và chắc chắn mọi hình ảnh, tư liệu về sự kiện quan trọng này đều nhắc nhở đến mỗi người con nước Việt và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới niềm khắc khoải khôn nguôi, trong đó có Nghệ sĩ Nhân dân Thái Bảo. Những ngày này trong căn nhà ở phố Đặng Tiến Đông (Hà Nội), nữ nghệ sĩ lại bâng khuâng những cảm xúc khi lần đầu thể hiện ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng”.

Chị kể, năm 1990, trước thềm cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc, chị rất muốn được thể hiện những ca khúc về Bác Hồ nhưng chưa tìm được ca khúc để đi thi. Mặc dù rất thích bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến hay “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” của nhạc sĩ Trần Hoàn nhưng những bài đó đã “đóng đinh” với tên tuổi người khác và chị nghĩ mình phải tìm một nhạc sĩ nổi tiếng để xin họ bài hát mới tinh. Thế rồi như một điều gì đó mách bảo, chị đã mạo nguội đến gặp nhạc sĩ Trần Hoàn, khi ấy ông đang là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Khi nghe lời đề nghị của Thái Bảo, người nhạc sĩ đáng kính đã trả lời thẳng thừng: “Chú vẫn nghe cháu hát trên ti vi nhiều rồi nhưng cháu hát nhạc nhẹ cơ mà. Tôi có bài hát này mới sáng tác nhưng đậm chất dân ca Nam Bộ, liệu cháu có hát được không?”. Chưa kịp để chị trả lời, nhạc sĩ đã tiếp lời: “Chắc cháu hát bài này như Tây hát chèo ấy”. Quả thật lúc ấy chị như bị “dội một gáo nước lạnh” nhưng vì quá ngưỡng mộ, thần tượng nhạc sĩ nên chị vẫn cảm thấy ấm áp, gần gũi vì câu nói ấy. Và bài hát mới tinh mà nhạc sĩ Trần Hoàn nhắc đến chính là “Thăm bến Nhà Rồng”. Được nhạc sĩ cho bài hát nhưng hát để vừa lòng “cha đẻ” của nó quả thực là một thử thách lớn với chị. Chị đã suy nghĩ mình phải hát thế nào đó để có phong cách riêng, lối hát phải thế nào ra “chất” Thái Bảo, người đã có 16 năm học đàn bầu. Và cuối cùng chị đã chọn cách vừa hát, vừa đánh đàn bầu.

Sau đó chị đã gặp Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh, khi ấy là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) báo cáo và được cô đồng ý sẽ dựng một dàn tốp nữ đệm. Thế nhưng trớ trêu thay, khi đi thi thì chính nhạc sĩ Trần Hoàn lại là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo. Lúc ấy chị rất lo lắng, hát xong mồ hồi vã ra, chạy ra hành lang thì gặp nhạc sĩ từ cầu thang đi lên. Chị vội vã hỏi: “Chú, hôm nay cháu hát thế nào ạ, có được không chú?. Nhạc sĩ chỉ bảo: “Được, cám ơn chị!”. Đến tận bây giờ, dù đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày chị hát “Thăm bến Nhà Rồng” lần đầu tiên nhưng cảm xúc trong chị vẫn chưa hề vơi cạn. Chỉ tiếng nhạc vang lên là tất cả cảm xúc, nỗi nhớ lại tập trung 100% vào bài hát và chị lại thả hồn mình vào nỗi da diết, nhớ mong.

“Làm mới” ca khúc cũ

Gần đây chị đã quyết định làm MV đầu tay về chính ca khúc này để hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ (19-5-1890 - 19-5-2020) như một sự tri ân với khán giả đã yêu mến mình suốt nhiều năm qua. Chị bảo, có rất nhiều bài hát về Bác nhưng chỉ duy nhất bài “Thăm bến Nhà Rồng” nói về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Tuy nhiên, không thể hát lại bản phối cũ của nhạc sĩ Nguyễn Chín, chị đã “đặt hàng” nhạc sĩ Lưu Hà An - một trong những nhạc sĩ phối khí hàng đầu Việt Nam hiện nay, để mang lại sự mới mẻ cho bài hát. Chị đã xác định ngay từ đầu là làm MV về Bác Hồ thì phải thật dung dị, nhẹ nhàng, chân thực, chứ không thể bóng bẩy được. Chị đã ra “đề bài” với nhạc sĩ Lưu Hà An là phải hòa âm phối khí sao cho thật hay, phải mang hơi thở của thời đại để công chúng và đặc biệt là giới trẻ dễ dàng tiếp nhận.

MV đã xây dựng nên một người ca sĩ là nhân vật nhớ lại kỷ niệm thời trẻ với cha mình là một người lính cụ Hồ. Từ kỷ niệm với cha cô, cô đã dẫn dắt sang câu chuyện về Bác ra đi tìm đường cứu nước một cách gần gũi tự nhiên và chân thực. Đó cũng là lần đầu tiên ca sĩ Thái Bảo hát ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng” tại chính nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Tất nhiên con tàu ấy không còn nữa, bối cảnh ấy không còn nữa nhưng mảnh đất đó vẫn ở đây, nơi người thanh niên với bí danh Văn Ba lên tàu rong ruổi cho cuộc hành trình 30 năm trên xứ người. Khi chị hát, rất nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh quây lại xem, họ nói: “Đúng Thái Bảo rồi, nghệ sĩ Thái Bảo rồi”. Cô nhân viên ở Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (bến Nhà Rồng) sau đó có kể lại với chị rằng: “Suốt mấy chục năm qua, Bảo tàng đã mở đĩa bài hát này do Thái Bảo hát, đến nay đã hàng chục cái đĩa rồi”.

Hát về Bác bằng cả con tim và niềm tự hào

Nghe nghệ sĩ Thái Bảo thể hiện ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng” nhiều người cảm nhận rằng thật khó có ai có thể vượt qua được chị, thế nhưng để có được điều đó cuộc đời đã cho chị một cái duyên lớn. Bởi chị may mắn sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An, hơn nữa lại có người cha từng là Giám đốc Khu di tích lịch sử Kim Liên, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, kỉ niệm thiêng liêng thời thơ ấu của Bác, nên từ rất nhỏ trong trái tim của cô bé Thái Bảo đã luôn ngập tràn tình yêu, sự ngưỡng mộ dành cho Bác. Thời ấy hằng ngày mỗi khi đi học về, chị thường vào Khu di tích chơi. Cây ổi trước cửa cùng hàng dâm bụt, cái phản, cái võng trong nhà Bác luôn thân thuộc và trở thành ký ức khó phai mờ trong tâm trí chị.

Thời điểm nghe tin Bác Hồ qua đời, chị quá bé chưa thể hình dung Bác là người thế nào, vĩ đại ra sao. Hình ảnh sâu đậm nhất để tôi biết về Bác đó là hôm thấy ba đi làm về với đôi mắt đỏ hoe, trên ngực ba có gắn một dải băng màu đen. Chị mới hỏi ba, tại sao ba lại khóc. Ba nói: “Bác Hồ mất rồi con ạ”. Chị mới hỏi: “Bác Hồ là ai?”. Ba chị nói: “Bác Hồ là người lãnh đạo cao cả nhất, vĩ đại nhất của đất nước mình”… Thế rồi, những cảm xúc ấy đã được chị gieo vào trong lòng khi chị thể hiện những ca khúc về Bác Hồ một cách chân thành, tình cảm nhất. Trước khi thể hiện ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng”, chị đã từng thể hiện ca khúc “Vào Lăng viếng Bác” (nhạc: Hoàng Hiệp, thơ: Viễn Phương) khi mới 16 tuổi. Bài thứ hai chị hát về Bác, đó là ca khúc “Cung đàn nhớ Bác”, một tác phẩm được nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú sáo trúc Đinh Thìn soạn lời mới trong cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc.

Quả thực Nghệ sĩ Nhân dân Thái Bảo có quá nhiều điều để kể, để tâm sự về Bác trong trí nhớ của một cô bé ngây thơ ngày nào và cả những kỷ niệm trong những lần được hát ca khúc về Bác. Hôm nay xốn xang với ăm ắp nỗi niềm, nghệ sĩ Thái Bảo khẳng định sẽ vẫn hát về Bác bằng cả trái tim và niềm tự hào để tiếp tục bồi đắp niềm tin yêu, đồng thời khơi dậy khát vọng cống hiến cho dân tộc ở mỗi khán giả, nhất là khán giả trẻ tuổi.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất