Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022), nhằm đổi mới và phong phú hơn hình thức sinh hoạt chi bộ, ngày 8-7-2022, Chi bộ Phòng Tổng hợp (Văn phòng Ban) thuộc Đảng bộ Cơ quan Ban Tổ chức Trung ương tổ chức dâng hương, tham quan và sinh hoạt chuyên đề tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022), nhằm đổi mới và phong phú hơn hình thức sinh hoạt chi bộ, ngày 8-7-2022, Chi bộ Phòng Tổng hợp (Văn phòng Ban) thuộc Đảng bộ Cơ quan Ban Tổ chức Trung ương tổ chức dâng hương, tham quan và sinh hoạt chuyên đề tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Chi bộ Phòng Tổng hợp chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Trong không khí thiêng liêng, các đồng chí đảng viên Chi bộ Phòng Tổng hợp đã thành kính dâng hương bày tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc tại đài tưởng niệm Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Chi bộ Phòng Tổng hợp dâng hương tại Đài Tưởng niệm.
Từ năm 2019, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức khai trương hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide) phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước nhằm bảo đảm sự tập trung, riêng tư và không gian nghiên cứu chuyên sâu cho du khách.
Qua 35 điểm thuyết minh, các đảng viên của Chi bộ Phòng Tổng hợp được tìm hiểu đặc điểm kiến trúc và lắng nghe những câu chuyện của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị bắt giam, đọa đầy dưới chế độ hà khắc của nhà tù thực dân.
Vào cuối thế kỷ XIX, nhằm đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Pháp đã tăng cường bộ máy đàn áp bằng cách bổ sung cảnh sát, hoàn chỉnh hệ thống tòa án và xây dựng mạng lưới nhà tù. Trong đó, Nhà tù Hỏa Lò trở thành ngục thất trung ương của hai xứ Trung kỳ và Bắc kỳ; đồng thời là một trong số những nhà tù lớn nhất của Pháp ở Đông Dương.
Trong tận cùng khó khăn, gian khổ, bị tra tấn cả về thể xác và tinh thần nhưng những chiến sỹ cách mạng vẫn nêu cao chí khí cách mạng, tinh thần bất khuất, kiên trung, một lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Nhà tù Hỏa Lò là một di tích lịch sử ghi dấu nhiều đau thương nhưng cũng là “chứng nhân lịch sử” đại diện cho tinh thần bất khuất, kiên cường khi phải đối mặt với nhục hình và cái chết của những chiến sĩ cách mạng.
Từ năm 1964-1973, Nhà tù Hỏa Lò còn là nơi quân dân ta giam giữ tù binh quân sự Mỹ, mà như cựu Trại trưởng tù binh Hỏa Lò Trần Trọng Duyệt đã khẳng định: “Có lẽ trên thế giới này không có nước nào đối xử với tù binh Mỹ tốt như ở Việt Nam. Đó là nhờ truyền thống khoan hồng và nhân đạo đã có hàng nghìn năm của dân tộc ta. Các tù binh chẳng những được ăn tốt mà còn được chăm sóc sức khỏe (cả vật chất và tinh thần) rất chu đáo trong điều kiện thời chiến cho phép”.
Chi bộ Phòng Tổng hợp thăm quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Thông qua buổi sinh hoạt chuyên đề, đảng viên Chi bộ Phòng Tổng hợp được ôn lại truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về giá trị lịch sử của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, một trong những “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới đảng viên và nhân dân cả nước.
Hoạt động ý nghĩa này góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên; tăng cường tinh thần đoàn kết, thống nhất của các đảng viên trong Chi bộ, tạo “khí thế mới, động lực mới” để chuẩn bị, tổ chức thành công đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025.
Hương Giang