Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với TPHCM về tình hình phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực phòng, chống dịch của TPHCMPhát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các lực lượng tuyến đầu đã cống hiến hết sức mình để bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho nhân dân. Đặc biệt, hệ thống chính trị ở cơ sở đã nỗ lực ngày đêm làm việc, vận động người dân tuân thủ phòng chống dịch, chăm lo cho người dân và được nhân dân ủng hộ, đồng thuận. Lãnh đạo TPHCM cũng đã có những quyết định kịp thời, đa dạng, phong phú để phòng chống dịch bệnh, nỗ lực đưa Thành phố sớm trở lại trạng thái bình thường. Bên cạnh đó là có những hoạt động cứu trợ kịp thời, hỗ trợ cần thiết.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao TPHCM đã xây dựng mới 16 bệnh viện dã chiến với quy mô lớn, tổng số giường bệnh có thể lên tới gần 50.000 giường bệnh. Cùng với đó, các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn TPHCM, các bệnh viện tư nhân cũng được huy động vào điều trị. Đó là sự nỗ lực và đồng hành rất lớn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương các địa phương, các ngành đã quan tâm hỗ trợ TPHCM trong thời gian qua. Trong đó, ngành Y tế đã huy động trên 10.000 cán bộ y tế, sinh viên ngành Y Dược phối hợp với TPHCM. Các lực lượng chức năng khác phối hợp, hỗ trợ TPHCM. Hình ảnh các địa phương trong cả nước góp từng mớ rau, quả trứng, đồng tiền, hạt gạo với tình cảm thân thương chia sẻ với TPHCM. Những tấm lòng, nghĩa cử ấy rất đáng trân trọng, thể hiện văn hóa, truyền thống của người Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mục tiêu trước hết, trên hết, quan trọng nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, giảm tối đa số ca tử vong do COVID-19. Cần tập trung mọi nguồn lực để giảm thiểu việc này.
Theo Chủ tịch nước, các quyết sách, chỉ đạo đã đủ, vấn đề cốt lõi là tổ chức thực hiện. Thực hiện không nghiêm, không kiên quyết không giải quyết được vấn đề. TPHCM tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa là cần thiết.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, cần tiếp tục chăm lo hỗ trợ người nghèo không được để trường hợp thiếu đói. Nhà nước, MTTQ, đoàn thể, các tổ chức, đều chung tay, không được để người dân đói, người dân ốm mà không được chăm sóc. Bên cạnh đó là đảm bảo điện, nước, an ninh trật tự; chủ động hơn trong việc đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm về TPHCM phục vụ người dân.
Chủ tịch nước đề nghị TPHCM cần tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm tới tận tay người dân, tổ chức bán hàng lưu động không để ai phải thiếu đói là một yêu cầu quan trọng hiện nay. Phải kỷ luật nghiêm những người vô trách nhiệm. Ngoài tổ COVID-19 tại chỗ cần có thêm bác sĩ tư vấn tại chỗ, mỗi khu phố nên có một số bác sĩ tư vấn cho người dân, tổ chức đường dây nóng hiệu quả tham gia giải đáp người dân…
Liên quan đến việc tăng cường điều trị COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, tổ chức hệ thống giám sát dịch, đặc biệt là tổ COVID-19 cộng đồng, hỗ trợ kịp thời theo cấp độ bệnh, không được để tình trạng người bệnh nặng, báo tin mà không được chính quyền và y tế cơ sở quan tâm, người ốm không được chăm sóc, để giảm tối đa số người tử vong. Đây là một yêu cầu lớn của ngành Y tế, của TPHCM.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, một trong những vấn đề lớn hiện nay là tập trung tài lực, nhân lực, vật lực cho công tác điều trị. Áp dụng điều trị theo mô hình tháp 5 tầng, trong đó, tầng 5 là điều trị ca nặng cần chủ động không để thiếu máy thở, thiếu ô-xy trong bệnh viện. Bên cạnh đó là đa dạng hóa các giải pháp quản lý F0 không triệu chứng, có triệu chứng nhẹ.
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cần triển khai nhanh, nếu chậm là có lỗi với nhân dân
Vấn đề tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cần triển khai nhanh, nếu chậm là có lỗi với nhân dân. Đảng, Nhà nước, ngành Y tế tập trung vắc-xin cho TPHCM. TPHCM phải tận dụng thời gian cách ly xã hội để tiêm vắc-xin an toàn cho người dân. Tới đây vắc-xin tiếp tục về, cần tổ chức thực hiện tốt hơn.
*Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc* |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, TPHCM với truyền thống năng động, sáng tạo sẽ cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nhân chuyến thăm, Đoàn công tác Chủ tịch nước đã tặng TPHCM 103 tỷ đồng và 30 máy thở.
Chủ tịch nước tặng quà cho TPHCM
Cố gắng tối đa không để dịch bệnh lây lan. Tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết
Phát biểu tiếp thu ý kiến, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát, Chủ tịch nước đã luôn theo sát, thường xuyên chỉ đạo, động viên, chia sẻ để lãnh đạo Thành phố tổ chức xem xét quá trình phòng, chống dịch có hiệu quả. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến thăm, động viên, chia sẻ đối với Đảng bộ, chính quyền và người dân TPHCM.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Thành phố nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành Trung ương và cụ thể hóa trong hoạt động của Thành phố. Trong đó, tinh thần như đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh là khi ứng phó với dịch bệnh phải bình tĩnh, cân nhắc mọi tác động trong từng phương án, từng quyết định và luôn đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, cũng như tính đến sức khỏe, sức sống của nền kinh tế TPHCM và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy cho biết, TPHCM cố gắng nỗ lực và với những biện pháp đã, đang chuẩn bị, Thành phố có niềm tin là sẽ vượt qua, thành công trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, TPHCM triệt để thực hiện Chỉ thị 16, cũng có thể là 16+. Cố gắng tối đa không để dịch bệnh lây lan. Đặc biệt, là phải cứu người, hạn chế tối đa tử vong bằng các điều kiện, phương tiện, lực lượng. Đồng chí cho biết Bộ Y tế, các bệnh viện lớn của Trung ương đã có mặt, sẵn sàng chia lửa, tạo mọi điều kiện cho TPHCM. Trong công tác phòng chống dịch, thực hiện tối đa phương châm 5 tại chỗ. Thành phố cũng sẽ huy động các nguồn lực, nhất là những người có chuyên môn ngành y, nhà khoa học, trí thức, nhà tư vấn, nhà nghiên cứu để góp phần hỗ trợ việc phòng, chống dịch cho Thành phố.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu.
Về việc đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc-xin, Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin, Bộ Y tế cho biết sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi đưa vắc-xin về để trong tháng 8 Thành phố quyết tâm khoảng 70% những người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin. Thành phố đã triển khai ngay nội dung này, trong đó đổi mới cách tổ chức thực hiện, huy động các nguồn lực. Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế cũng tăng cường, đặc biệt huy động toàn hệ thống y tế không phân biệt công tư vào việc tiêm vắc-xin, cùng tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Trung ương suốt thời gian qua, cảm ơn các tổ chức tôn giáo, nhà khoa khọc, nhà nghiên cứu khắp nơi, doanh nghiệp luôn sẵn sàng đồng hành, đáp ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Thành phố để chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ cho Thành phố; cảm ơn những nhà thiện nguyện đã tự giác giúp đỡ cho bà con.
Sau ngày 1-8, có thể sẽ tiếp tục áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong 19 ngày thực hiện Chỉ thị 16, bình quân mỗi ngày TPHCM phát hiện hơn 3.300 ca mắc, trong đó phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa. TPHCM đã điều trị khỏi gần 25.200 bệnh nhân, hiện đang điều trị hơn 36.700 bệnh nhân, trong đó có hơn 875 bệnh nhân đang thở máy và 8 bệnh nhân đang can thiệp ECMO. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã điều trị khỏi cho 381 bệnh nhân từ nặng, rất nặng sang nhẹ.
TPHCM cũng đẩy mạnh sản xuất an toàn theo mô hình 3 tại chỗ, với 2.038 doanh nghiệp thực hiện với 100.000 lao động. TPHCM đã công bố 2.833 điểm bán hàng hóa, tổ chức 1.000 điểm bán hàng lưu động, 1.000 điểm bán hàng theo chuỗi cung ứng linh hoạt, 24 mô hình siêu thị 0 đồng,…
TPHCM đã hỗ trợ được 496.000 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với số tiền 572 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ lao động tự do đạt 100%. Cùng với đó, các địa phương cũng hỗ trợ 334 tỷ đồng từ nguồn vận động.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND thành phố
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, từ khi áp dụng Chỉ thị 15, siết chặt theo Chỉ thị 16, tốc độ tăng ca nhiễm bình quân/ngày đã chậm lại, hiện nay chỉ tăng bình quân 1,5 lần/ngày so với lúc áp dụng Chỉ thị 15 (hơn 6 lần bình quân/ngày). Dù tốc độ chậm lại, tuy nhiên, số tuyệt đối ca mắc hằng ngày vẫn lớn do dịch đã lây lan sâu vào cộng đồng. Do đó, để kiểm soát được dịch có thể mất hằng tháng, nên có thể sẽ tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, sau ngày 1-8.
PV