Người dân sống tại TPHCM không có hộ khẩu Thành phố vẫn được tiêm vắc-xin trong đợt 6

Đồng chí Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trị buổi Họp báo

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM

Đồng chí Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, so với 2 ngày trước, tình hình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố không có nhiều thay đổi. TPHCM đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh và kiên quyết. Theo đó, việc quan trọng nhất của Thành phố hiện nay là làm sao thực hiện thật nghiêm các quy định mà Thành phố đã ban hành và các chỉ đạo mới nhất của Trung ương.

Hiện nay, số ca F0 tại TPHCM đang đi ngang đúng như dự báo. Nếu thực hiện nghiêm các quy định, cộng thêm sự hợp tác đầy đủ của người dân, sự nỗ lực của các lực lượng thì tình hình dịch bệnh tại Thành phố sẽ sớm ổn định và có chuyển biến tích cực. Do đó, lãnh đạo Thành phố mong người dân chia sẻ, chung sức, nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.

Sau khi UBND thành phố ban hành Công văn số 2468/UBND-VX ngày 23-7 về việc tăng cường các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Chỉ thị số 12/CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Thành phố đã có một loạt văn bản hướng dẫn và cụ thể hóa các quy định của văn bản này. Các văn bản hướng dẫn giúp lực lượng chức năng và người dân thực hiện nghiêm các quy định, tránh những phiền toái không đáng có.

Cùng đồng hành với Thành phố, đã có rất nhiều sáng kiến đóp góp trong công tác phòng, chống dịch hiện nay. Để hỗ trợ người nhiễm COVID-19 không triệu chứng có thể tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, Thành phố đã tiếp nhận sáng kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia, triển khai mạng lưới tư vấn gồm chuyên gia y khoa, y bác sĩ, người có kiến thức về ngành y để tư vấn việc cách ly tại nhà từ xa thông qua hệ thống tổng đài của Trung ương và địa phương.

Các tình nguyện viên đang sinh sống trên địa bàn Thành phố cũng được huy động để thăm khám, hướng dẫn, giúp người dân có thể tự chăm sóc sức khoẻ khi cách ly tại nhà.

Người dân sống tại TPHCM nhưng không có hộ khẩu tại Thành phố đều được tiêm vắc-xin

Liên quan đến vấn đề tiêm vắc-xin, đồng chí Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, tối 29-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công văn số 6118 về việc tiêm vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại TPHCM. Trong đó, Bộ Y tế đã cho phép Thành phố tháo gỡ một số vướng mắc để tăng tốc tốc độ tiêm vắc-xin.

Thành phố sẽ ban hành văn bản hướng dẫn để lực lượng tiêm vắc-xin có thể triển khai. Trong đó, việc tổ chức tiêm không phụ thuộc vào các đối tượng mà cần phủ nhanh, tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại TPHCM nhưng không có hộ khẩu tại Thành phố đều được tiêm chủng, ưu tiên tiêm trước cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp mắc bệnh lý nền.


Tiêm vắcxin cho đối tượng là người già trên 65 tuổi tại các bệnh viện tuyến trên

Sau khi hoàn thành việc tiêm vắc-xin đợt 5 với 930.000 ngàn liều, Thành phố tiến hành cho đợt tiêm thứ 6 tiếp theo trong tháng 8, Thành phố đặt mục tiêu trong tháng 8 cơ bản phủ được 2/3 đối tượng trên 18 tuổi tại Thành phố. Để làm được điều nay, cần khoảng 5 triệu liều vắc-xin trong tháng 8. Ngoài nguồn vắc-xin do Bộ Y tế phân bổ, Thành phố còn thêm nguồn vắc-xin đến từ các nhà tài trợ.

Từ đợt tiêm thứ 5 trở đi, vai trò chủ chốt của công tác tiêm chủng vắc-xin đã được giao cho các quận - huyện, TP. Thủ Đức. Sở Y tế chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực, hướng dẫn các quy định cụ thể để các lực lượng, các điểm tiêm đảm bảo an toàn cho người dân và duy trì, quản lý các điểm tiêm tại các bệnh viện tuyến trên, phục vụ cho một số đối tượng tiêm chủng đặc biệt. 

Ngoài các hệ thống bệnh viện cấp huyện và tương đương, các đối tượng trên 65 tuổi được tiêm tại bệnh viện tuyến trên và điểm tiêm bên ngoài đảm bảo năng lực.

Về việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố

Theo đồng chí Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, các địa phương đang vào mùa thu hoạch, nguồn hàng dồi dào, cần tiêu thụ, nhưng việc vận chuyển từ các địa phương về TPHCM lại đang gặp khó khăn, dẫn đến việc tại Thành phố bị thiếu hụt một số mặt hàng.

Về việc này, các bộ, ngành, địa phương đã có các chỉ đạo để điều chỉnh, giải quyết, tuy nhiên mức chi phí vận chuyển vẫn còn cao, dẫn đến giá cả hàng hóa cao hơn so với trước đây.


Đồng chí Nguyễn Nguyên Phương  - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM phát biểu

Thực tế hiện nay, vấn đề lớn nhất của Thành phố là số lượng kênh phân phối và điểm bán để cung ứng và đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Trên địa bàn Thành phố hiện có 27/239 chợ đang hoạt động, chủ yếu ở vùng ven ngoại thành, các chợ nội thành hầu như ngưng hoạt động. Áp lực mua sắm của người dân dồn lên kênh phân phối hiện đại.

Sở Công thương đề xuất tăng cường xây dựng các phương án mở lại điểm bán lương thực thực phẩm, thiết yếu tại chợ truyền thống với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Với mô hình mẫu đang triển khai, Sở Công thương đánh giá đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Do đó, sở đang tích cực triển khai và đôn đốc các quận, huyện triển khai theo mô hình thí điểm này.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất