Công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM trong 24 giờ qua

Đồng chí Phạm Đức Hải - Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM.

Số bệnh nhân nhập viện còn cao hơn số bệnh nhân xuất viện

Đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, 18 giờ 00 ngày 23-9-2021, có 359.245 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 358.766 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 479 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 40.504 bệnh nhân, trong đó có 3.799 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.037 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 23-9 có 3.591 bệnh nhân nhập viện, có 3.260 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 183.471), 140 trường hợp tử vong trong ngày, giảm hơn so với ngày 22-9 (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 14.124).

Về xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 22-9-2021 đến 18 giờ 23-9-2021, Thành phố đã lấy 1.108.297 mẫu, trong đó có 5.161 mẫu đơn và 2.104 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 1.099.916 mẫu.

Thành phố lên kế hoạch mua 300.000 túi thuốc A, B, C.

BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, để điều trị cho người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định (F0 cách ly tại nhà), Thành phố đã lên kế hoạch mua 300.000 túi thuốc A, B, C. Trong đó, túi thuốc A gồm thuốc hạ sốt và nâng cao thể trạng, túi thuốc B gồm các loại thuốc kháng viêm và kháng đông, túi thuốc C là thuốc kháng vi-rút.

Thời gian qua, các bệnh viện được Thành phố giao cho đấu thầu để mua túi thuốc A, B. Trong giai đoạn 1 đã mua được 100.000 túi thuốc A, B. Giai đoạn 2 chia làm 2 đợt, mỗi đợt mua 100.000 túi. Ở giai đoạn 2 sẽ căn cứ vào số lượng F0 thực tế để mua số lượng cho phù hợp. Ngoài ra, có thêm nguồn từ các doanh nghiệp Mạnh Thường Quân tặng cho Thành phố là trên 50.000 túi thuốc.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Huỳnh Mai, hiện Thành phố đã phân bổ hơn 160.000 túi thuốc A, B về cho các trung tâm y tế để phân phối về trạm y tế lưu động. Qua theo dõi cho thấy, có 113.000 túi được trao tới tay F0.

Đối với túi thuốc C, Thành phố đã đã tiếp nhận từ Bộ Y tế trên 30.000 túi, phân bổ về các địa phương hơn 19.000 túi, trao tới tay F0 trên 12.000 túi. Ngoài ra, đã phân bổ về các bệnh viện hơn 12.000 túi, trong đó đã sử dụng 3.720 túi.

Cũng theo BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chủ trương cho F0 đủ điều kiện được cách ly tại nhà là một chủ trương đúng đắn của Thành phố được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, ở các địa phương như Cần Giờ, số F0 được cách ly tại nhà còn thấp hơn số F0 cách ly tập trung, lý giải việc này, BS. Mai cho biết: vì Cần Giờ là vùng quê, nhà thường không có phòng riêng, nên F0 không đủ điều kiện để cách ly tại nhà.

BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM trả lời báo chí.


95% người trên 18 tuổi tại Thành phố đã tiêm mũi 1 

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) thành phố Nguyễn Hồng Tâm cho biết, tổng số mũi vắc-xin đã triển khai tiêm đến ngày 23-9-2021 là 9.068.788 (tăng 86.512 mũi vắc-xin so với ngày 21-09-2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.790.745, mũi 2 là 2.278.043, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.062.379.

Như vậy, tỷ lệ số người trên 18 tuổi tại Thành phố đã tiêm mũi 1 đạt trên 95%. Tính trên tổng dân số thì tỷ lệ phủ mũi 1 đạt khoảng 75%, tỷ lệ phủ 2 mũi đạt trên 25%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Tâm, để đạt được miễn dịch cộng đồng thì phải tính số liệu vắc-xin bao phủ trên số người đã tiêm 2 mũi.

Về khả năng cung ứng vắc xin, ông Tâm cho biết ngày 23-9, HCDC đã nhận được 600.000 liều vắc-xin do Bộ Y tế cấp, trong kho của HCDC hiện còn trên 1 triệu liều vắc-xin các loại, chưa kể các kho của các đơn vị vẫn còn dư.

Như vậy, có thể đảm bảo đủ vắc-xin cho những người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca mũi 1 chuẩn bị tiêm mũi 2 sau 6 tuần, ông Tâm khẳng định.

Ngoài ra, ông Tâm cũng cung cấp thêm thông tin về 8 loại vắc-xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, gồm: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Vắc xin Spikevax (Tên khác là Moderna), vắc-xin Janssen, vắc-xin Hayat-Vax và vắc-xin Abdala.

Trong đó, ông Tâm lưu ý, riêng với vắc-xin Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất chỉ sử dụng 1 liều duy nhất.

Tiêm vắc-xin cho người dân tại TP.HCM.


Giao việc xét nghiệm shipper cho các doanh nghiệp quản lý shipper thực hiện

Theo đó, các doanh nghiệp tổ chức phát các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho lực lượng shipper để các shipper tự xét nghiệm theo nguyên tắc mẫu đơn hoặc mẫu gộp ba người với tần suất 3 ngày/lần. Sau khi có kết quả xét nghiệm, các shipper gửi kết quả cho doanh nghiệp quản lý để xác nhận thông tin và cập nhật dữ liệu lên Kho Dữ liệu dùng chung của Thành phố theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để liên thông dữ liệu với Công an thành phố, Sở Công thương và các đơn vị chức năng để phối hợp trong công tác kiểm tra.

Trong trường hợp phát hiện các doanh nghiệp chưa đảm bảo việc thực hiện theo điều kiện quy định hoặc có thông tin phản ánh qua báo chí, truyền thông, Sở Công thương sẽ thực hiện ngay biện pháp tạm ngưng hoạt động của các ứng dụng giao hàng bằng công nghệ của các doanh nghiệp có đăng ký với Sở Công thương và có văn bản thông báo với Công an thành phố và các cơ quan chức năng về việc ngưng hoạt động của các ứng dụng giao hàng bằng công nghệ do doanh nghiệp cung cấp.

Thông tin thêm tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông Từ Lương cho biết, tính đến 10h30 ngày 24-9, đã có 30-34 doanh nghiệp nhập dữ liệu xét nghiệm lên Kho Dữ liệu dùng chung của Thành phố, trong đó có 18.600 kết quả xét nghiệm của shipper đã được cập nhật đầy đủ các trường thông tin lên hệ thống.

3 chợ đầu mối chỉ làm nhiệm vụ trung chuyển

Lý giải về việc hàng hóa tại các điểm trung chuyển của 3 chợ đầu mối tập kết về có số lượng ít, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho rằng nguyên nhân chính là do thị trường đầu ra của hàng hóa. Trên thực tế, 3 chợ đầu mối của TP.HCM thực hiện nhiệm vụ chính là nhập/xuất hàng cho hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố. Các mối mua hàng tại đây và về bán lẻ ở chợ tự phát, cửa hàng tạp hóa. Đến thời điểm này khi các chợ truyền thống và hầu hết các loại hình kinh doanh vẫn chưa hoạt động trở lại đã khiến cho thị trường đầu ra của hàng hóa tại các điểm tập kết giảm đi.

H.Hào



Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất