Đà Nẵng: Cung ứng lương thực, thực phẩm phù hợp tình hình mới về phòng, chống dịch bệnh

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (trái) và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 chiều 25-8.

Đảm bảo lương thực cho hộ khó khăn và thay đổi phương thức cung ứng hàng hóa 

Trên địa bàn thành phố có 75 chợ. Nguồn cung hàng hóa chính về cá, rau củ quả, thịt của các chợ trên địa bàn thành phố chủ yếu từ cảng cá Thọ Quang, chợ Đầu mối, lò mổ Đà Sơn.

Do đó, khi xuất hiện các ca nhiễm tại Cảng cá Thọ Quang, chợ Đầu mối, lò mổ Đà Sơn, Thành phố đã khoanh vùng, truy vết và phát hiện hàng loạt ca nhiễm liên quan đến các địa điểm này.

Chính vì vậy, Thành phố đã ban hành Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14-8-2021 thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về phòng, chống dịch COVID-19 với yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó”, trong đó tạm thời đóng cửa các chợ truyền thống.

Chuẩn bị cho đảm bảo giãn cách xã hội ở mức độ cao, Thành phố đã làm việc với các đơn vị đầu mối, cung ứng để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa đối với những mặt hàng thiết yếu trong thời gian dài, trong đó, thực phẩm khô gồm gạo, trứng, mì tôm, muối, mắm…, thực phẩm tươi sống gồm thịt, cá, rau củ quả. 

Hàng ngàn tấn rau, củ quả từ nguồn tài trợ đã kịp thời vận chuyển đến Đà Nẵng và chuyển đến tận tay các hộ dân. 30.000 hộ nghèo, cận nghèo, yếu thế, không có thu nhập, khó khăn, Thành phố đã hỗ trợ trực tiếp lương thực, thực phẩm cơ bản đến từng hộ.

Để bảo đảm nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân, hiện nhiều quận đã triển khai các điểm bán hàng lưu động đến tận khu dân cư.

“Ngày 22-8, Thành phố đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ người dân với tổng kinh phí 91,032 tỷ đồng để mua hàng hóa thiết yếu hỗ trợ cho 50 ngàn hộ dân, hỗ trợ rau, củ, quả cho toàn người dân thành phố và kinh phí cho các quận, huyện chủ động hỗ trợ bằng hàng hóa thiết yếu hoặc bằng tiền mặt cho 92.064 hộ dân với mức 500 ngàn đồng/hộ. 

Cũng trong ngày 22-8, Thành phố phê duyệt phân bổ gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, với tổng khối lượng trên 1.630 tấn gạo. Theo đó, trung bình một hộ khó khăn được phân bổ 15kg gạo/nhân khẩu”.

Trong thời gian thực hiện giãn cách, việc mua lương thực, thực phẩm của người dân được thực hiện thông qua ban điều hành khu dân cư để đặt hàng các siêu thị, chuỗi cung ứng. 
 
Trên thực tế, lâu nay thói quen của đa số người dân chủ yếu đi chợ tại các chợ truyền thống để thực phẩm được tươi, ngon với mức lượng mua đủ dùng hàng ngày hoặc vài ngày và mua sắm lương thực, thực phẩm khác tại các quầy tạp hóa.

Trong khi đó năng lực cung ứng của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các đơn vị phân phối trong điều kiện bình thường chỉ đáp ứng tối đa 25-30%. Mặt khác, mặt bằng giá cả cao hơn chợ truyền thống, nên chỉ phù hợp với phân khúc khách hàng ít có thời gian đi chợ, thu nhập ổn định, đa phần mua 1 lần để sử dụng trong 1 tuần. Cạnh đó, điều kiện phục vụ của chuỗi cung ứng, các siêu thị bị hạn chế do phải bảo đảm yêu cầu của công tác phòng, chống dịch (lượng nhân viên, số lượng phương tiện vận chuyển bị hạn chế, làm việc “3 tại chỗ”…).

Trong bối cảnh người dân không được ra đường, áp lực mua lương thực, thực phẩm càng dồn về ban điều hành dân cư. Chính vì vậy, các ban điều hành dân cư cũng khó đáp ứng hết được các yêu cầu, thói quen tiêu dùng giống như hàng ngày của từng hộ dân. Điều này đã đến những trở ngại trong việc đi chợ và tình trạng quá tải của các chuỗi cung ứng, siêu thị trên địa bàn thành phố.

Cùng với chuỗi cung ứng, siêu thị, để tăng nguồn cung cho các ban điều hành dân cư, các đơn vị tổ chức hàng loạt điểm bán hàng lưu động tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố.

Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại thành phố phối hợp với các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn thiết lập các điểm bán và thời gian phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân từ ngày 12-8.

Điểm bán hàng lưu động được các đơn vị cung ứng mở tại khu dân cư để cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Tại quận Cẩm Lệ cũng đã tổ chức phiên chợ lưu động bán hàng bình ổn giá tại khu vực đường Yên Thế - Bắc Sơn (phường Hòa An), phường Hòa Thọ Đông. Trong phiên chợ này, quận Cẩm Lệ đã kết nối với doanh nghiệp trên địa bàn cung cấp các mặt hàng cá, tôm, thịt heo, thịt bò, trứng... để cung cấp cho người dân.

Từ ngày 23-8, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Đà Nẵng triển khai điểm bán hàng trợ giá phục vụ người dân tại 33 Nguyễn Duy Hiệu, quận Sơn Trà với nhiều sản phẩm thịt heo, gà, trứng, các sản phẩm đông lạnh… 

Trong ngày hôm qua, 24-8, Hội Doanh nhân trẻ phối hợp với Sở Công thương thành phố Đà Nẵng triển khai các chuyến xe bán hàng lưu động trợ giá cho người dân tại quận Sơn Trà và quận Liên Chiểu, điểm bán hàng nhận đặt hàng thông qua các tổ dân phố để chuyển hàng về tận tay cho người dân với các mặt hàng tươi sống, các sản phẩm dành cho trẻ em (các loại sữa hộp, bánh kẹo, bỉm, tả…), các mặt hàng tiêu dùng (nước rửa chén, nước rửa tay, đồ dùng cho phụ nữ…). 

Thêm nhiều biện pháp đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm

Nhằm tăng cường các nguồn cung hàng hóa, đáp ứng khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân, ngay trong ngày 24-8, Thành phố đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thêm nhiều biện pháp.

Theo đó, Thành phố đã thống nhất cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối được bố trí tối đa 100% số người làm việc; cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) được hoạt động với điều kiện đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.

Đến thời điểm này, các ngành Giao thông, Y tế đã tổng hợp danh sách đơn vị vận tải có ứng dụng công nghệ tham gia vận chuyển giao nhận hàng hóa phục vụ người dân với khoảng 1.000 người, gồm: Công ty TNHH GRAB (ứng dụng Grab); Công ty Cổ phần GOFAST (ứng dụng Now); Công ty CPDV Tức Thời (ứng dụng AhaMove); Công ty Cổ phần Lozi Việt Nam (ứng dụng Loship); Công ty TNHH Fastgo Việt Nam (ứng dụng Fastgo). Các nhân viên giao hàng thuộc 5 đơn vị này được ưu tiên tiêm chủng mũi 1 vắc-xin AstraZeneca, trong quá trình giao hàng phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch. 

Để tăng lượng cung thịt tươi sống cho người dân thành phố, trong tối 24-8, lò mổ Đà Sơn đã được thành phố cho phép hoạt động trở lại với hình thức làm việc "3 tại chỗ", tiêm vắc-xin cho người lao động và xét nghiệm SARS-CoV-2 với phương pháp RT-PCR để đảm bảo phòng dịch.

Chiều 25-8, Công an TP. Đà Nẵng đã đề xuất và được Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố đồng ý để Công an thành phố phối hợp với lực lượng Quân sự và UBND các quận, huyện bố trí vị trí của 30 container do Công an thành phố huy động để bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu bình ổn giá cho nhân dân toàn thành phố theo nguồn hàng hóa do Công an thành phố huy động không thông qua các doanh nghiệp cung ứng, các siêu thị. Dự kiến thời gian chuẩn bị trong 2 ngày và bắt đầu triển khai vào ngày 28-8 tại 30/42 phường trên địa bàn toàn thành phố.

Cùng với đó, các địa phương sẽ cho phép mở tạp hóa khu vực rộng rãi, thông thoáng để đa dạng thêm nguồn cung ứng hàng hóa.


Thực phẩm sau khi mua sẽ được đại diện ban điều hành khu dân cư mang về phát cho các hộ dân.

Ngay sau khi dừng hoạt động các chợ truyền thống, Thành phố đã triển khai xây dựng và tính toán việc khôi phục chợ truyền thống để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh. Hiện tại, sau khi hoàn tất xét nghiệm toàn thành phố lần thứ 3 và có đánh giá cụ thể về tình hình dịch bệnh cụ thể đối với từng khu dân cư, phường, quận, thành phố sẽ quyết định cụ thể mở lại các chợ truyền thống.
 
Theo đó, các chở truyền thống được mở cửa trở lại chỉ bán lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, sẽ ưu tiên mở chợ tại các vùng vàng có nguy cơ ít và vùng xanh. 

Các tiểu thương tham gia bán ở chợ là người sinh sống tại khu vực đó, mỗi mặt hàng không quá 30% tiểu thương tham gia bán, đảm bảo khoảng cách 5-7m giữa các quầy hàng; thực hiện khử khuẩn chợ trước khi hoạt động lại; 100% nhân viên ban quản lý chợ, người lao động, tiểu thương buôn bán tại chợ đã được tiêm 1 mũi vắc-xin, xét nghiệm thực hiện nghiêm 5K và mang kính chắn giọt bắn; có kết quả xét nghiệm ít nhất 2 lần âm tính và thực hiện xét nghiệm 3 ngày/1 lần bằng phương pháp RT-PCR. Người mua hàng tại các chợ là thành viên của ban điều hành khu dân cư và chợ chỉ hoạt động ở một khung giờ nhất định. 

Lực lượng dân quân hỗ trợ ban điều hành khu dân cư mua sắm lương thực thực phẩm cho người dân.

Theo kế hoạch, trong điều kiện dịch tễ cho phép, ngày 27-8, Sở Công thương sẽ cho mở lại chợ Hàn và chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà). Tùy theo tình hình dịch tễ, thành phố sẽ mở lại cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối Hòa Cường.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến với nhiều phức tạp, cùng với sự đồng hành, ủng hộ của người dân, vấn đề đảm bảo lương thực, thực phẩm thiết yếu trên toàn địa bàn thành phố sẽ sớm ổn định, người dân yên tâm “ai ở đâu thì ở đó” để thành phố sớm vượt qua những ngày khó khăn bởi dịch bệnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất