Đoàn y, bác sỹ, lái xe Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng lên đường chi viện TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN.
Vậy mà, lợi dụng sự kiện này, các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước đã “đặt điều”, “xuyên tạc” sự thật trên không gian mạng xã hội, cho rằng: “TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng cửa toàn thành phố”, hay “Từ 0 giờ ngày 9-7, TP. Hồ Chí Minh sẽ giới nghiêm người dân, ngưng tất cả các ngành nghề, cấm người dân di chuyển ra ngoài và kêu gọi người dân mua trữ lương thực”… Đây là những thông tin sai sự thật, vô căn cứ, phủ nhận một cách “sạch trơn” công sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Đảng, Nhà nước và quân, dân ta. Trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhân dân cả nước không chỉ thể hiện sự chung sức, đồng lòng cùng nhân dân miền Nam chống dịch với phương châm: “tiền tuyến kêu gọi, hậu phương sẵn sàng đáp ứng…”, mà còn đặt nhiều hy vọng, gửi trọn niềm tin chiến thắng đại bệnh của nhân dân miền Bắc nơi “Đất thép Thành đồng”.
Chứng kiến hình ảnh đẹp của người dân trên dải đất hình chữ S hướng vào miền Nam ruột thịt, chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần, quyết tâm, đồng lòng đánh bay dịch bệnh COVID-19, mỗi chúng ta lại bồi hồi nhớ lại cách đây hơn 75 năm trước, khi Nam Bộ “rền vang nhịp chân tiến ra trận tiền” chống thực dân Pháp, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ”, đồng thời vào tháng 2-1946, Người trao tặng đồng bào, chiến sĩ miền Nam danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”… cũng là lúc cả nước hướng vào Nam, chia lửa cùng nhân dân “Đất thép Thành đồng” chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ. Đi cùng quân và dân Nam Bộ suốt 30 năm chiến đấu, danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” trở thành biểu tượng kiên cường của Tổ quốc, một hình ảnh bất tử của cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Và hôm nay, cả nước tin tưởng, tinh thần “Thành đồng Tổ quốc” một lẫn nữa được vang lên, trong niềm vui đại thắng chống đại dịch COVID - 19.
Vì vậy, trước làn sóng dịch bệnh lây lan như “vết dầu loang” ở các tỉnh, thành phố phía nam, khi TP. Hồ Chí Minh trải qua hơn 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 19 tỉnh, thành phố phía nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng bắt đầu từ 0 giờ ngày 19-7. Đây là một quyết định khó khăn đối với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương và nhân dân vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với hy vọng sớm đẩy lùi dịch bệnh, chứ không phải như các luận điệu xuyên tạc “ngăn sông, cấm chợ” trên không gian mạng của các thế lực thù địch. Bởi, thực tế, virus SARS-CoV-2 đang hoành hành, lây lan nhanh một cách chóng mặt! Từ một tàn lửa nhỏ đã lan ra thành những đám cháy lớn, tháng 6-2021, thành phố như lên cơn sốt! Từ vài chục ca đến vài trăm ca lây nhiễm xuất hiện, đến nay, con số đó tăng dần theo cấp số nhân, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Dịch bệnh tấn công cả vào các bệnh viện, trung tâm y tế, khu công nghiệp, nhà trọ, các chợ đầu mối… khiến người dân ngỡ ngàng. Người dân lo lắng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố và các quận, huyện cũng như ngành y tế ăn ngủ không yên. Cả hệ thống chính trị đã ưu tiên, phát huy mọi tiềm lực, kề vai sát cánh chống dịch, nhưng virus SARS-CoV-2 vẫn chưa chịu dừng bước!
Đối phó với đại dịch, nhân dân “Đất thép Thành đồng” bên cạnh việc tiếp tục thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, phát huy tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, mỗi làng xã, quận, huyện là một pháo đài chống dịch; “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đồng thời, đề cao biện pháp “Ngăn chặn - Phát hiện - Truy vết - Khoanh vùng - Dập dịch và Điều trị”, nêu cao khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước” thì ở các tỉnh, thành phố phía nam đã và đang thực hiện tốt phương châm “5 tại chỗ”: Nhiệm vụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ; thực hiện khẩu hiệu 5K + vắc-xin, coi vắc-xin là chìa khóa “tối ưu” để dập dịch.
Cùng với sự kiên cường, quyết tâm chống giặc COVID-19 của nhân dân “Đất thép Thành đồng”, Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh và 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 những vẫn bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hoá, không được để người dân thiếu hàng hoá, nhu yếu phẩm; yêu cầu những nơi nào đủ an toàn thì tổ chức sản xuất, không để đứt gẫy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng lao động. Tăng cường làm việc trực tuyến, làm việc tại nhà, cách ly F1 tại nhà, song phải có hướng dẫn, điều kiện, tiêu chuẩn, phương thức phù hợp, an toàn. Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, cùng các tỉnh, thành phố phía nam phòng, chống dịch, song việc tiếp nhận hỗ trợ, chi viện cần có đầu mối chủ trì, điều phối hợp lý, hiệu quả…
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước luôn sát cánh, đồng hành cùng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, vì sức khỏe của nhân dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội cũng chuyển lời động vên, hỏi thăm, chia sẻ và đánh giá rất cao nỗ lực, cố gắng của các tỉnh miền Nam vượt qua khó khăn, thử thách thời gian qua, thực hiện 2 nhiệm vụ - “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó càng tiếp thêm sức mạnh, động lực, niềm tin để miền Nam quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, sớm đưa các tỉnh, thành phố trở lại trạng thái bình thường.
Trên tinh thần, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch và mục tiêu ưu tiên cao nhất lúc này là tập trung kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để miền Nam trở lại trạng thái bình thường, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết; hạn chế tối đa các ca tử vong; thực hiện tiếp cận vắc-xin bình đẳng theo thứ tự ưu tiên được quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ; không để xảy ra tiêu cực, thiếu công bằng, mất trật tự an toàn xã hội, không để đời sống người dân bị đảo lộn nhiều, đồng thời, kêu gọi cả nước chung sức đồng lòng cùng miền Nam chống dịch COVID-19.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ cùng với miền Nam thực hiện phương châm “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo tạo, táo bạo hơn nữa,…”, đánh bay “giặc COVID-19”, từng đoàn nhân viên y tế của các tỉnh miền Bắc, miền Trung hăng hái tình nguyện lên đường vào miền Nam, chi viện nhân lực cho các địa phương tâm dịch. Những chuyến xe chở nhu yếu phẩm gói ghém biết bao tình cảm, sự sẻ chia của đồng bào cả nước cũng đã và đang đến với miền Nam ruột thịt. Giữa lúc “cuộc chiến” với dịch bệnh trở nên cam go, những hình ảnh đẹp về sự hy sinh, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào càng khiến cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng đại dịch càng trở nên mãnh liệt và một niềm tin chiến thắng của cả dân tộc đang đến gần!
Đặc biệt, nếu trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân, đế quốc, những chàng trai, cô gái miền Bắc gác lại sau lưng tất cả lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thì trong cuộc chiến chống đại dịch COVID- 19, những bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang tự nguyện bước vào nơi nguy hiểm nhất, để lại hậu phương cha mẹ già, con thơ… Vì miền Nam ruột thịt, họ đã gạt đi những khó khăn của bản thân để làm nhiệm vụ cao cả của Tổ quốc, vì tính mạng, sức khỏe và sự an toàn của nhân dân… Hình ảnh ấy chính là sự kết tinh và tỏa sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Phút giây tạm biệt người thân lên đường nhận nhiệm vụ, họ được cha, mẹ, vợ, chồng động viên để yên tâm hoàn thành tốt công việc, an toàn trở về. Tất cả ở nhà đã có hậu phương vững chắc để mọi người vững tin “ra trận”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vẫn còn đó chồng chất khó khăn, các tỉnh miền Nam đang gồng mình chống dịch COVID-19, người dân miền Bắc đã và đang chung sức, đồng lòng tổ chức góp tiền, góp gạo, rau, củ quả nông sản… để giúp đỡ nhân dân vùng dịch. Những món quà của nhân dân “hậu phương” miền Bắc gửi đồng bào miền Nam ruột thịt đều chất chứa tình cảm, ân tình sâu nặng và là tấm lòng thảo thơm của mỗi người, mỗi nhà. Tất cả đều xuất phát từ truyền thống đoàn kết, yêu thương, sẻ chia của con người Việt Nam: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Truyền thống ấy được thể hiện qua hình ảnh chị bán vé số nhường phần quà vừa được cứu trợ cho bác xe ôm cùng xóm trọ vì “nhà mình vẫn còn đủ ăn”; cô công nhân mất việc cả tháng nay được bác tiểu thương chợ truyền thống tặng ký đậu phộng, lạng tôm khô để bớt khó khăn trong mùa dịch. Những gói quà cứu trợ là nhu yếu phẩm được các đơn vị, cá nhân liên tục gửi tới khu vực phong tỏa gói ghém biết bao tình cảm, sự yêu thương của con người với con người. Tinh thần “tương thân tương ái”, nghĩa đồng bào, truyền thống “một miếng khi đói bằng một gói khi no” chưa khi nào lại lan tỏa mạnh mẽ, ấm áp đến như thế! Nhiều người dân xa lạ hóa thân quen, xích lại gần nhau, nhường bó rau, quả trứng, thậm chí là quả ớt, chút hành, ngò… Không ai bảo ai, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Tất cả để chiến thắng đại dịch COVID-19!
Trong khó khăn của “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19, tình người càng tỏa sáng trên tinh thần “vì miền Nam ruột thịt” và “tất cả để chiến thắng đại dịch”. Tinh thần ấy là sự kế thừa và phát huy lên tầm cao mới sức mạnh của sự đoàn kết, tương thân, tương ái… để mỗi chúng ta cùng nhau nỗ lực vượt qua dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở về với trạng thái bình thường… Đó cũng chính là sự nhắn gửi tình cảm thủy chung, niềm tin chiến thắng của nhân dân miền Bắc đến đồng bào miền Nam: Miền Nam ơi “cả nước đang hy vọng, đang trông đợi, đang tin tưởng vào chiến thắng”.
Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 1