Kể từ mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn chọn mảnh đất đắc địa “rồng cuộn, hổ ngồi” làm Kinh đô của nước Đại Việt, cũng là thời điểm Thăng Long in dấu những mốc son lịch sử. Trải qua biết bao trận chiến với quân xâm lược, Thăng Long, Hà Nội vẫn giữ nguyên nét đẹp, cốt cách của nơi “đô hội” - hội tụ và toả sáng của nền văn hoá yêu nước, chuộng hoà bình. Các địa danh lịch sử: Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan... vang vọng hào khí “Đông A” một thời 3 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông; từ Chí Linh, Chi Lăng, Xương Giang đến Hội thề Đông Quan đã đi vào lịch sử như huyền thoại được viết bằng máu xương của nghĩa quân Lam Sơn, thấm đượm giá trị nhân văn cao cả “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/Lấy chí nhân thay cường bạo” và để lại dấu tích trên hồ Hoàn Kiếm - biểu trưng cho lòng yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu của dân tộc ta. Người Việt Nam không bao giờ quên khí thế hào hùng của trận thần tốc đại phá giặc Thanh năm Kỷ Dậu 1789, ghi dấu bằng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long đúng vào ngày Tết rực rỡ sắc hoa đào với câu nói bất hủ “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”… Tất cả đã hun đúc nên bề dày giá trị văn hoá và dáng vẻ của Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm mở đầu bằng sự kiện “Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa” và kết thúc bằng sự kiện “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” giải phóng Thủ đô vào 15 giờ ngày 10-10-1954. Ngày đó, hàng vạn nhân dân Hà Nội dự lễ chào cờ chiến thắng. Cờ đỏ sao vàng, hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, tượng trưng cho độc lập, chủ quyền của dân tộc, tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Trong ngày hội lớn Giải phóng Thủ đô 60 năm trước, nhân dân Hà Nội vui mừng đón nhận lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hà Nội không chỉ cùng với cả nước hướng về miền Nam, chia lửa, thức cùng nhân dân miền Nam trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược mà còn trực tiếp đánh bại không lực Mỹ tàn phá Thủ đô Hà Nội, làm nên “Điện Biên Phủ trên không”, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri rút quân đội viễn chinh về nước mà Hà Nội còn được vinh danh và tự hào là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Hà Nội có thể không đứng đầu cả nước về phương diện kinh tế, công nghiệp… nhưng sau vai trò trung tâm chính trị, phải là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả quốc gia - dân tộc. Cả nước hy vọng, với hàng ngàn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội sẽ tạo nên và phát huy được vị thế “đầu não” trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Một bề dày lịch sử hơn nghìn năm đã làm nên một Thủ đô với bề dày di sản văn hóa đồ sộ và vô giá, cộng với sự mở rộng Hà Nội trong 60 năm qua đã tạo nên một không gian mới cho sự phát triển của Thủ đô hiện đại. Di sản văn hóa của Hà Nội, trong đó di sản hơn nghìn năm đóng vai trò trung tâm cốt lõi sẽ là một nội lực trọng yếu bảo đảm sự phát triển đặc trưng và bền vững của Thủ đô Hà Nội hôm nay và mãi mãi về sau. Một Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại mang sắc thái và cốt cách tiêu biểu của truyền thống văn hóa nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, không chỉ quy tụ một trung tâm lịch sử mà còn tỏa rộng trên một không gian đô thị rộng lớn thuộc vùng văn hoá Bắc Bộ và cả nước.
Thách thức lớn đối với Hà Nội là việc cân bằng bền vững giữa phát triển và di sản của thành phố, giữa những áp lực của hiện đại hóa và nhu cầu nâng cao cuộc sống của cư dân Thủ đô. Những phương thức phát triển kinh tế và hoạch định quản lý bảo tồn có thể được tích hợp để phát triển thành một mô hình mới, trong đó, di sản trở thành hạt nhân của quá trình phát triển của thành phố thay vì là một sự bổ sung đơn giản. Hà Nội nên khai thác nhiều hơn nữa các giá trị của văn hóa và di sản của mình để nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách.
Từ những kinh nghiệm của các thành phố trên thế giới, đối với Hà Nội, công nghiệp sáng tạo chắc chắn phải trở thành chiến lược phát triển trọng tâm để giải quyết những vấn đề của chính Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Ngành công nghiệp sáng tạo có thể có những đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Ngoài việc tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, ngành công nghiệp sáng tạo còn tạo ra những giá trị gia tăng cho các sản phẩm kinh tế và văn hóa, giúp văn hóa Thủ đô trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, đưa văn hóa đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội theo đúng tinh thần văn kiện Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xứng đáng là Thủ đô văn hóa, trung tâm sáng tạo của đất nước và hướng tới vị trí quan trọng của khu vực và châu Á.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, là nơi hội tụ nhân tài, đỉnh cao trí tuệ của cả nước, có truyền thống ngàn năm văn hiến - anh hùng, đã lập được nhiều chiến công oanh liệt, với những dấu ấn lịch sử ghi lại những bước tiến mạnh mẽ nhất, đạt tới những tầm cao mới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử - nơi hội tụ và lan toả không chỉ văn hoá mà còn là nơi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để từ đó đề ra mọi chủ trương, đường lối đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước sát, hợp với điều kiện đất nước và xu thế phát triển của nhân loại.
Trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, gắn với vận mệnh của dân tộc, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi chứng kiến những thời khắc và sự kiện trọng đại của lịch sử. Hà Nội đã đi qua bao đau thương, mất mát nhưng vẫn vùng đứng lên và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Chiến thắng của Hà Nội cùng những bước tiến nhanh của Thủ đô thời gian qua đã góp phần quan trọng xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.
Ths. Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 1