Hậu Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số

Xây dựng hạ tầng số

Hiện nay, về cơ bản, các dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, cụ thể là nhu cầu tham gia các nền tảng số, ứng dụng xã hội số.

Cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước được đầu tư, phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành và xử lý công việc của từng cơ quan. Tỉnh cũng đã triển khai các dự án xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và đô thị thông minh như: Mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến đến cấp xã; Xây dựng và nâng cấp các nền tảng dùng chung; Mở rộng, nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến….

Đến nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang đã tiếp nhận, phối hợp xử lý hơn 2.800 phản ánh hiện trường của người dân. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xử lý phản ánh hiện trường của cơ quan nhà nước ngày một tăng cao, đến nay đạt trên 90%.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Hậu Giang đã triển khai ứng dụng nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (PayGov), sử dụng biên lai điện tử trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử. Trong năm 2022, các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G tại Hậu Giang.

Bên cạnh đó, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế số, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đang triển khai các giải pháp để hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chỉ số của tỉnh, thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân.

Phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Giai đoạn 2021-2025, Hậu Giang xác định “chìa khóa” phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và thực hiện chuyển đổi toàn diện các hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số.

Đồng chí Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hậu Giang cho biết, thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Hậu Giang được bắt đầu với việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số. Năm 2021, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 20-10-2021 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 29-10-2021 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hậu Giang.

Giai đoạn 2021-2025, Hậu Giang phấn đấu đưa 100% dịch vụ công lên trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; phần mềm quản lý văn bản được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử có ký số được luân chuyển trên phần mềm Quản lý văn bản của tỉnh…”.

Đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được tiếp cận thông tin về chuyển đổi số

Trong đó mục tiêu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được tiếp cận thông tin về chuyển đổi số; 50% doanh nghiệp có sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tối thiểu 200 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ Kế hoạch; thiết lập Mạng lưới chuyên gia đảm bảo đáp ứng nhu cầu tư vấn chuyển đổi số của doanh nghiệp…

Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển hạ tầng số, sản phẩm công nghệ số; phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số…

Bên cạnh đó, xác định yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công của chuyển đổi số là nguồn nhân lực, tỉnh đã tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng sử dụng các ứng dụng CNTT cho cán bộ trong cơ quan nhà nước. Đào tạo kiến thức, kỹ năng CNTT phục vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, người dân.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất