|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh quan sát bản đồ tích hợp các dự án kêu gọi đầu tư công nghiệp - nông nghiệp - đô thị - du lịch tỉnh Hậu Giang.
|
Phát triển bền vững 4 lĩnh vực
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã xác định phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng là 4 lĩnh vực đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo với quan điểm “Nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm”, theo đó:
Nhất tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn; Nhị tuyến là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP. Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu; Tam thành là ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; Tứ trụ là phát triển 4 trụ cột gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch (theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26-11-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo); Ngũ trọng tâm là hoàn thiện thể chế, chích sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Về phát triển công nghiệp, theo hướng công nghiệp hiện đại, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực phát triển các lĩnh vực khác; phát triển chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương.
Về phát triển nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng, theo quan điểm thuận thiên.
Về phát triển hệ thống đô thị thông minh, đảm bảo tính bền vững, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và định hướng chiến lược phát triển đô thị và nhà ở quốc gia.
Về phát triển du lịch, theo hướng chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, chọn những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để đầu tư phát triển nhằm quảng bá hình ảnh tỉnh Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước.
Mục tiêu đến 2025-2030
Đến 2025: xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng, gồm các mục tiêu cụ thể là: (1) Tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu tích cực, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 đạt tốc độ 7% - 7,5%/năm (hoặc cao hơn trung bình cả nước và khu vực khoảng 0,5%); (2) Đa dạng hóa, gia tăng nhanh bền vững nguồn thu ngân sách địa phương để tăng nguồn lực đầu tư phát triển; phấn đấu tăng thu nội địa tối thiểu 15% hằng năm; (3) Chuẩn bị hạ tầng cho tăng tốc phát triển, với các nhiệm vụ chính bao gồm: quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp; hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ và hạ tầng giao thông các tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã; (4) Chuẩn bị các cơ sở hạ tầng xã hội để thu hút lao động nhập cư, giảm dần mức tỷ suất di cư qua các năm; (5) Cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng dịch vụ hành chính công đưa tỉnh Hậu Giang nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố có các chỉ số về môi trường cạnh tranh tốt nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm: Chỉ số PCI, PAPI v các chỉ số khác như: PAR Index, SIPAS.
Đến năm 2030: xây dựng Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, không còn là tỉnh khó khăn về phát triển kinh tế, đó là: (1) Tăng tốc tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt 10% - 12%/năm hoặc cao hơn trung bình cả nước và vùng khoảng 1%; (2) Cân đối được thu, chi ngân sách, không phụ thuộc quá lớn vào nguồn Trung ương hỗ trợ; (3) Đổi mới mô hình trăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp đóng góp 40% - 50% GRDP, tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP giảm xuống dưới 15%; (4) Tăng dần tỷ suất nhập cư, hướng tới trở thành một địa phương có tỷ suất nhập cư thuần dương; (5) Bộ mặt nông thôn và thu nhập hộ gia đình được cải thiện mạnh mẽ, phấn đấu nằm trong nhóm 4 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất vùng ĐBSCL.
|
Lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận và tặng hoa chúc mừng cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư vào Hậu Giang tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề: “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui” được tổ chức vào tháng 7-2022.
|
Tầm nhìn đến năm 2045
Xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước, đó là: duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục khoảng 7%/năm từ nay đến 2050; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 30.000 USD/người/năm, đạt ngưỡng các nước thu nhập cao theo phân loại hiện nay của Ngân hàng Thế giới; cơ cấu kinh tế hiện đại với đóng góp của khu vực dịch vụ tăng lên trong GRDP; tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn dưới 10%; cân đối được thu, chi ngân sách một cách bền vững, đủ nguồn lực đầu tư cho phát triển và an sinh xã hội; trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng của vùng ĐBSCL; sản xuất nông nghiệp theo phương thức hiện đại; nông nghiệp xanh, phát triển nông nghiệp gắn với phục hồi hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên; quy mô dân số đạt khoảng 1 triệu người với năm 2050, tương đương với tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên khoảng 1%/năm và cân bằng giữa nhập cư với xuất cư bình quân trong giai đoạn từ nay đến 2050; các vùng đô thị được mở rộng, hài hòa và không tạo ra khoảng cách thu nhập quá lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
Chỉ tiêu cho giai đoạn 2021-2030
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025 là 7,3%, giai đoạn 2026-2030 là 10,2%; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 10 năm là 8,7%/năm (ĐBSCL là 6,5% - 7%); GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 84 triệu đồng (tương đương 3.600 USD) đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng (tương đương 6.383 USD), gấp 2,85 lần so với năm 2020, cao hơn mức trung bình vùng ĐBSCL; tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành trên địa bàn trong 10 năm khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng bình quân 8%/năm; tỷ trọng vốn đầu tư chiếm khoảng 38,7% GRDP; tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 15% hằng năm; tổng chi ngân sách 10 năm tăng bình quân 7%/năm, chi đầu tư phát triển tăng bình quân 10%/năm (trong đó chi đầu tư để phát triển kinh tế tăng bình quân 15% hằng năm); năng suất lao động xã hội năm 2025 là 156 triệu đồng, tăng 9,7%/năm, năm 2030 là 263 triệu đồng, tăng 10,9%/năm, tính chung 10 năm tăng bình quân 10,3%/năm; kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2030 đạt 1.600 triệu USD, tăng bình quân 9%/năm; kim ngạch nhập khẩu 800 triệu USD, tăng bình quân 7,4%/năm. Trong 10 năm xuất khẩu 11 tỷ USD, nhập khẩu 6 tỷ USD.
Văn hóa - xã hội: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2025 là 7,79%, năm 2030 là 10%, dân số đến năm 2030 khoảng 770.000 người; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 32%, đến năm 2030 đạt 37%; giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm 1%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 75%; số lao động được tạo việc làm trong 5 năm đầu là 75.000 lao động, 5 năm sau 80.000 lao động; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 85% (năm 2025) và đạt 90% (năm 2030), số sinh viên trên 10.000 người dân là 225 sinh viên (năm 2025) và 250 sinh viên (năm 2030).
Đến năm 2025, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 11%, số bác sĩ trên 10.000 người dân là 10 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 người dân là 36 giường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95%. Tỷ lệ xã nông thôn mới đạt trên 80% tổng số xã, trong đó số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao đạt trên 20%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 10%.
Tài nguyên môi trường: Đến năm 2025, tỷ lệ dân số ở thành thị sử dụng nước sạch 100%, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch 85%. Đến năm 2030, tỷ lệ dân số ở thành thị sử dụng nước sạch 100%, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch 95%.
Quốc phòng - an ninh: Xây dựng lực lượng quân sự, công an chính quy, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đúng quy mô tổ chức. Hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch công tác huấn luyện, diễn tập, giáo dục quốc phòng - an ninh, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm; diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện và cấp xã ít nhất một lần trong nhiệm kỳ. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm; kéo giảm tai nạn giao thông.
Chương trình cũng đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
H.Hào