Kì 3: Sáng tác ca khúc về Đảng dưới góc nhìn của người trẻ
Cần những chính sách, đề án cụ thể
Trung tá, nhạc sĩ An Hiếu là người có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhưng anh vẫn đang đau đáu một tác phẩm ca ngợi Đảng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Muốn các sáng tác ca khúc về Đảng thu hút được người trẻ tham gia để dòng chảy về mảng nội dung đề tài này tiếp tục được khơi nguồn cho hôm nay và nối tiếp đến mai sau, gần như các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ tâm huyết với âm nhạc nước nhà đều có những trăn trở và quan điểm riêng. Trung tá, nhạc sĩ An Hiếu “hiến kế”: Đảng, Nhà nước nên có những cuộc vận động sáng tác văn học - nghệ thuật về đề tài Đảng. Cần lan tỏa rộng rãi những tác phẩm văn học - nghệ thuật thuộc mảng đề tài đặc biệt này vì giữa thơ văn, ca khúc đều có sự bổ trợ, ảnh hưởng đến nhau rất nhiều. Đồng thời cung cấp thông tin, tài liệu, đưa cách nhìn mới mẻ, năng động của Đảng đến với các nhạc sĩ, tạo cơ hội cho các nhạc sĩ có được nhiều cảm nhận thực tế đủ để rung động mà biến thành âm nhạc. Một vấn đề cũng khá quan trọng nữa là Đảng, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư kinh phí thỏa đáng cho những sáng tác có chất lượng, có tính lan tỏa cao, tuyên truyền tốt.
Cùng chung niềm trăn trở đó, NSND Vương Duy Biên (Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, với bất cứ ngành nghề nào, vai trò lãnh đạo của Đảng có một tầm vóc đặc biệt quan trọng. Nghệ thuật là lĩnh vực mang đặc thù riêng nhưng vẫn phải bám sát vào mục đích, định hướng của Đảng và Nhà nước. NSND Vương Duy Biên cho biết thêm, nghệ sĩ cũng là những người cần có sự sáng tạo riêng, vì thế trách nhiệm của người lãnh đạo cần hiểu rõ họ thật sự muốn gì, cần gì, trăn trở điều gì… để từ đó có thể gần gũi, chia sẻ và truyền đạt đường lối của Đảng một cách sâu rộng đến giới nghệ sĩ. Các đơn vị nghệ thuật hiện nay đa phần đều là trực thuộc Nhà nước vì thế chúng ta vẫn duy trì được sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong mọi hoạt động. Hiện nay, bức tranh toàn cảnh nói chung về văn học - nghệ thuật cũng ít nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng Đảng.
Nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long (giữa) khẳng định muốn "kéo" lực lượng nhạc sĩ trẻ sáng tác về Đảng thì Đảng, Nhà nước phải có chiến lược lâu dài. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, muốn hướng đội ngũ nhạc sĩ trẻ đến với việc sáng tác ca khúc về Đảng, bên cạnh tài năng, trách nhiệm của các nhạc sĩ thì cần có những chính sách, những đề án cụ thể nhằm bồi dưỡng kiến thức nhiều mặt, hỗ trợ cụ thể và tối đa cho họ. Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phải là những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch phải là cơ quan có những chính sách cụ thể và mang tính khả thi đủ sức thu hút lực lượng sáng tác âm nhạc trẻ. Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần tập hợp đội ngũ sáng tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho các nhạc sĩ. “Cũng cần nhấn mạnh rằng, âm nhạc là một nghệ thuật đặc biệt nên cần có sự quan tâm đặc biệt. Lâu nay chúng ta có rất nhiều cuộc vận động sáng tác về các ngành nghề nhưng hình như chúng ta chưa có cuộc vận động sáng tác ca khúc về Đảng. Tuy nhiên tôi cũng xin khẳng định, cần quan tâm một cách đúng mức, tránh chỉ mang tính phong trào và phải kết hợp cả với những yếu tố khác. Thực tế muốn làm được như thế Đảng, Nhà nước phải có chiến lược lâu dài”, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long trăn trở.
NSƯT Đăng Dương thể hiện ca khúc ca ngợi Đảng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mãi mãi niềm tin theo Đảng" do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức vào tối 3-2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội để chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng và chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021. (Ảnh: Báo Lao động).
Trong tư cách một nghệ sĩ thể hiện thành công nhiều ca khúc về Đảng, về Bác Hồ, NSƯT Đăng Dương (Trưởng Đoàn Ca nhạc mới, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) nhận xét, thời gian qua, có một số tác phẩm mới về Đảng, về Bác được một số tác giả sáng tác một cách đầy tâm huyết, mang tính chất tuyên truyền nhưng vẫn rất đẹp và trong sáng. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để chiêm nghiệm việc chúng có thể mang đến cho khán thính giả những cảm xúc mãnh liệt giống như những tác phẩm bất hủ trước đây không. Đối với ca sĩ trẻ hiện nay, khi trình bày các tác phẩm về Đảng, về Bác cần một tâm huyết, cần tìm hiểu kỹ càng các ca khúc mà mình muốn thể hiện. “Nghệ thuật là thứ mang đến sự chân thật rõ nét. Nếu ca sĩ trẻ chưa thật sự đặt tâm mình vào ca khúc đó, sẽ rất khó đến gần với công chúng. Dòng nhạc cách mạng mà tôi theo đuổi cần phải có một thời gian nghiên cứu, học hỏi qua trường lớp và rất khó tạo “hiệu ứng” ngay như dòng nhạc trẻ. Nghệ thuật rất khắc nghiệt, nếu không yêu, đam mê và quyết liệt đi đến tận cùng thì rất khó để thành công”, NSƯT Đăng Dương quả quyết.
Những tín hiệu mới
Nhạc sĩ, ca sĩ Tạ Quang Thắng thể hiện ca khúc "Lá cờ" do anh sáng tác. (Ảnh: ST).
Dẫu những ca khúc mới viết về đề tài Đảng, Bác Hồ trong giới sáng tác trẻ chưa nhiều nhưng ngay trong những năm gần đây công chúng vẫn được đón nhận những tác phẩm có chất lượng. Một trong những người quyết liệt và tâm huyết ấy có thể kể đến nhạc sĩ, ca sĩ Tạ Quang Thắng với bài hát “Lá cờ”. Ca khúc với giai điệu trẻ trung vừa ngọt ngào, vừa dữ dội được anh sáng tác năm 2010 khi mới 22 tuổi đã đem đến cú “hát-trích” trong Chung kết Bài hát Việt 2010 với 3 giải: Giải do Hội Nghệ sĩ bình chọn; Giải Ý tưởng sáng tạo; Giải do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam dành cho ca khúc truyền thống xuất sắc. “Lá cờ” là câu chuyện thực của bố mẹ anh ngày xưa. Bố anh khi đang là sinh viên Trường Sân khấu điện ảnh thì phải dừng việc học, đi theo tiếng gọi của Đảng lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ngoài chiến trường. Còn mẹ anh là diễn viên của đoàn văn công chuyên đi biểu diễn cho bộ đội, đồng bào ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa trong những năm chiến tranh. Ca khúc thể hiện niềm tin, sự tự hào về cả một thế hệ đã sống, lao động và chiến đấu gian khổ vì Đảng, vì Tổ quốc. Nhạc sĩ Tạ Quang Thắng tâm sự: “Câu chuyện của cha mẹ tôi cũng là câu chuyện của nhiều người con Việt Nam đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì Tổ quốc. Bằng câu chuyện có thật, cảm xúc chân thật, ngôn từ dung dị nhất, tôi đã cất lên những nghĩ suy về lòng yêu nước của những con người trẻ tuổi, có thể chưa nồng nàn bằng thế hệ cha ông đã từng trải qua một thời oanh liệt, song cũng đủ để trân trọng, nâng niu những giá trị của thế hệ đi trước, để mỗi lần cất lên những câu hát của bài Quốc ca dưới cờ đỏ sao vàng, mỗi người trẻ lại thấy tự hào hai tiếng Việt Nam” (“Đứng dưới bóng cờ là con tim ngân lên tiếng ca”).
Cũng ra đời trong thời điểm đó là ca khúc “Tuổi xuân dâng Đảng” của nhạc sĩ Dương Cầm. Ở ca khúc này, nhạc sĩ sinh năm 1986 đã “kể” về quá trình đấu tranh gian lao, vất vả của Đảng để non sông Việt Nam có được ngày hôm nay:“Cờ hồng tươi đang phấp phới trong tim/ Dù trong đêm đen hay nắng ngập tràn/ Đảng đã dắt ta vượt qua muôn dặm đường xa/ Cờ đỏ tươi kia thắm máu anh linh/ Vượt qua gian lao biết mấy hy sinh/ Để cho ngày hôm nay non sông chói sáng…”. Ca khúc với lời ca trong sáng, giai điệu vui tươi như một lời thúc giục người trẻ dâng hiến tuổi xuân của mình cho Đảng để tiếp tục kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng: “Tuổi trẻ hôm nay vươn cánh xa bay/ Hiến dâng tuổi xuân, hiến dâng đời ta/ Trái tim hồng rộn vang tiếng núi sông”.
Nhạc sĩ, ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc thể hiện ca khúc ca ngợi Đảng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mãi mãi niềm tin theo Đảng" do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức vào tối 3-2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội để chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng và chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021. (Ảnh: VOV).
Đặc biệt gần đây với nguồn cảm hứng từ công cuộc chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam thắng lợi dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, nhạc sĩ, ca sĩ sinh năm 1992 Hoàng Hồng Ngọc (Nhà hát Ca múa nhạc quân đội) đã sáng tác ca khúc “Lời Đảng – hiệu triệu trái tim”. Ca khúc có những ca từ đầy “màu sắc chính trị”, nhưng lại đi vào lòng người bởi giai điệu trẻ trung sôi nổi và sự “phá cách” trong sáng tác, không đi theo những lối mòn quen thuộc. Nữ ca sĩ từng là quán quân Sao Mai 2015 ở dòng nhạc nhẹ cho biết, mình đã trăn trở rất nhiều khi được mời đi biểu diễn trong các sự kiện lịch sử quan trọng của Đảng, của đất nước. Dù những ca khúc cũ về Đảng là những bài hát hay nhưng nhiều khi đã trở thành nhàm chán và không còn hợp “gu” của người trẻ. “Tôi muốn sáng tác ca khúc về Đảng dưới góc nhìn của người trẻ. Trong thời đại 4.0 người trẻ nghĩ gì về Đảng? Đặc biệt, trước thềm Đại hội XIII của Đảng, càng thôi thúc tôi phải cho ra đời tác phẩm của mình như một sứ mệnh. Dù tác phẩm được đón nhận ra sao thì ít nhất là tôi đã là người trẻ viết về Đảng, chứ không phải chờ có ai đó mở đường. Từ tư duy ấy tôi đã mạnh dạn cầm bút và viết về Đảng bằng cả trái tim mình”, nữ nhạc sĩ 9X quả quyết.
Đánh thức khát vọng
Một mùa Xuân mới lại về khiến lòng người phơi phới niềm tin yêu cuộc sống, lạc quan về tương lai xán lạn của đất nước, của dân tộc. Mùa Xuân cũng là mùa mà Đảng ta ra đời, chính Đảng đã đem lại mùa Xuân bất tận cho dân tộc – mùa Xuân của độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt dịp sinh nhật lần thứ 91 này, Đảng ta vừa tiến hành thành công Đại hội lần thứ XIII với biết bao kỳ vọng và niềm tin tưởng về một đất nước lớn mạnh, hùng cường trong tương lai không xa. Như một “đặc sản” của ngày Tết, của mùa Xuân, nhân ngày "sinh nhật" Đảng, những ca khúc về Đảng, về Bác Hồ lại vang lên hùng tráng, hào sảng, thôi thúc, giục giã đôi chân và con tim của hàng triệu triệu người con nước Việt tiến lên phía trước, khát khao cống hiến. Những ca từ và giai điệu ấy mang một sức mạnh tinh thần to lớn, thể hiện khát vọng về một “Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, dân tộc Việt Nam cường thịnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Khát vọng ấy là mong muốn thiết tha của Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời, là khát vọng của đất nước, dân tộc và con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trong đổi mới và hội nhập. Khát vọng ấy hòa hợp ý Đảng - lòng Dân...
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đảng cho ta mùa xuân" do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức vào tối 3-2 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô để chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng và thành công của Đại hội XIII của Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021. (Ảnh: Báo Hà Nội mới).
Hơn 90 năm qua, những ca khúc về Đảng luôn song hành cùng lịch sử dân tộc và nhiệm vụ của thế hệ nhạc sĩ trẻ hôm nay cần phải tiếp nối truyền thống tốt đẹp và đáng tự hào ấy để có những sáng tác mới phục vụ công cuộc đổi mới và hội nhập sâu rộng của Đảng, của đất nước. Tất nhiên, để có được những sáng tác về lĩnh vực này các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phải có những chính sách, đề án cụ thể để khuyến khích, động viên cũng như tạo nguồn cảm hứng sáng tạo để các nhạc sĩ có thể toàn tâm, toàn ý trong sáng tác. Cùng với đó về phía đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên trong các nhà trường, cơ quan, đơn vị, trong các cấp từ Trung ương đến địa phương cũng cần tăng cường phổ biến tuyên truyền những ca khúc về Đảng, về Bác Hồ để khơi dậy trong mỗi người trẻ tinh thần “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” (“Khát vọng tuổi trẻ”, nhạc sĩ Vũ Hoàng), “Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội/ Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao/ Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng/ Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông” (“Khát vọng”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn).
Ngô Khiêm