"Mùa hội nghị"
Tôi có anh bạn làm ở một phòng chuyên môn cấp huyện. Anh kể, năm nào cũng vậy, cứ khoảng 2 tháng cuối năm là cán bộ lãnh đạo cơ quan anh phải sắp xếp, bố trí thời gian đi dự hội nghị, nào là hội nghị cấp huyện, cấp tỉnh, thậm chí cả do Trung ương tổ chức. Do có quá nhiều hội nghị trong cùng thời điểm nên phải đặt lên bàn cân lựa chọn! Tiêu chí để lựa chọn hội nghị cũng rất đơn giản. Đó là, vừa phải xem nội dung hội nghị có quan trọng, có cần thiết đối với đơn vị mình hay không và hội nghị có tham quan, giao lưu hay không, chế độ cao hay thấp. Hội nghị nào mà có tính "ưu trội" hơn thì được ưu tiên lựa chọn...

Nhiều hội nghị đều chú trọng nội dung sao cho hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm, nhưng  cũng không ít đơn vị khi tổ chức hội nghị chỉ chăm chăm mời được nhiều khách, lý do mời chủ yếu là nhằm có “cơ sở để quyết toán”, nhất là các hội nghị sử dụng ngân sách hoặc từ nguồn dự án, nguồn tài trợ. Bởi không gì dễ giải ngân, nhanh, gọn bằng tổ chức hội nghị. Nhiều hội nghị chỉ tổ chức một ngày, thậm chí một buổi nhưng khi quyết toán lại lên đến 2 ngày. Có bộ phận thanh tra, kiểm tra hay kiểm toán nào đi xác minh tính xác thực của số tiền và số ngày tổ chức hội nghị đâu.                        

Ngày 26-11-2013, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bên cạnh nhiệm vụ xây dựng, chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các giải pháp để thực hiện nhằm đạt được mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, còn phải chịu trách nhiệm về việc ban hành các văn bản cá biệt không phù hợp thực tiễn hoặc trái pháp luật gây lãng phí. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ vào nhu cầu, mục đích của từng hội nghị để kiểm soát tình trạng tổ chức hội nghị. Tuyệt đối không tổ chức các hội nghị “vô thưởng, vô phạt” chỉ vì mục đích giải ngân, vừa gây lãng phí thời gian của cán bộ, công chức, tiền của Nhà nước, vừa làm hư cán bộ…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất