Sự cần thiết của kiểm toán môi trường
Môi trường và sự phát triển bền vững hiện nay không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia mà nó đã trở thành vấn đề toàn cầu đang được thế giới đặc biệt quan tâm. Nếu đặt mục tiêu phát triển kinh tế cao, khả năng phải sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, khả năng xảy ra sự ô nhiễm là rất lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của môi trường và ngược lại. Do đó, các quốc gia cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Ở Việt Nam, khái niệm kiểm toán môi trường (KTMT) còn khá mới mẻ. Theo Cục Bảo vệ môi trường, KTMT là công cụ quản lý bao gồm một quá trình đánh giá có tính hệ thống, định kỳ và khách quan, được văn bản hóa về việc làm thế nào để thực hiện tổ chức môi trường, quản lý môi trường và trang thiết bị môi trường hoạt động tốt.
Thực chất KTMT là kiểm toán các vấn đề về chính sách, chương trình và kinh phí liên quan đến môi trường của chính phủ, cụ thể như: Kiểm tra, đánh giá các số liệu tài chính và đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính, các trách nhiệm tài chính của Chính phủ; Kiểm toán sự tuân thủ, phù hợp các luật, các hiệp định và các chính sách về môi trường; Kiểm toán sự đảm bảo các tiêu chí thực hiện, đảm bảo việc quản lý môi trường và kinh tế được thực hiện bởi cơ quan Kiểm toán Nhà nước.
Trong các loại hình kiểm toán thì KTMT được coi là một loại hình kiểm toán đặc biệt bởi các lý do:
- Môi trường hiện nay là một vấn đề mang tính toàn cầu và nó ảnh hưởng tới tất cả các nước trên thế giới;
- Môi trường cung cấp các nguyên liệu cần thiết cho sự tồn tại của con người và sự phát triển của các nền kinh tế như: Gỗ, nước, không khí, các tài nguyên khoáng sản…;
- Có rất nhiều đối tượng tổ chức khác nhau tham gia vào hoạt động môi trường;
- KTMT đòi hỏi kiến thức rất rộng về các môn khoa học khác nhau: Địa lý, hóa học, kiểm toán…
KTMT là một trong những công cụ giúp hỗ trợ trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Đồng thời, KTMT còn góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm với xã hội của các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh trong việc bảo vệ môi trường bền vững. Hơn nữa, KTMT cũng giúp giảm các rủi ro về môi trường cũng như rủi ro về sức khoẻ cộng đồng, và cải thiện công tác quản trị môi trường ở mức độ DN.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng vô cùng to lớn của môi trường không chỉ đối với cuộc sống của chúng ta mà với cả nền kinh tế Việt Nam, có thể nói hoạt động KTMT là vô cùng cần thiết trong hoạt động kiểm toán của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của KTMT đối với sự phát triển bền vững của đất nước trên các mặt kinh tế - xã hội nói chung và sự cần thiết phải hội nhập với xu thế phát triển nghề nghiệp của cộng đồng các cơ quan kiểm toán trên thế giới và khu vực nói riêng, Kiểm toán Nhà nước đã chính thức trở thành thành viên của Nhóm công tác về KTMT của Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) vào năm 2008. Từ đó đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã và đang từng bước phát triển.
Để điều phối các hoạt động trong kế hoạch phát triển KTMT, Kiểm toán Nhà nước đã thành lập Nhóm công tác về KTMT với mục tiêu tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trong việc định hướng và triển khai hoạt động kiểm toán đối với các vấn đề có liên quan đến môi trường. Với bước khởi đầu này, Kiểm toán Nhà nước đã tận dụng một cách có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh việc tiến hành nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực KTMT của một số cơ quan kiểm toán của Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ…, Kiểm toán Nhà nước còn cử nhiều lượt kiểm toán viên tham dự các hội nghị, khóa đào tạo về KTMT tại Ấn Độ, Canada và Trung Quốc nhằm từng bước tiếp cận và tiến hành các cuộc kiểm toán chứa đựng các vấn đề có liên quan đến môi trường.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề về KTMT với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài nhằm giúp cho các kiểm toán viên hiểu đúng và đầy đủ hơn về KTMT cũng như những lợi ích mà KTMT đem lại.
Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đã quan tâm và chú trọng đến lĩnh vực KTMT thông qua một số hoạt động như cử cán bộ tham gia các nhóm công tác về KTMT của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và ASOSAI; thành lập Phòng KTMT; thực hiện một số cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến môi trường… Tuy nhiên, trên thực tế, Kiểm toán Nhà nước mới chỉ thực hiện việc kiểm toán lồng ghép nội dung KTMT trong hầu hết các cuộc kiểm toán năm.
Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2015, đã lồng ghép thực hiện được một số cuộc kiểm toán có yếu tố môi trường, nổi bật như: Kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (2012); Kiểm toán vấn đề nước lưu vực sông Mekong (phối hợp thực hiện với cơ quan kiểm toán Thái Lan, Lào, Myanmar và Campuchia); Kiểm toán “Quỹ bảo vệ môi trường” (2015); Kiểm toán hệ thống xử lý nước thải bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn TP. Hà Nội (2015); Kiểm toán chương trình giảm nhẹ và thích ứng với sự biến đổi khí hậu (2012-2015)...
Thời gian qua Kiểm toán Nhà nước cũng đã tích cực chuẩn bị về mặt tổ chức và nhân sự cho KTMT. Cụ thể, tháng 10/2015, Phòng KTMT đã được thành lập trực thuộc Vụ Hợp tác quốc tế, có chức năng tham mưu cho Tổng Kiểm toán Nhà nước việc tham gia hội nhập quốc tế của Kiểm toán Nhà nước về KTMT; xây dựng mục tiêu, chiến lược phát triển, quy trình về KTMT; tổ chức triển khai và áp dụng KTMT trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Trong năm 2016, Phòng KTMT thí điểm đưa 3 cuộc kiểm toán vào Kế hoạch kiểm toán năm và đang tiến hành triển khai theo lộ trình.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm trong việc kiểm toán sự ô nhiễm môi trường do các hoạt động và dự án gây ra cũng như tìm ra các giải pháp giúp hệ thống quản lý môi trường hoạt động hiệu quả. Các cơ quan kiểm toán cần kiến nghị Chính phủ tăng cường thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường trên cả nước.
Thông qua kiểm tra việc thực hiện các chính sách môi trường quốc gia, hoạt động của hệ thống quản lý môi trường, lợi ích của quỹ môi trường và việc sử dụng hợp lý các nguồn lực, KTMT có thể tăng cường kiểm soát rủi ro môi trường, đồng thời nâng cao khả năng quản lý môi trường của Chính phủ.
Những thách thức
Mặc dù việc thành lập Phòng chuyên về KTMT và các vấn đề hợp tác quốc tế về KTMT đã được đặt ở cấp Kiểm toán Nhà nước Trung ương tại Việt Nam, tuy nhiên, việc thiết lập chức năng và bộ phận KTMT cũng gặp khá nhiều thách thức. Nguyên nhân chủ yếu là do các văn bản pháp lý và các tiêu chuẩn về môi trường trong hoạt động của DN còn thiếu và chưa đồng bộ.
Việt Nam cũng chưa có một văn bản pháp lý cụ thể nào quy định Kiểm toán Nhà nước có chức năng KTMT; nhận thức và dư luận xã hội về lĩnh vực KTMT còn hạn chế, đặc biệt là trong các đối tượng cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Hơn nữa, ở Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường của quốc gia, trong khi đây là kênh thông tin hết sức quan trọng có thể hỗ trợ rất nhiều cho Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động kiểm toán.
Một khó khăn khác phải kể đến là nhận thức về trách nhiệm xã hội của DN đối với cộng đồng chưa cao. Theo Khái niệm trách nhiệm đối với xã hội của DN được Milton Friendman nhà kinh tế học người Mỹ đoạt giải thưởng Nobel kinh tế năm 1976 đưa ra từ những năm 1970 thì “Trách nhiệm xã hội của DN sẽ làm tăng lợi nhuận của họ”. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhân tố môi trường hầu như chưa được tính đến trong các phương án sản xuất kinh doanh của các DN.
Công tác đào tạo cán bộ có kiến thức và kinh nghiệm về KTMT của Kiểm toán Nhà nước còn hạn chế, do đó chưa xây dựng được một đội ngũ kiểm toán viên môi trường chuyên nghiệp; chưa xây dựng được một quy trình, phương pháp riêng đối với hoạt động KTMT.
Thực tế này cho thấy, việc giải quyết những thách thức mà Kiểm toán Nhà nước sẽ đối mặt trong quá trình thực hiện KTMT không chỉ cần thời gian, sự nỗ lực và định hướng rõ ràng từ Kiểm toán Nhà nước, mà còn cần sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức và các cơ quan kiểm toán quốc tế.
Định hướng phát triển kiểm toán môi trường tại Việt Nam giai đoạn tới
Để vượt qua những thách thức nói trên, ngoài những nỗ lực triển khai các hoạt động kiểm toán hoạt động nói chung cũng như kiểm toán hoạt động về môi trường nói riêng, trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, Kiểm toán Nhà nước cũng đã đề ra nhiều giải pháp để tăng cường hoạt động KTMT thông qua một số hành động sau:
Kiểm toán Nhà nước đang tập trung xây dựng và tăng cường năng lực KTMT, trong đó tiếp tục chú trọng đào tạo đội ngũ kiểm toán viên KTMT thông qua các hình thức mời chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm; cử cán bộ tham gia các khóa học tại nước ngoài, tìm kiếm các dự án tài trợ cho phát triển KTMT; phát triển đội ngũ cán bộ kiểm toán viên KTMT đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngành hợp lý.
Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng quy trình và phương pháp cho kiểm toán hoạt động, trong đó có KTMT, xây dựng Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán trên cơ sở luật pháp của Việt Nam nhưng có tham khảo các chuẩn mực, hướng dẫn, cẩm nang của INTOSAI, trong đó chú trọng việc đồng hóa những chuẩn mực của INTOSAI.
Kiểm toán Nhà nước cũng tập trung đề xuất, xây dựng các văn bản pháp lý quy định rõ chức năng KTMT của Kiểm toán Nhà nước; xây dựng và phát triển các hướng dẫn, phương pháp KTMT theo hướng tuân thủ Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế; tăng cường nhận thức và ý thức của các cơ quan, đơn vị và xã hội về KTMT; phát triển tổ chức bộ máy KTMT thuộc Kiểm toán Nhà nước; triển khai và tăng cường các cuộc KTMT.
Các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước cần hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai KTMT, cụ thể là xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn KTMT trên cơ sở các hướng dẫn, cẩm nang có sẵn của INTOSAI/ASOSAI; xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn (từ 2- 3 năm) và dài hạn (từ 5- 7 năm); tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và đánh giá chất lượng các nội dung về KTMT nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của KTMT.
Bên cạnh đó, cần phát triển tổ chức bộ máy, nhân sự thực hiện kiểm toán hoạt động nói chung và KTMT nói riêng; Phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và phát triển khoa học - công nghệ thông tin phục vụ cho nội dung KTMT, đặc biệt chú ý đến công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cac cơ quan quản lý nhà nước và công chúng; Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về kiểm toán hoạt động...
NC