Đầu tiên là công việc đối với con người
Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập và thống nhất đất nước, lớp lớp người đã chiến đấu hy sinh với gần 1, 2 triệu liệt sĩ, trong đó gần 53 nghìn liệt sĩ chưa có tên trên bia mộ, có trên 500.000 thân nhân liệt sĩ; gần 600.000 thương binh và 185.000 bệnh binh; 111.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị tù đầy; 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn giáo dục cho các thế hệ phải ghi nhớ công ơn của liệt sĩ, thương binh. Trong diễn văn đọc tại buổi lễ kỉ niệm 30 năm thành lập Đảng, khi nói về thương binh, liệt sĩ Bác viết: “Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng, của dân ta… Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta…”.
Bảy mươi sáu năm, kể từ Ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên đến nay, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp, tổ chức nhiều hoạt động để toàn dân được thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” như: Pháp lệnh đối với người có công; Pháp lệnh về phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; phát động các phong trào về chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, đỡ đầu nuôi dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà cho các đối tượng người có công, bố trí giải quyết việc làm cho con liệt sĩ; tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng khó khăn. Các hoạt động đã được triển khai trong toàn xã hội, từ các cấp ở Trung ương đến tất cả các cấp chính quyền, đoàn thể, hiệp hội ở địa phương.
Từ các hoạt động đó chúng ta đã chăm sóc tốt hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,4 triệu người hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng; phụng dưỡng 139 nghìn Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; tìm kiếm, quy tập, chăm lo cho 1.146.250 phần mộ của liệt sĩ, xây dựng 9.637 công trình ghi công liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc; chăm sóc hơn 600.000 thương binh, 185.000 bệnh binh, 1.897.000 người có công… Cùng với việc bảo đảm chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên, nhiều chính sách mới đã ban hành và thực hiện, như: Chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong chính sách giáo dục và đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; vay vốn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng; nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng…
Nhiều cách làm hay, hiệu quả
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, đến nay nhiều cách làm hay, có ý nghĩa đối với công lao, sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ, thương, bệnh binh được triển khai trên khắp cả nước, có sức lan tỏa trong mỗi thôn làng, ở tất cả các ngành nghề và mọi giai tầng xã hội.
Quảng Trị là một trong số ít địa phương có số lượng thương binh, liệt sĩ và người có công khá lớn (chiếm tỷ lệ 19,43%) so với dân số trong toàn tỉnh. Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, đó là Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9; 7 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, 60 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã và 3 nghĩa trang liệt sĩ cấp thôn quản lý với trên 60 vạn mộ liệt sĩ. Một số nghĩa trang liệt sĩ cấp xã nhưng cũng có gần 2.000 mộ liệt sĩ; có xã có đến 3 nghĩa trang… Toàn tỉnh có 19.172 liệt sĩ, 11.805 thương binh, 2.242 bệnh binh, 2.786 Bà Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 14.631 người có công với nước, 5.064 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với 5 chương trình tình nghĩa, đó là: Chương trình xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa; Chương trình ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng ở gia đình; Chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chương trình chăm sóc bố mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và đỡ đầu con liệt sĩ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị luôn tâm niệm không chỉ chăm sóc tốt người có công còn sống mà luôn phải có trách nhiệm cao hơn nữa với con em của 52 tỉnh, thành phố trên cả nước đang yên nghỉ tại quê hương mình để sưởi ấm cho gia đình các thân nhân liệt sĩ. Tỉnh Quảng Trị là địa phương duy nhất trong cả nước có mô hình Trung tâm Đón tiếp thân nhân liệt sĩ. Hằng năm, Trung tâm đã đón tiếp chu đáo hàng nghìn lượt thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang. Quảng Trị tổ chức nhiều hoạt động tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ như: Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội tri ân tháng 7, Lễ hội “Đêm hoa đăng” tưởng niệm liệt sĩ trên sông Thạch Hãn... đã thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và nhân dân trong cả nước. Cũng trong dịp này Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tặng 300 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng cho các gia đình chính sách ở Quảng Trị.
Tỉnh Thanh Hóa có 329.824 người có công, trong đó: 4.573 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 56.000 liệt sĩ; gần 62.000 thương, bệnh binh; hơn 18.000 người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiếm chất độc hóa học… Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, 98% số hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân nơi cư trú. Từ năm 2012 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 40 hài cốt liệt sĩ trong nước, 225 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh tại nước bạn Lào đưa về an táng tại các nghĩa trang trong tỉnh. Hàng trăm mẫu ADN đã được xác định, phân tích, qua đó giúp nhiều gia đình liệt sĩ nhận được hài cốt của người thân…
Ở Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh đã qui tập trên 31.000 mộ liệt sĩ, trong đó có 750 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào, đưa về an táng tại 64 nghĩa trang liệt sĩ và gia đình quản lý chăm sóc tại nghĩa trang gia tộc. Các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công cơ bản được xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang, chăm sóc chu đáo, trang nghiêm, nhiều công trình đã trở thành thiết chế văn hóa ở địa phương như Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Huế, Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền, Đền Liệt sĩ huyện Quảng Điền. Các nghĩa trang liệt sĩ đều được các trường học nhận chăm sóc. Ngày càng có nhiều công trình ghi công liệt sỹ trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa ở địa phương góp phần lan tỏa sâu rộng truyền thống anh hùng cách mạng trong mỗi người dân.
Kỷ niêm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Bộ Tổng Tham mưu phối hợp cùng với Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC, Quân chủng Phòng không Không quân và Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa tặng 8 gia đình chính sách ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, mỗi gia đình 80 triệu đồng. Đây là hoạt động thiết thực có ý nghĩa nhằm tri ân, động viên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Trong giai đoạn 2017-2022, Ban Chỉ đạo 515 quốc gia kết hợp với hội cựu chiến binh các cấp đã thu thập, cung cấp gần 185.000 thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tiếp nhận, thẩm định trên 16.500 phiếu có thông tin nơi chôn cất liệt sĩ cung cấp cho các đơn vị làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ; vận động gần 3.000 lượt cựu chiến binh phối hợp khảo sát, xác minh, dẫn đường cho đơn vị làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ… Đã quy tập được gần 9.800 hài cốt liệt sĩ (trong nước gần 4.900; Lào gần 1.500; Căm-pu-chia trên 3.400).
Ban Chỉ đạo 515 của thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2013-2020, tiếp nhận, thu thập, kết nối, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ cung cấp, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp nhận, kết nối, kiểm tra, xác minh, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ của các đơn vị trong toàn quân. Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị và trích lục thông tin về 3.835 liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác tìm kiếm quy tập; tổ chức lễ an táng cho 749 liệt sĩ về các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn Hà Nội. Hành trình “Trả lại tên cho anh” của Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1, Quân khu 9 khu vực Hà Nội trong 4 năm (2019-2023) đã lấy mẫu 183 ngôi mộ, xác minh được danh tính 45 liệt sỹ, kết hợp với các cơ quan chức năng và đơn vị quân đội làm lễ gắn tên lên bia mộ các anh và giúp các gia đình đưa các anh về quê hương bản quán. Hà Nội đang tập trung thực hiện 4 việc cho các đối tượng chính sách: Cấp xe lăn; giải quyết việc làm cho vợ, con liệt sỹ và thương binh; xây dựng và sửa chữa nhà; cho vay ưu đãi…
Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 5 đã tiến hành rà soát 154.936/239.993 thông tin liệt sĩ thuộc đơn vị, địa phương quản lý. Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 5 kiến nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân cung cấp danh sách liệt sĩ hy sinh, an táng ban đầu trên địa bàn Quân khu 5; địa bàn 3 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Căm-pu-chia để các đơn vị hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ và tổ chức tìm kiếm, quy tập, hướng dẫn việc thực hiện xác định, bổ sung thông tin liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng...
Trong chương trình phối hợp của Ban Chỉ đạo quốc gia 515 và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam giai đoạn 2023-2030, trong đó xác định: Đẩy mạnh các hoạt động thu thập, kết nối, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh. Tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Có thể thấy, công tác chính sách đã đem lại cuộc sống tốt hơn đối với người có công, giúp đỡ thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn không chỉ là những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng đối với quá khứ hào hùng của dân tộc và tương lai tươi sáng của các thế hệ mai sau; thể hiện tính nhân văn trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đó chính là kế thừa và phát huy giá trị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp của dân tộc. Cũng là tấm lòng của mỗi người tri ân công lao to lớn của Bác Hồ, lớp lớp cha anh đã anh dũng chiến đấu cho độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Trần Công Huyền