Thực tiễn triển khai Luật Đất đai 2013 tại một số tỉnh Tây Bắc

Chúng tôi xin tổng hợp những ý kiến đóng góp của một số tỉnh Tây Bắc trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 như sau:

Lào Cai: Vướng mắc tại một số điểm trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và các thủ tục thu hồi, bồi thường khi thu hồi đất.

Tỉnh này kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, sử đổi bổ sung hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013: Cần sửa hoặc bỏ quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vì: Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong đó có nội dung thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt (Nghị quyết của Chính phủ) nhưng vẫn phải xin ý kiến Thủ tướng là không cần thiết (Nghị quyết của Chính phủ là ý kiến của cả một tập thể trong đó có ý kiến của Thủ tướng). Trong khi đó để có ý kiến của Thủ tướng lại phải qua rất nhiều ngành, mà các ngành này đều tham gia thẩm định quy hoạch sử dụng đất của các tỉnh. Nên này làm tăng thủ tục hành chính, gây khó khăn cho các tỉnh, thành phố trong việc thu hút đầu tư.

Đề nghị cho phép UBND cấp tỉnh căn cứ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng các loại đất trong quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt để quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương. Trường hợp đã thực hiện hết chỉ tiêu mới phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.
 

1. Một số kiến nghị bổ sung của tỉnh Lào Cai góp ý sửa đổi Luật Đất đai 2013
Một số kiến nghị bổ sung của tỉnh Lào Cai góp ý sửa đổi Luật Đất đai 2013

Tại Điều 71, Luật Đất đai 2013, chưa quy định rõ thời gian tối đa Ban cưỡng chế bảo quản và việc xử lý tài sản của người bị thu hồi đất đối với trường hợp chủ sỡ hữu tài sản không đến nhận tài sản; mới quy định cưỡng chế thực hiện đối với trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư mà không quy định việc cưỡng chế thu hồi đất vi phạm pháp luật đất đai. Theo đó, tỉnh Lào Cai đề xuất: Quy định rõ thời gian tối đa Ban cưỡng chế bảo quản và việc xử lý tài sản của người bị thu hồi đất đối với trường hợp chủ sỡ hữu tài sản không đến nhận tài sản; quy định việc cưỡng chế thu hồi đất vi phạm pháp luật đất đai.

Đề xuất bỏ quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp được quy định tại Điều 129 vì: Việc quy định hạn mức giao đất nông nghiệp chưa phù hợp với đặc thù, phong tục tập quán đối với các tỉnh miền núi (địa hình đất dốc, gia đình chung sống nhiều thế hệ…), đời sống chủ yếu dựa vào diện tích đất sản xuất nông nghiệp (trồng cây hàng năm). Mặt khác, hiện nay nhiều hộ gia đình, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần phải tích tụ đất đai, nếu giữ nguyên như Điều 129 sẽ khó khăn trong việc tích tụ đất đai.

Yên Bái: Sự chồng chéo trong ban hành chính sách

Tại Khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai 2013 không quy định giá đất cụ thể được sử dụng làm căn cứ xác định giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, nhưng Điều 15 của Nghị định 44/2014/NĐ-CP lại quy định giá đất cụ thể làm căn cứ để xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê. Như vậy, nội dung quy định tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013.

Giữa Luật Đất đai và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có nội dung chưa thống nhất về đối tượng quản lý, sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Tại Khoản 1 Điều 135 Luật Đất đai quy định đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên chỉ giao cho tổ chức quản lý, bảo vệ rừng để bảo vệ và phát triển rừng trong khi Khoản 3 Điều 25 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định có thể cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước thuê đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Đề nghị quy định thống nhất về đối tượng quản lý, sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định của Luật Đất đai với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
 

2. Luật Đất đai 2013 vẫn còn tồn tại những điểm vướng mắc trong quá triển khai thực hiện tại địa phương
Luật Đất đai 2013 vẫn còn tồn tại những điểm vướng mắc trong quá triển khai thực hiện tại địa phương

Về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư chưa tương thích với nhau, cụ thể: Luật Đất đai chỉ quy định các trường hợp phải áp dụng hoặc không áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất; Luật Đấu thầu chỉ quy định các trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Luật Đầu tư chỉ quy định các trường hợp quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, khi xem xét một trường hợp cụ thể, các địa phương còn lúng túng và khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất hay chỉ định Chủ đầu tư). Đề nghị rà soát sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư để đảm bảo sự tương thích và thống nhất

Bên cạnh đó, một số chính sách pháp luật về đất đai được quy định bởi khung giá của Nhà nước so với thị trường còn thấp dẫn đến việc thu ngân sách từ thuế đất còn thấp, ảnh hưởng đến việc tăng thu ngân sách của địa phương; giá đất làm căn cứ tính thuế đất khi có hoạt động chuyển nhượng còn hạn chế, giá đất do UBND tỉnh quy định có chỗ vẫn thấp hơn giá giao dịch trên thị trường; sự điều tiết phần giá trị tăng thêm của đất do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch khu thương mại, đô thị nhưng chưa có những chính sách phù hợp để điều tiết phần giá trị tăng thêm, tăng nguồn thu, dẫn đến thất thu ngân sách, nhất là phần lợi ích do đầu tư công tạo ra ở các khu vực đô thị…

Điện Biên: Thời gian phê duyệt kế hoạch sử dụng đất bất hợp lý được quy định trong Luật Đất đai năm 2013.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện phê duyệt trước ngày 31/12. Tuy nhiên, đến cuối năm, HĐND, UBND cấp tỉnh mới giao chỉ tiêu, phê duyệt nguồn vốn để thực hiện công trình, dự án nên chưa được cập nhật trong kế hoạch sử dụng đất để thực hiện thu hồi, giao đất cho các công trình, dự án. Tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, ngày 6/1/2017 của Chính phủ cho phép thực hiện dự án và cập nhật, bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm tiếp theo, tuy nhiên việc rà soát, cập nhật mất thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân thực hiện dự án, công trình.

Luật Đất đai 2003 quy định đất nông nghiệp trong khu dân cư, trong địa giới hành chính phường, đất ao vườn trong cùng thửa đât có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở, khi Nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ từ 30 – 50% giá đất ở liền kề và giá đất trung bình của khu vực bị thu hồi đất. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai 2013, những loại đất này không được hỗ trợ nữa. Trong thực tế, việc thu hồi đất cùng trên cùng một tổ dân phố, triển khai cùng 1 dự án nhưng khác danh mục (có thể dự án được điều chỉnh đầu tư thêm) nhưng khác thời điểm áp dụng Luật, dẫn đến sự chênh lệch về mức giá đền bù, khiến người dân thắc mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Sơn La: Cần đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với Bộ Tài chính sửa đổi, tách riệng quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 4, Thông tư số 74/2015/TT-BTC, ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính. Vì kinh phí xác định giá đất khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại khoản 1, khoản 2, Điều 3 của Thông tư số 20/2015/TT-BTNMT ngày 27/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều dự án lớn mức quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 4 của Thông tư 74/2015/TT-BTC, của Bộ Tài chính, về hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
 

3. Sơn La đề nghị ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp
Sơn La đề nghị ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp

Đề nghị sửa đổi thống nhất giữa khoản 2, Điều 77, Nghị định 43/NĐ-CP với điểm b, khoản 2, Điều 10, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, quy định về thời gian niêm yết.

Cần bổ sung vào khoản 5, Điều 98, Luật Đất đai 2013 và khoản 20, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, vì chưa quy định cụ thể căn cứ để xác định “ranh giới thửa đất có thay đổi so với thời điểm cấp Giấy chứng nhận” hay “ranh giới thửa đất không thay đổi so với thời điểm cấp Giấy chứng nhận.

Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng đề nghị ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp (đất ở) nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội khu dọc quốc lộ, tỉnh lộ. Vừa tăng thu cho ngân sách nhà nước vừa giải quyết được vi phạm khi sử dụng đất.

Trần Hương - Hà Thuận

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất