Quang cảnh buổi họp báo.
Chiều 13-7-2021, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Tham dự buổi họp báo có: đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đồng chí Lê Văn Minh - thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP, đồng chí Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP; đồng chí Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP; đồng chí Nguyễn Tuấn Bảo - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP; đồng chí Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Tuyền thông; đồng chí Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế; đồng chí Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương; đồng chí Nguyễn Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP; đồng chí Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP; đồng chí Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu - Công an TP; đồng chí Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cùng đại diện các cơ quan báo chí TP và Trung ương.
Tăng cường bóc tách hết các mầm bệnh đang tiềm ẩn trong cộng đồng
Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cho biết, từ 6 giờ ngày 12-7 đến 6 giờ ngày 13-7, TP đã có 1.602 trường hợp dương tính mới phát hiện (chưa công bố) trong đó, 579 trường hợp phát hiện trong khu phong tỏa; 778 trường hợp trong khu cách ly; 8 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp; 3 trường hợp khi tầm soát cộng đồng; 138 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện; 96 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.
Về tình hình các ổ dịch tại TP, đồng chí Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc HCDC cho biết hiện TP có 70 ổ dịch, trong đó có 26 ổ dịch đang diễn tiến gồm: 6 ổ dịch chợ, 12 ổ dịch khu dân cư, 8 ổ dịch công ty/khu công nghiệp và 44 ổ dịch đã ổn định.
Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phát biểu tại họp báo.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết thêm: TP hiện có 10 khu cách ly tập trung với tổng công suất 15.080 giường, đang cách ly 7.977 người. TPHCM có 19 bệnh viện dã chiến đang hoạt động và đang thiết lập thêm 5 bệnh viện dã chiến. 24 bệnh viện này có công suất là 44.890 giường, đang điều trị cho 16.757 bệnh nhân.
Về công tác tiêm vắc-xin, đồng chí Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, qua 4 đợt tiêm, đã có lượt 991.872 người đã được tiêm, trong đó có 943.215 mũi 1 và 48.657 mũi 2.
Trả lời câu hỏi về kế hoạch cách ly và điều trị F0 tại nhà, đồng chí Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết việc cách ly F0 tại nhà là ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong cuộc họp mới đây. TPHCM sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi nào có hướng dẫn cụ thể.
Về một số trường hợp người dân phản ánh F0 chậm được điều trị, Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, thời gian qua TP test nhanh để xác định những người dương tính, khi đó sẽ tiếp tục làm xét nghiệp PCR để chắc chắn. Tuy nhiên với ngành y tế, ngay cả khi đã test nhanh dương tính thì đã coi như là F0 và tiến hành điều tra truy vết, chứ không chờ kết quả PCR – thường phải một ngày sau mới có. Nên có những trường hợp test nhanh dương nhưng PCR âm tính.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại buổi họp báo.
“Các trường hợp test nhanh có triệu chứng thì phải chuyển ngay đi bệnh viện. Còn nếu chưa có triệu chứng thì tạm thời cách ly. Trước đây khi tình hình chưa nóng, ca nhiễm chưa nhiều, nên dù có hay không có triệu chứng đều được chuyển đi bệnh viện.”; đồng thời nhấn mạnh ngành y tế hiện nay đang tập trung phòng, chống dịch COVID-19, là nhiệm vụ cấp bách. Ngoài các bệnh viện dã chiến trước đây, TPHCM cũng đã xây dựng nhiều kịch bản để đáp ứng công tác điều trị, chăm sóc các bệnh nhân bình thường và bệnh nhân COVID-19 cho thật tốt.
Về thực hiện Chỉ thị 16, đồng chí Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng không phải là giải pháp vàng mà chỉ là điều kiện để có môi trường thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn. Ngành y tế đang cùng các quận, huyện tăng cường bóc tách hết các mầm bệnh đang tiềm ẩn trong cộng đồng, mà nếu không thực hiện Chỉ thị 16 sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Đồng chí Nguyễn Hữu Hưng tin rằng thời gian này sẽ góp phần giải quyết được tình hình dịch bệnh hiện nay. “Tôi thực sự cảm kích, hiểu được tấm lòng, mong muốn của người dân TP là TPHCM sẽ khống chế được dịch bệnh. Nhưng từ mong muốn đến hiện thực cần sự đóng góp của tất cả mọi người, tuân thủ khuyến cáo của ngành Y tế, chỉ đạo của TP để chiến thắng được dịch bệnh, hoặc ít ra có những tín hiệu khả quan trong 15 ngày. Còn nếu giải pháp chưa đủ mạnh, chưa đủ quyết liệt thì việc thực hiện Chỉ thị 16 trong 15 ngày sẽ giảm ý nghĩa”.
Đồng chí Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP phát biểu tại buổi họp báo.
Thành phố đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân
Liên quan việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trong 24 giờ qua, đồng chí Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP cho biết, ngày 13-7, lượng hàng về TPHCM chủ yếu là thực phẩm tươi sống, khoảng 1.900 tấn, tăng 100 tấn so với ngày 12-7. Lượng hàng tăng là nhờ triển khai được điểm tập kết hàng hóa ở Thủ Đức để đưa về các chợ truyền thống, qua đó đã góp phần giảm tải cho nguồn hàng về TPHCM. Việc giao dịch không mua bán trực tiếp tại điểm tập kết, mà thực hiện qua điện tử nhằm đảm bảo nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch.
Theo đồng chí Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương, những ngày qua các hệ thống phân phối hiện đại tăng lên khoảng 1,5-5 lần lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, Sở đang vận động khai thác các nguồn lực xã hội. Trong đó, Viettel Post và Việt Nam Post đã tích cực hỗ trợ, đăng ký đưa các bưu cục ở địa phương thành điểm bán hàng lưu động. Sở sẽ hỗ trợ đưa hàng hóa đến phục vụ người dân. Cụ thể, Viettel Post đăng ký 34 điểm, Việt Nam Post đăng ký 200 điểm bán hàng.
Đồng chí Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu tại buổi họp báo.
Trả lời về tình trạng khan hiếm hàng hóa, đồng chí Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, với các siêu thị lớn có kho dự trữ dồi dào thì rất khó có tình trạng thiếu hàng hóa. Những ngày qua, ngành Công thương đã huy động các cửa hàng tiện lợi để phục vụ thêm thực phẩm tươi sống. Những cửa hàng ngày không có, hoặc kho dự trữ rất hạn chế nên những thời điểm người dân đi mua hàng nhiều sẽ khó đáp ứng kịp thời. Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng tăng cường bán lưu động. Đồng thời, các địa phương cũng chọn các chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động, tận dụng cơ sở vật chất của chợ rồi chọn 2-10 tiểu thương có kinh nghiệm kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống, có xét nghiệm âm tính để bố trí giãn cách rộng trong chợ, phát phiếu cho người dân mua hàng. Tiểu thương sẽ đóng gói sẵn hàng hóa, một gói khoảng 20.000-30.000 đồng, khu phố sẽ thông báo cụ thể về gói hàng hóa này để người dân khi đi chợ có thể chuẩn bị tiền mua ngay, đảm bảo giãn cách mà mua sắm nhanh.
PV