TPHCM ngày thứ 4 áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
Tính đến 20g ngày 12-7-2021: Cả nước có 2.367 ca nhiễm mới, riêng tại TPHCM có 1.764 ca nhiễm mới do Bộ Y tế công bố. Cụ thể:

2.367 ca ghi nhận trong nước, riêng tại TPHCM (1.764), Bình Dương (128), Tiền Giang (118), Đồng Nai (82), Khánh Hoà (58), Đồng Tháp (40), Phú Yên (30), Hà Nội (29), Vĩnh Long (26), Đà Nẵng (14), An Giang (11), Bình Phước (8 ), Trà Vinh (8 ), Hậu Giang (8 ), Bắc Giang (7), Hưng Yên (7), Quảng Ngãi (7), Sóc Trăng (5), Bắc Ninh (4), Tây Ninh (3), Bạc Liêu (2), Thanh Hóa (2), Nam Định (2), Huế (1), Nghệ An (1), Vĩnh Phúc (1), Đắk Nông (1); trong đó 2.096 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. 

Như vậy, số ca nhiễm tại TPHCM trong ngày 12-7 nhiều hơn ngày 11-7 là 444 ca (1.320 ca trong ngày 11-7-2021)

Tăng thời gian cách ly tại nhà lên 14 ngày đối với những người từ TPHCM về các địa phương


Lấy mẫu xét nghiệm để truy vết F0

Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 5533/BYT-MT gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc điều chỉnh thời gian cách ly y tế tại nhà và xét nghiệm đối với người từ TPHCM về địa phương, cụ thể:

Điều chỉnh tăng thời gian cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người từ TPHCM (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TPHCM nhưng không dừng, đỗ) từ 7 ngày lên 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo. Đồng thời, phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.

Những người tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát đến làm việc tại TPHCM theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền không phải thực hiện cách ly y tế nhưng phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày trở vệ địa phương lưu trú. Trong thời gian tự theo dõi sức khoẻ, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.

Sắp đưa vào hoạt động Trung tâm hồi sức COVID-19 1.000 giường
Sở Y tế TP, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP quyết định chuyển đổi công năng khu vực điều trị nội trú của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 thành Trung tâm hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường.


Cơ sở điều trị của cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM được chuyển đổi công năng thành Trung tâm hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường. 

Đây là trung tâm có cấu trúc hạ tầng hiện đại, được trang bị đầy đủ các phương tiện thở oxy, thở máy không xâm lấn HFNC, thở máy xâm lấn. Tất cả giường bệnh đều có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm. Trong đó, có 100 giường săn sóc đặc biệt với hệ thống khí nén trung tâm bên cạnh oxy và hút trung tâm - điều kiện giúp triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch.

Điều động siêu xe xét nghiệm lưu động từ Hà Nội vào hỗ trợ TPHCM
Bộ Quốc phòng điều động siêu xe Kamaz 43118 với buồng phân tích mẫu công nghệ cao của Bộ đã vượt hơn 1.700km từ Hà Nội vào TPHCM để hỗ trợ phân tích mẫu xét nghiệm COVID-19. Ngay khi đến nơi, các cán bộ chiến sĩ đã phối hợp cùng phòng xét nghiệm vi sinh của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chi nhánh phía nam thành lập phòng xét nghiệm dã chiến, bắt tay vào làm việc.

Thượng tá Hoàng Đức Hậu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - điều trị kỹ thuật cao, Viện Y sinh nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, chức năng chính của xe là nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm để có dữ liệu, phương pháp xử lý. Hằng ngày, vào chiều tối, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP sẽ đến giao mẫu, các bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ phân tích mẫu các mẫu được giao bên trong xe.

Từ ngày 4-7 đến nay, xe xét nghiệm đã hỗ trợ TP phân tích khoảng 4.200 mẫu gộp, tương đương hơn 40.000 lượt người. Qua phân tích đã phát hiện ra 217 mẫu dương tính để thông báo cho TP xử lý.

Hiện tại, với thời gian trả kết quả trong 24 giờ, xe lưu động này đã giúp TP đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong cộng đồng.


Kỹ thuật viên cùng đồng nghiệp làm việc trên siêu xe Kamaz 43118

Nhiều người dân TPHCM được mua sắm miễn phí ở "siêu thị 0 đồng"
Trong thỏa thuận hợp tác về triển khai thực hiện chương trình "Vòng tay Việt" vừa được Sở Công thương TP, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận ký kết, TP sẽ triển khai chương trình "siêu thị mini 0 đồng" và "chuyến xe lưu động" để hỗ trợ người dân.

Theo đó, đối với chương trình "siêu thị mini 0 đồng", tạm thời ban tổ chức sẽ phát hơn 16.000 phiếu mua hàng cho hơn 8.000 người lao động khó khăn ở các quận, huyện (mỗi người 2 phiếu, mỗi phiếu trị giá 200.000 đồng). Để người dân dễ tiếp cận chương trình, ban tổ chức sẽ tổ chức 11 điểm siêu thị ở 10 quận, huyện, và sẽ tiếp tục kêu gọi thêm sự đồng hành của các doanh nghiệp để tăng thêm đối tượng được hỗ trợ trong thời gian tới.


Thẻ “Tấm vé nghĩa tình” để mua siêu thị 0 đồng 

Mỗi đối tượng khó khăn được phát 2 phiếu, mỗi phiếu có trị giá 200.000 đồng để đến mua sắm tại "siêu thị mini 0 đồng".

Còn về “chuyến xe lưu động”, các chuyến xe sẽ được tổ chức để hỗ trợ thực phẩm cho người dân, đặc biệt là khu vực phong tỏa.

Đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương cho biết, mục đích của hai chương trình nhằm giúp người dân tiếp cận hàng hóa với các hình thức cung ứng nhanh chóng tiện lợi, hỗ trợ về giá.

Quảng Nam xuất quân hỗ trợ TPHCM đẩy lùi COVID-19
Cũng trong sáng 12-7, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã làm lễ xuất quân đưa các y, bác sĩ lên đường hỗ trợ TPHCM đẩy lùi COVID-19.


Đoàn y - bác sĩ thể hiện quyết tâm đẩy lùi COVID-19 trước giờ lên đường

Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Trưởng đoàn công tác cho biết, đoàn gồm 39 y, bác sĩ của bệnh viện sẽ lên đường theo sự điều động của Bộ Y tế. Đây là các y, bác sĩ giỏi chuyên môn, từng kinh qua việc điều trị cũng như tác nghiệp trực tiếp tại vùng đỏ, khu vực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện.

Tập trung đưa người ăn xin vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội
Thực hiện Chỉ thị 16, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) TP đã đề nghị các quận, huyện, TP. Thủ Đức tập trung người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng trên địa bàn để đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội hoặc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần. Đồng thời, chỉ đạo cấp phường, xã, thị trấn thực hiện tốt công tác xác minh nơi cư trú và giải quyết hồi gia đối với đối tượng có địa chỉ cư trú trên địa bàn; quan tâm hỗ trợ sinh kế cho gia đình, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Sở cũng đề nghị các trưởng phòng LĐ-TB-XH cấp quận, huyện và TP. Thủ Đức tham mưu chủ tịch UBND quận, huyện tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, hành động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân... chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn.

Cùng với đó, rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện và giải quyết các trường hợp xin ăn, sinh sống nơi công cộng, trú tại khu vực trung tâm, cửa ngõ, trước cổng các siêu thị, chợ, bệnh viện và tại các giao lộ lớn trên địa bàn.

4 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tại TPHCM về bảo hiểm xã hội
Ngày 12-7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP đã có hướng dẫn thực hiện 4 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.


Người lao động làm thủ tục tại cơ quan BHXH TP

Thứ nhất, về hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Thứ hai, người sử dụng lao động đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng tính từ tháng nộp hồ sơ đề nghị. Đối với đơn vị đã được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo Nghị quyết số 42/2020 và Nghị quyết số 154/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng vào quỹ không quá 12 tháng.

Thứ ba, người sử dụng lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022. Thời gian giảm mức đóng được tính hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì khẩn trương liên hệ với cơ quan BHXH để thực hiện giảm mức đóng này theo quy định. Cơ quan BHXH sẽ thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống 0% (đơn vị không phải làm hồ sơ) và gửi thông báo cho đơn vị qua dịch vụ bưu chính.

Thứ tư, về việc xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động lập danh sách và chịu trách nhiệm thông tin danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo mẫu quy định tại Quyết định 23/2021, gửi cơ quan BHXH nơi quản lý thu BHXH qua giao dịch điện tử, qua dịch vụ bưu chính... Cơ quan BHXH chỉ xác nhận các tiêu chí: Họ và tên, mã số BHXH, thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương (ngày tháng năm), thời gian tạm hoãn HĐLĐ/nghỉ không hưởng lương của danh sách và giải quyết không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất